Thứ 6, 22/11/2024, 10:54[GMT+7]

Kình ngư dệt biển

Thứ 2, 07/08/2017 | 15:23:23
2,201 lượt xem
Trong điều kiện chiến tranh vô cùng gian khổ, ác liệt và thiếu thốn, với sự sáng tạo tài tình của quân đội ta, vận dụng nhiều cách thức đi biển linh hoạt, kết hợp cả yếu tố vừa công khai vừa bí mật để có thể vận chuyển vũ khí, hàng hóa một cách an toàn, hiệu quả nhằm chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam,

Cựu chiến binh Đỗ Trọng Lạng bên bức ảnh tàu 235 thuộc đoàn tàu không số huyền thoại.

Thượng sĩ Đỗ Trọng Lạng, quê làng Lại Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư là 1 trong 30 chiến sĩ công binh đầu tiên người Thái Bình thuộc Trung đoàn 15, Lữ đoàn 330 được chọn giao nhiệm vụ đặc biệt: tham gia xây dựng đoàn tàu không số, dệt nên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.

Kể từ tháng 10/1961 đến nay, 56 năm qua đi, ký ức về những chuyến tàu không số lướt sóng đại dương vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần lạc quan, nung nấu một lý tưởng cao đẹp, một niềm tin chắc thắng và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn rọi sáng trong tim những cựu chiến binh Lữ đoàn 125 hải quân. Nay đã 85 tuổi đời, 55 năm tuổi đảng, cựu chiến binh, thương binh Đỗ Trọng Lạng vẫn không thể quên được cảm xúc khi cầm trong tay quyết định phục viên trở về gia đình năm 1980 sau 20 năm phục vụ trong quân ngũ. Niềm vui đoàn tụ gia đình không ngăn nổi những giọt nước mắt xót xa, thương cảm cho những đồng đội thân yêu, gắn bó máu thịt cùng ông xây dựng đoàn tàu không số đã nằm lại mãi mãi giữa lòng biển bao la.

So với anh em ở đơn vị mới, ông Lạng là người “cứng tuổi” nên được coi như anh cả. Nhận quyết định chuyển từ lính công binh sang lính hải quân làm nhiệm vụ đặc biệt xây dựng đoàn tàu không số là vinh dự lớn, ông Lạng được thưởng 15 ngày phép. Ông khoác ba lô về thăm gia đình trước lúc nhận nhiệm vụ mới trong lòng tràn ngập niềm vui, bước chân chộn rộn. Vui vì được cấp trên tín nhiệm, vui vì được thỏa nguyện ước đi đánh giặc cứu nước nhưng cũng không khỏi “áy náy” khi phải nói dối gia đình được đi học nước ngoài mà không thể nói ra điều hết sức thiêng liêng ông và đồng đội của ông đã thề dưới cờ Tổ quốc sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng xây dựng và bảo vệ đoàn tàu không số, xây dựng đường Hồ Chí Minh trên biển giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cho gia đình biết được. Nhận nhiệm vụ đặc biệt là đồng nghĩa với sự hy sinh. Chia tay, ôm người vợ tảo tần và con trai bé bỏng vào lòng, tạm biệt làng quê ông Lạng giấu nước mắt vào tim và không hề nghĩ mình lại may mắn có ngày trở về. Cũng bởi cuộc chiến vô cùng ác liệt, đồng bào miền Nam ruột thịt đang phải chịu nhiều đau thương. Tiếng thét căm hờn của đồng bào miền Nam khi giặc đế quốc Mỹ thi hành Luật 10/59 lê máy chém đàn áp phong trào cách mạng, máu của đồng bào ta tiếp tục đổ hối thúc các chiến sĩ đoàn tàu không số quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì miền Nam ruột thịt. 

Ông Lạng hồi tưởng: Trở lại đơn vị phía Nam, ông cùng đồng đội được đưa ra miền Bắc, đóng quân ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Ban ngày các ông luyện tập thể lực, ban đêm các ông vận chuyển vũ khí, hàng hóa xuống tàu. Kể đến đây ánh mắt ông Lạng sáng lên, ông kể tiếp: Những thùng đạn nặng ngót “trăm ký” bình thường phải hai người khiêng nhưng không hiểu sao lúc ấy khỏe thế, cứ đặt lên vai vác chạy phăng phăng lên tàu. Nhưng rồi, những chuyến tàu nhận nhiệm vụ liên tục rời bến bí mật hòa vào đại dương bao la khiến cho lượng hàng vận chuyển lên tàu ngày càng gấp và nhiều hơn, các chiến sĩ “bốc vác” sức khỏe đuối dần. Ông Lạng suy nghĩ, bến cảng của đoàn tàu không số chỉ là những trụ cọc bê tông được ngụy trang khéo léo nhằm tránh máy bay Mỹ phát hiện ném bom, cầu cảng là những ván gỗ ghép từ bờ lên mạn tàu khiến cho việc khuân vác hàng hóa ngược lên khoang tàu rất khó khăn. Khuya về, không ngủ, ông cặm cụi cắt mảnh bìa cát tông rồi lấy cơm dán thành hình cầu trượt dùng làm dây chuyền vận chuyển hàng hóa. Cuối dây chuyền là các bao cát giúp cho hàng tiếp cận khoang tàu nhẹ nhàng, không gây cọ xát, va đập. Sáng kiến của ông ngay lập tức được áp dụng, cấp trên khen ngợi, ông được tặng bằng khen và suy tôn là chiến sĩ thi đua. Những năm tháng làm nhiệm vụ xây dựng đoàn tàu không số ông Lạng không thể quên được hình ảnh con tàu 235 đã đi vào lịch sử mà ông cùng đồng đội đã từng gắn bó. 

Đầu năm 1968, sau nhiều chuyến tàu chở hàng thành công vào miền Nam, ông Lạng nhận lệnh lên bờ đi học nâng cao trình độ. Phải xa con tàu 235, xa thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, ông buồn lắm. Ông không ngờ lần chia tay ấy là lần cuối cùng ông nhìn thấy hình ảnh thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và con tàu. 11 giờ 30 phút ngày 27/2/1968, tàu 235 xuất phát chở vũ khí, hàng hóa vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa). Tối ngày 29/2, tàu đến ngang vùng biển Nha Trang và chuyển hướng vào bờ. Phát hiện ra tàu ta, địch lập tức huy động nhiều tàu chiến đến vùng biển Nha Trang với ý định bắt sống thủy thủ đoàn. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh khôn khéo điều khiển tàu 235 luồn lách qua đội hình tàu địch và đến được bến Ninh Phước lúc nửa đêm ngày 1/3. Trong màn đêm đen đặc, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định thực hiện phương án cho thả hàng xuống biển để mò vớt sau. Thả hàng xong, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu chạy ven bờ xuôi xuống bến Ninh Vân chừng độ mười hải lý nhằm mục đích giữ bí mật nơi thả vũ khí. Tàu địch đuổi theo nã đạn dữ dội rồi bật đèn pha, gọi máy bay đến thả pháo sáng và bắn rốc-két vào tàu 235. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã lệnh cho các chiến sĩ rời tàu còn mình ở lại chiến đấu đánh lạc hướng quân địch. Vòng vây của quân địch siết chặt hơn, thấy anh em đã rời xa con tàu, biết không thể thoát được, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định nổ bộc phá hủy tàu. Tiếng nổ vang trời, cột khói bốc cao, một phần thân tàu văng cả lên lưng chừng núi Bà Nam, xã Ninh Vân. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã anh dũng hy sinh cùng tàu 235.

Cứ nhằm ngày biển động, sóng to, gió lớn, thời tiết nguy hiểm thì những con tàu không số lại lặng lẽ nhổ neo rời bến. Chống chọi với bão tố, phong ba, biển động sóng lừng cao ngất trời như muốn hất tung, nhấn chìm tất cả, những trận chiến không cân sức với tàu địch, hứng chịu những trận mưa bom do máy bay Mỹ ném xuống, các chiến sĩ đoàn tàu không số “đầu đội trời chân không đạp đất” được ví như “kình ngư của biển cả” đã chiến đấu gan dạ, quả cảm đến hơi thở cuối cùng, hóa thân giữa lòng biển cả bao la để bảo vệ an toàn cho những con tàu của đoàn tàu không số, dệt nên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.




Cựu chiến binh Nguyễn Công Sáu, xã Trung An, huyện Vũ Thư, nguyên cán bộ đoàn tàu không số

Tôi và anh Đỗ Trọng Lạng được chọn từ lính công binh sang lính hải quân để xây dựng đoàn tàu không số (sau này là Lữ đoàn 125 hải quân). Trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975) tôi liên tục phục vụ đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường đã tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng, đưa hàng trăm nghìn tấn vũ khí, hàng hóa vào chiến trường miền Nam mà tuyến vận tải chiến lược đường bộ không có khả năng vươn tới với một số lượng vũ khí còn lớn hơn cả số đưa vào bằng đường bộ trong cùng một thời gian.


Cựu chiến binh, thương binh Đinh Công Thực, thôn Cự Lâm, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, nguyên thuyền viên đoàn tàu không số

Có một điều khác biệt với các chiến sĩ không quân, lục quân “tìm địch mà đánh”, nhiệm vụ của chúng tôi là tìm cách tránh địch để bảo vệ tàu và hàng hóa. Nguyên tắc tuyệt đối bí mật, tuyệt đối trung thành và không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này. Mỗi tàu đều được cài sẵn những khối thuốc nổ lớn với các loại kíp nổ tức thì. Các thủy thủ đều được đơn vị tổ chức truy điệu trước khi khởi hành phòng khi bị địch phát hiện các chiến sĩ trên tàu sẽ tự kích nổ phá tàu và hy sinh. Chúng tôi chọn những lúc thời tiết xấu nhất rời bến, càng giông tố, bão bùng càng là lúc thuận lợi cho chúng tôi vì đó là lúc địch chủ quan nhất.


Cựu chiến binh Vũ Trọng Phụng, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, nguyên sĩ quan Lữ đoàn 125, nguyên giảng viên Học viện Hải quân

Tôi là lớp người đi sau bác Lạng, bác Sáu, bác Thực của đoàn tàu không số, cảm nhận sâu sắc tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, mỗi chuyến tàu rời bến các thủy thủ không những phải đối mặt với bom đạn của địch mà còn phải đối mặt với bão tố, phong ba cả những lúc bệnh tật hiểm nghèo uy hiếp tính mạng.

Quang Viện 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày