Thứ 6, 27/12/2024, 18:38[GMT+7]

3 lần đến Trường Sa

Thứ 2, 07/08/2017 | 15:35:25
1,418 lượt xem
Với những con dân đất Việt, được một lần đặt chân tới Trường Sa là niềm mong mỏi, vinh dự và tự hào. Bởi vậy mà nghệ sĩ Phạm Tấn Anh, Trưởng đoàn Ca múa kịch Thái Bình luôn tự nhận mình là người rất may mắn khi được 3 lần đến với Trường Sa - chốt tiền tiêu trấn giữ sườn Đông Tổ quốc.

Giao lưu văn nghệ.

3 lần đến, là 3 lần những lời ca điệu múa của các nghệ sĩ quê lúa át tiếng sóng biển, động viên nhân dân và bộ đội Trường Sa chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

3 chuyến đi Trường Sa vào các năm 2012, 2015, 2017, đối với nghệ sĩ Tấn Anh, đều là những kỷ niệm khó quên trong đời. Anh mừng vì cuộc sống của nhân dân và chiến sĩ trên các đảo nay đã bớt đi nhiều khó khăn. Cảnh quan, môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Thông tin, liên lạc và các phương tiện nghe nhìn hiện đại được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm đầu tư xây dựng hiện đại. Vậy nhưng, tình cảm nồng ấm giữa những người lính đảo với đoàn công tác khi chia tay trở về đất liền, cùng lời hẹn sẽ thăm lại Trường Sa, cứ làm một người có trái tim đa cảm như nghệ sĩ Tấn Anh thổn thức, trào dâng cảm xúc không nói được thành lời.

Điệu chèo giữa đại dương

Đối với nghệ sĩ Tấn Anh, có lẽ trong 3 lần được đến với Trường Sa, thì chuyến công tác vào tháng 4/2015 là chuyến đi ấn tượng nhất. Năm ấy, đoàn đi vào đúng những ngày biển động mạnh, bão đổ bộ vào biển Đông giật tới cấp 10. “Khi biển yên, ta lắng nghe biển trào, biển biếc như tình em đằm thắm” là vậy. Thế mà khi giông tố nổi lên, biển cuộn sóng như muốn hất tung đi tất cả! Mọi thành viên trong đoàn ai nấy đều say sóng nghiêng ngả, nhưng không một ai nản chí. 

Nhớ lại những ngày ấy, anh Trần Ngọc Hưng, nhạc công của đoàn chia sẻ: Dù sức khỏe không tốt, nhưng cứ nghĩ đến việc chỉ cần chợp mắt một giấc là ra đến đảo, được biết thế nào là Trường Sa, được gặp gỡ, giao lưu, hát cùng chiến sĩ và nhân dân trên các đảo là mọi mỏi mệt như tan biến. Có lẽ chính bởi sự háo hức mong chờ ấy, chính bởi tình yêu lớn lao đối với đảo, đối với quân và dân Trường Sa mà ngay khi tàu cập bến, các nghệ sĩ lại hăng say biểu diễn. Giữa biển khơi bao la, họ hát bằng cả trái tim mình.

Cũng trong chuyến đi năm 2015, kỷ niệm khó quên nhất đối với nghệ sĩ Tấn Anh cũng như các thành viên của đoàn, đó là khi biểu diễn phục vụ các chiến sĩ ngay trên tàu. Biểu diễn trên đất liền khi mà sức khỏe không tốt đã là thách thức, vậy nên biểu diễn trên tàu, thử thách ấy càng nhân lên gấp bội phần. Bởi sóng biển quá to mà không thể đứng vững nên các ca sĩ trong đoàn đành một tay bám chặt lấy lan can trên boong tàu, còn tay kia cầm chắc micro. Lời ca theo gió, người hát uốn lượn theo từng đợt sóng tung bọt trắng xóa trùm lên mạn tàu. Họ nhìn nhau,  động viên nhau bằng ánh mắt để vượt qua thử thách.

Kể tới chuyến công tác vào tháng 5/2017, các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa kịch Thái Bình tham gia biểu diễn tại Trường Sa đều không thể quên được kỷ niệm khi tàu chỉ còn cách một khu nhà giàn gần 2 hải lý. Sóng biển quá to, không thể tiến gần hơn nữa, để bảo đảm an toàn, chỉ huy đoàn công tác quyết định không cho tàu tiến sát vào chân nhà giàn. Bộ đội trên nhà giàn và người dưới tàu nhìn nhau trong tiếc nuối, cổ họng như nghẹ lại, có người bật tiếng khóc vì thương anh em mình quá!

Không còn cách nào khác, một sáng kiến được đưa ra đó là hát cho chiến sĩ nghe qua bộ đàm. Vì ca sĩ, khán giả không nhìn thấy mặt nhau nên cuộc giao lưu lúc đầu còn dè dặt. Thế rồi, một hai làn điệu chèo mượt mà, đằm thắm bay vút lên giữa đại dương. Hồn dân tộc gợi lên trong những con người đã quen với cuộc sống giữa biển cả bao la nỗi nhớ quê hương da diết, nhớ cây đa, bến nước, sân đình, nhớ dáng mẹ tảo tần khuya sớm, nhớ vầng trán hằn nỗi lo của cha sau những đêm không ngủ, nhớ người yêu mòn mỏi đợi tin sau khung cửa sổ màu xanh, nhớ tuổi thơ lớn lên từ lời ru của bà, của mẹ. Không khí như chùng xuống thì bất chợt qua bộ đàm, một chiến sĩ hỏi: Các nghệ sĩ quê lúa có muốn nghe lính biển hát chèo không? Vậy là, họ thay phiên nhau hát những làn điệu chèo, nhưng ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước, về biển đảo, về người chiến sĩ. Và giữa biển cả mênh mông, những lời ca hôm ấy được cất lên đều hòa trong nước mắt của các thành viên đoàn công tác vì xúc động và tự hào.

Tình người nồng ấm

Đoàn Ca múa kịch Thái Bình đã trải qua hai chuyến công tác vào các năm 2012, 2015, nên năm 2017, họ đến với Trường Sa như trở về với ngôi nhà thân thương. Dường như cũng bởi vậy mà chuyến đi này, các nghệ sĩ có được sự chuẩn bị tốt nhất và có thời gian biểu diễn, giao lưu với các chiến sĩ, các gia đình trên đảo nhiều nhất. Do quãng thời gian di chuyển khá dài giữa các điểm biểu diễn, cộng với thời gian lưu lại trên đảo có hạn, nên ngay khi tàu cập bến, dù mệt mỏi hay đang say sóng, các nghệ sĩ cũng luôn là những người đầu tiên nhanh chóng rời khỏi tàu để chuẩn bị loa máy, ánh sáng, nhạc cụ, âm thanh... để buổi biểu diễn được tổ chức nhanh nhất.

Đối với chị Hoàng Thị Huệ, một ca sĩ dù với tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có 2 lần được đến với Trường Sa. Ấn tượng sâu sắc nhất sau mỗi lần biểu diễn trên đảo, đó là những bó hoa được kết từ nhiều con ốc biển mà nhân dân và bộ đội dành tặng Đoàn Ca múa kịch Thái Bình. Có chiến sĩ sau khi tặng đoàn “bó hoa nhân tạo”, cất giọng rưng rưng: Trên đảo không có hoa. Chúng em chỉ biết kết những con ốc này thành bó hoa. Đây là tấm lòng chân thành của người lính biển chúng em. Mong các anh chị coi như hoa thật.

Và dù luôn là những người đầu tiên đặt chân lên đảo khi tàu cập bến, nhưng các nghệ sĩ cũng luôn là những người cuối cùng xuống tàu sau mỗi buổi biểu diễn. Bởi tình cảm chân thành, nồng hậu của chiến sĩ và người dân trên đảo, mà mỗi buổi giao lưu dù kéo dài nhiều giờ đồng hồ nhưng cũng trở nên thật ngắn ngủi. Ai cũng muốn đoàn ở lâu hơn, hát cho nhau nhiều hơn nữa.

Một kỷ niệm khác phải kể đến nữa, đó là đêm biểu diễn ở thị trấn Trường Sa. Sau cuộc chia tay đầy lưu luyến, các nghệ sĩ trở về tàu để cả đoàn có thể khởi hành đúng giờ đã định, thật bất ngờ, các gia đình trên đảo cùng các chiến sĩ đã dàn thành hàng ngang trên bến tàu. Họ vừa vỗ tay, vừa hát thật to các ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”, “Hát mãi khúc quân hành”… Vậy là cả đoàn, mọi người cũng tập trung lên boong tàu, vỗ tay hát cùng quân và dân trên đảo. Thế rồi, bất ngờ khi các chiến sĩ hô to: “Chiến sĩ yêu văn công Thái Bình” và cả đoàn không ai bảo ai cùng đáp lại: “Văn công Thái Bình yêu chiến sĩ”.

Những kỷ niệm khó quên. Những cái xiết tay thật chặt. Những món quà ấm tình quân dân mà Đoàn Ca múa kịch Thái Bình nhận được khi đến với  Trường Sa luôn dạt dào trong trái tim, tâm trí của mỗi nhạc công, diễn viên, ca sĩ Đoàn Ca múa kịch Thái Bình. Và sau mỗi chuyến đi đầy vất vả, trở về đất liền, Trường Sa hay nhà giàn DK1 luôn hiện hữu trong trái tim của những người nghệ sĩ quê lúa. Bởi với mỗi người dân Việt Nam thì “Không xa đâu Trường Sa ơi”. Cả nước luôn vì Trường Sa. Trường Sa vì cả nước. Nơi ấy, những người con đến từ mọi miền của Tổ quốc luôn ngày đêm chắc tay súng, kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng để đất mẹ trường tồn.


Ông Phạm Tấn Anh, Trưởng đoàn Ca múa kịch Thái Bình

Trong cuộc hành trình thăm Trường Sa, dù lịch trình biểu diễn của Đoàn diễn ra liên tiếp nhưng mỗi nhạc công, diễn viên, ca sĩ đều hiểu rằng đó là sự sẻ chia với những khó khăn, gian khổ của quân và dân huyện đảo - những người đang ngày đêm nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi vậy, chúng tôi tự nhủ mình chính là những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, bằng việc mang lời ca, tiếng hát góp phần nhỏ bé giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

Ca sĩ Hoàng Thị Huệ, Đoàn Ca múa kịch Thái Bình

Là một trong những ca sĩ trẻ được thăm Trường Sa, tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Khi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, được đứng giữa biển trời bao la và hát về quê hương, đất nước, về biển đảo của Tổ quốc thì những lời ca ấy như càng sâu sắc hơn, nhiều cảm xúc và chân thực hơn. Và dường như các chiến sĩ cũng cảm nhận được những cảm xúc mà mình gửi gắm vào từng lời hát nên họ cũng rất xúc động và dành nhiều tình cảm yêu thương, trân trọng cho các nhạc công, diễn viên, ca sĩ của Đoàn.

Nhạc công Trần Ngọc Hưng, Đoàn Ca múa kịch Thái Bình

Trước khi đến với Trường Sa, các thành viên trong Đoàn đều đã tập luyện nhuần nhuyễn nhiều ca khúc, điệu múa, vở diễn mang đặc trưng của từng vùng miền với mong muốn có thể biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo tốt nhất, đầy đủ nhất, phong phú nhất. Bởi vậy mà dù có say sóng hay mệt mỏi vì quãng đường di chuyển khá dài thì chúng tôi vẫn cố gắng giữ vững tinh thần sẵn sàng ca hát ngay khi tàu cập bến. Tôi nghĩ những việc làm đó dù nhỏ bé nhưng đều là tình cảm đối với những người đang ngày đêm canh gác biển đảo quê hương.


Anh Tú 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày