Thứ 2, 23/12/2024, 21:38[GMT+7]

Để các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp

Thứ 3, 22/08/2017 | 08:39:18
1,306 lượt xem
Những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Công ty TNHH Điện cơ Aidi tiền thân là cơ sở Điện cơ Sao Mai đến nay doanh thu mỗi năm đạt trên 80 tỷ đồng.

Tiềm năng lớn mạnh

Ông Trần Huy Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hết năm 2016 Thái Bình có 4.964 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 44.000 tỷ đồng, 581 chi nhánh, văn phòng đại diện. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước sử dụng trên 143.000 lao động, chiếm 75,3% tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chiếm 69,32% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. 6 tháng đầu năm 2017 đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 312 doanh nghiệp và 50 chi nhánh, văn phòng đại diện với vốn đăng ký 2.034 tỷ đồng, bằng 111,43% về số lượng và bằng 131,22% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5.251 doanh nghiệp và 640 chi nhánh văn phòng đại diện với số vốn đăng ký trên 47.800 tỷ đồng. Đặc biệt, Thái Bình là một trong những tỉnh có mật độ cơ sở sản xuất, kinh doanh cao so với toàn quốc. Giai đoạn 2011 - 2015 bình quân 15,2 người dân có 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khi toàn quốc bình quân 19,3 người dân có 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tới năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 124.194 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tăng 5,7% so với năm 2015.

Số lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp vào tỉnh ngày càng tăng.

Với số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh như trên cộng với nhiều chính sách thu hút đầu tư của tỉnh sẽ không phải là điều quá khó để tới năm 2020 tỉnh có trên 9.000 doanh nghiệp. Mặt khác, nếu áp theo Luật Doanh nghiệp quy định hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp thì chắc chắn các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở tỉnh bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp cũng không phải con số ít. Tuy nhiên, cách làm và sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư về địa bàn mới là điều quan trọng. Thực tế, để có được cộng đồng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh như trên là do tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. 

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, việc hỗ trợ nhằm mục đích cuối cùng là thu hút và thúc đẩy các hộ chuyển đổi thành doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhỏ phát triển thành doanh nghiệp lớn. Tiềm năng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Thái Bình rất lớn song tốc độ gia tăng về số lượng doanh nghiệp còn chậm. Việc chuyển các hộ kinh doanh cần phải làm song cũng cần bảo đảm được nhiều tiêu chí đó là hiệu quả kinh doanh phải tốt hơn, năng lực cạnh tranh cao hơn, bảo đảm tính liên tục trước và sau khi chuyển đổi. Đặc biệt, khi đã hình thành doanh nghiệp thì các doanh nghiệp phải thực hiện bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) nổi tiếng với rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh song số lượng doanh nghiệp rất ít.

Thời cơ đã đến

Tại buổi tọa đàm giữa UBND tỉnh với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vừa qua, ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp có rất nhiều lợi thế và bất lợi, trong khi các hộ kinh doanh bị rất nhiều hạn chế về số lượng lao động, phạm vi kinh doanh, không có tư cách pháp nhân thì doanh nghiệp tư nhân hay các loại hình doanh nghiệp khác không bị hạn chế về số lượng lao động, được kinh doanh ở nhiều địa điểm khác nhau, có tư cách pháp nhân và nhiều lợi thế về cách thức huy động vốn, tổ chức quản lý... Đặc biệt, theo luật mới quy định, hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp sẽ được tư vấn, miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp, miễn phí lệ phí đăng ký doanh nghiệp, phí cung cấp thông tin lần đầu, miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm đầu, tư vấn hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính, thuế và chế độ kế toán 3 năm từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp... 

Ông Trần Quốc Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhưng nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển thành doanh nghiệp do đó Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và tuyên truyền để các hộ kinh doanh nhận thức được lợi ích của việc chuyển thành doanh nghiệp. Cùng với đó đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vào cuộc, hỗ trợ về thủ tục pháp lý cho các hộ chuyển đổi.



Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen

Trước đây việc thành lập doanh nghiệp rất khó khăn, việc nhìn nhận đánh giá về doanh nghiệp còn méo mó nhưng đến nay doanh nghiệp đã được tôn vinh, được Đảng, Chính phủ, tỉnh quan tâm, tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Do đó, tôi đánh giá rất cao các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã có sự đổi mới rất tích cực, tạo thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển tôi mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần trình Quốc hội tiếp tục sửa đổi một số điều luật về đất đai, luật tín dụng, luật doanh nghiệp đồng thời hướng vào khuyến khích các hộ cá thể để họ nhìn thấy những lợi thế khi thành lập doanh nghiệp.
 


Ông Nguyễn Như Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Lam Sơn

Theo cách nhìn nhận của tôi, tư tưởng của hộ kinh doanh chỉ để bảo đảm ổn định cuộc sống gia đình là chính nên khi nói về thành lập doanh nghiệp ai cũng ngại và chưa hiểu. Bản thân tôi khi còn là hộ kinh doanh hộ cá thể tới thời kỳ đầu thành lập doanh nghiệp cũng chưa hiểu biết nhiều. Chỉ tới khi được tham gia vào các hiệp hội, giao lưu, học hỏi qua trường lớp mới hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Vì thế, muốn các hộ thành lập doanh nghiệp, việc đầu tiên ngành Thuế phải vào cuộc quyết liệt, nắm sâu sát tất cả các hộ kinh doanh, tổ chức tập huấn, đào tạo giúp các hộ về thủ tục, sổ sách và chế độ kế toán, đồng thời phải yêu cầu các hộ thực hiện nghiêm về Luật Doanh nghiệp.


 


Ông Hoàng Quốc Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Japano Việt Nam (phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình)


Từ khi còn là hộ sản xuất, kinh doanh thiết bị vệ sinh cách đây hơn 10 năm tôi đã mong muốn được phát triển thành doanh nghiệp. Song ngày đó thủ tục còn rườm rà, nhiêu khê, năng lực tài chính hạn chế nên không thực hiện được. Tuy nhiên, để sát cánh, đồng hành cùng tỉnh và để chèo lái sự nghiệp của mình một cách chắc chắn vừa qua tôi đã quyết định thành lập doanh nghiệp. Tôi mong muốn khi chuyển thành doanh nghiệp, các cấp sớm tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất và nguồn vốn để đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.


Bà Nguyễn Thị Huê, chủ hộ kinh doanh Toàn Huê (phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình)


Thời gian qua, Chính phủ cũng như tỉnh đã ra các nghị quyết rất sát thực, kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, mọi điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp rất tốt và thuận lợi. Vì thế, mặc dù là hộ kinh doanh nhỏ lẻ từ năm 1989, tuổi đã cao song đến nay tôi vẫn quyết định chuyển thành doanh nghiệp. Mọi thủ tục được tiến hành làm tại Trung tâm Hành chính công tỉnh rất kịp thời, nhanh chóng, bài bản.


Thu Thủy