Thứ 3, 23/07/2024, 03:31[GMT+7]

Tiền Hải khó khăn trong giải tỏa vi phạm dòng chảy

Thứ 3, 29/08/2017 | 09:36:19
9,312 lượt xem
Hàng chục năm nay, trên địa bàn huyện Tiền Hải, tình trạng người dân tự ý lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi để làm nhà, dựng lều quán, làm bãi tập kết vật liệu xây dựng diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng, làm thu hẹp dòng chảy, gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt, bão.

Công trình vi phạm trên sông Biên Hòa đoạn qua địa phận xã Nam Thanh (Tiền Hải) chưa được xử lý.

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Tiền Hải được Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Nam Thái Bình giao nhiệm vụ quản lý 25,6km sông trục chính, 22km sông trục cấp I và 86,5km sông trục cấp II. Theo thống kê của Xí nghiệp, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã diễn ra từ lâu, khá phổ biến trên tất cả các tuyến sông và chưa được các địa phương quan tâm xử lý. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân không cao, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền với cơ quan chuyên môn trong việc xử lý vi phạm thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Không chỉ có vậy, tình trạng buông lỏng quản lý công trình thủy lợi còn xảy ra ở nhiều nơi.

Sông Thủ Chính chảy qua địa phận 4 xã Nam Thanh, Nam Trung, Nam Chính, Nam Hưng với chiều dài khoảng 7,5km. Theo thống kê có 149 công trình vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, chủ yếu là làm nhà ở, lều quán, tập kết vật liệu, làm bến bãi bốc dỡ hàng hóa trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Những vi phạm trên diễn ra từ nhiều năm nay, nhiều công trình kiên cố được người dân xây dựng làm thu hẹp mặt cắt lòng sông nhưng chưa được xử lý. Bên cạnh đó, trên nhiều tuyến sông khác cũng đang xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất lưu không, mái, lòng sông để làm lều quán gây ách tắc dòng chảy. Tất cả các trường hợp vi phạm trên đều được Xí nghiệp KTCTTL Tiền Hải lập biên bản gửi cho chính quyền địa phương xử lý, tuy nhiên kết quả đạt được rất thấp, thậm chí có nơi chính quyền cơ sở biết vi phạm nhưng vẫn không xử lý dẫn đến số vụ vi phạm tồn đọng nhiều.

Ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL Tiền Hải cho biết: Hiện nay, trên tất cả các tuyến sông do Xí nghiệp quản lý có hơn 200 công trình vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Mặc dù UBND huyện Tiền Hải và Xí nghiệp đã có nhiều văn bản đôn đốc các xã tập trung xử lý song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phức tạp, số vụ tồn đọng nhiều, vẫn phát sinh vi phạm mới. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện một số hộ dân vi phạm đã được chính quyền các xã cấp giấy phép hoạt động trái thẩm quyền trong phạm vi công trình thủy lợi, do đó công tác xử lý vi phạm gặp khó khăn. Trong quá trình phối hợp xử lý vi phạm, Xí nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn do chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý công trình thủy lợi, buông lỏng quản lý hoặc né tránh trách nhiệm… Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng quy định pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi nên đã đổ phế thải xây dựng, thả đăng đó, vó bè trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Không những vậy, việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thủy lợi cũng gặp rất nhiều khó khăn do không có lực lượng, phương tiện và chế tài đủ mạnh khi đối tượng không thực hiện quyết định xử phạt…

Những vi phạm trên nếu không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của các công trình thủy lợi và gây khó khăn cho công tác phòng, chống lụt, bão. Để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-UBND của UBND tỉnh về việc giải tỏa, chống lấn chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi hành lang công trình bảo vệ cầu, cống, đường thủy nội địa, công trình thủy lợi và đê điều trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, UBND các xã trên địa bàn huyện Tiền Hải cần sớm vào cuộc để phối hợp với lực lượng chức năng xử lý dứt điểm các vi phạm.

Phạm Hưng