Thứ 3, 08/10/2024, 21:17[GMT+7]

Trọn lời thề giữ nước

Thứ 6, 01/09/2017 | 18:29:36
2,216 lượt xem
Cách đây 72 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sự kiện trọng đại này đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định một chân lý lịch sử: “Tất cả dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định độc lập, chủ quyền, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước và là triết lý nhân sinh vĩnh hằng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2 tháng 9 trở thành ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày hội lớn và ngày tết Độc lập của dân tộc.

Suốt 72 năm qua, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, Lời thề Độc lập tại Lễ tuyên ngôn trên Quảng trường Ba Đình lịch sử với chủ nghĩa yêu nước nồng nàn và tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng được truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã vượt qua muôn vàn thử thách, cam go, hy sinh biết bao xương máu giữ vững độc lập, tự chủ và xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh. Trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta kiên định và thực hiện có hiệu quả mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Triệu người Việt Nam như một vững tâm bền chí, đồng lòng phấn đấu đưa đất nước vững bước đi lên và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển với những triển vọng tốt đẹp trong tương lai.

Lời thề Độc lập từ mùa thu năm 1945 cũng là kim chỉ nam trong suốt 72 năm qua soi sáng cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vượt qua bao khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Những năm tháng kháng chiến cứu nước, Thái Bình tự hào là một trong những tỉnh đi đầu đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha. Trong thời kỳ đổi mới, Thái Bình vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới. Kinh tế của tỉnh phát triển, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường.

Kỷ niệm Quốc khánh 2/9 năm nay trong bối cảnh Thái Bình đang tích cực triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Biến tinh thần hào hùng của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 thành hiện thực, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết bằng những việc làm thiết thực nhất: tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; trọng tâm là kiên quyết, kiên trì thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng chính quyền các cấp và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện kiên quyết và quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong tất cả các hoạt động hành chính gắn với xây dựng và thực hiện cơ chế đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, trước hết là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực hiện cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày