Thứ 6, 22/11/2024, 12:19[GMT+7]

Vu lan về… bao trái tim thổn thức

Thứ 3, 05/09/2017 | 15:25:54
3,017 lượt xem
Không biết tự bao giờ, Vu lan - mùa báo hiếu đã ăn sâu vào tâm thức người Việt như một dịp để những người con báo hiếu, tri ân công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Có lẽ cũng vì vậy cứ vào tháng 7 âm lịch hàng năm, khi mỗi mùa Vu lan về, trái tim những người làm con lại thổn thức không nguôi…

Thanh thiếu niên Phật tử dâng hoa tại lễ hội hoa hồng cài áo chùa Trừng Mại, xã Tân Bình (thành phố Thái Bình).

Mặc dù ngày lễ Vu lan chính thức là ngày 15/7 (âm lịch), song từ đầu tháng 7, nhiều cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức lễ Vu lan sớm. Tùy theo điều kiện của từng tự viện mà quy mô tổ chức lễ Vu lan khác nhau. Ngoài tổ chức cho các tín đồ Phật tử tụng kinh, cầu siêu tế độ, nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng phúc tăng thọ, cha mẹ quá vãng được thác hóa siêu thăng; nhiều cơ sở tự viện tổ chức chương trình hoa hồng cài áo. Thông qua nghi thức cài hoa hồng nhằm khơi dậy, nhắc nhở những người làm con phải hiếu nghĩa với cha mẹ; đặc biệt đối với những người còn cha, còn mẹ càng phải biết trân trọng những tháng ngày được ở bên cha mẹ để phụng dưỡng và yêu thương. 

Theo sư cô Thích Diệu Minh, trụ trì chùa Hoành Từ, xã Đông Cường (Đông Hưng): Vu lan là dịp tốt nhất cho con người bày tỏ sự hiếu thảo của mình, nhìn lại những bổn phận của mình hàng ngày đối với cha mẹ mình như thế nào. Bởi lẽ đôi lúc trong cuộc sống, mải lo về chuyện cơm áo gạo tiền, lợi danh sự nghiệp, đôi khi chúng ta lỡ quên đi trách nhiệm và lơ là trong việc phụng dưỡng, báo hiếu, để cho cha mẹ phải bơ vơ đói khát, cô độc, ốm đau bệnh tật buồn tủi muộn phiền, không ai chăm sóc, chẳng kẻ lo toan. Vì thế, mùa Vu lan luôn được duy trì theo định kỳ mỗi năm một lần là chủ yếu nhắc nhở và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta phải luôn nghĩ và nhớ đến công dưỡng dục và ân nghĩa sinh thành của cha mẹ.

Một hoạt cảnh trong trích đoạn vở chèo “Mục Kiều Liên cứu mẹ” tại buổi lễ hoa hồng cài áo chùa Trừng Mại, xã Tân Bình (thành phố Thái Bình).

Khác với mọi năm, mùa Vu lan năm nay ngoài tổ chức tụng kinh, cầu siêu tế độ, chùa Trừng Mại, xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) còn tổ chức thêm chương trình hoa hồng cài áo. 

Mặc dù ở cách chùa khá xa, song chị Phạm Thị Thủy, tổ 24, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình vẫn cố gắng đến chùa từ rất sớm để tham dự chương trình. 

Chị Thủy chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi tham dự chương trình hoa hồng cài áo nhân dịp mùa Vu lan với mục đích cầu siêu tịnh độ cho gia tiên và mong cho cha mẹ luôn mạnh khỏe. Bản thân tôi đã lập gia đình nên không được thường xuyên ở bên chăm sóc, phụng dưỡng cho cha mẹ. Song tận đáy lòng tôi luôn cầu mong cha mẹ luôn luôn mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu. 

Nếu như mọi năm, mỗi dịp Vu lan, chị Nguyễn Thị Tuyết, thôn Trừng Mại, xã Tân Bình vẫn thường đi một mình đến chùa tụng kinh, cầu siêu thì năm nay chị dẫn theo cậu con trai út đi cùng với mong muốn: Thông qua những câu chuyện, những tâm sự, bài học về sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái được các Phật tử trong chùa truyền tải để cháu hiểu hơn về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, cảm nhận được niềm hạnh phúc khi có cha mẹ ở bên. Từ đó, cháu sẽ chăm ngoan, nghe lời cha mẹ, trở thành người công dân có ích.

Thanh thiếu niên Phật tử cài hoa cho các tăng ni, Phật tử và người dân tại lễ hội hoa hồng cài áo chùa Trừng Mại, xã Tân Bình (thành phố Thái Bình).

Giây phút xúc động nhất là lúc những đóa hồng được cài lên ngực các tín đồ Phật tử và người dân đến tham dự. Có lẽ ai ai cũng đều cảm nhận được trong mỗi bông hoa đều có hình ảnh dịu hiền của mẹ, hình ảnh nghiêm nghị của cha. Từng cánh hoa là từng giọt nước mắt, từng giọt mồ hôi, hôm sớm tảo tần của cha của mẹ. Cha mẹ dù đã mất hay còn, những người vẫn đang hiện hữu trong chúng ta qua hơi thở, qua nhịp đập trái tim, qua dòng máu đỏ đang lưu thông trong cơ thể. Vì vậy có bao nhiêu bông hoa được cài lên ngực áo là có bao trái tim cùng hướng nguyện về cha mẹ bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất. 

Em Đỗ Thị Diệu, xã Minh Lãng (Vũ Thư) chia sẻ: Em rất hạnh phúc khi được cài lên ngực đóa hoa hồng đỏ thắm, tượng trưng cho niềm hạnh phúc vô bờ bến vì vẫn còn cha mẹ. Em sợ nhất sau này, mùa Vu lan mình phải cài đóa hồng trắng lên ngực dẫu biết điều đó trước sau gì cũng tới, nên em càng thấy trân trọng những tháng ngày được ở bên bố mẹ nhiều hơn. 

Đại đức Thích Thanh Dương, tăng ni Phật giáo huyện Vũ Thư cho biết: Bên cạnh hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng được cài lên ngực những ai đã mất cha, mất mẹ, tượng trưng cho nỗi bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết. Còn những đóa hoa màu vàng thắm tượng trưng cho sự thoát tục thanh tao của những bậc xuất gia tôn quý đối với cha mẹ.

Vượt ra khỏi phạm trù gia đình, lễ Vu lan cũng là dịp mang ý nghĩa giáo dục đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc. Vì vậy, vào các dịp lễ Vu lan, ngoài cầu siêu tịnh độ cho gia tiên, mong cho cha mẹ được bình an, các tăng ni, Phật tử còn tham gia lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ nhằm tri ân các vị tiền nhân đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày