Thứ 5, 08/08/2024, 12:13[GMT+7]

Điểm tựa của người khiếm thị

Thứ 5, 07/09/2017 | 09:13:28
2,535 lượt xem
Dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ cho vay vốn sản xuất, kinh doanh là những việc làm ý nghĩa của Hội Người mù huyện Hưng Hà nhằm giúp hội viên có thu nhập, ổn định cuộc sống. Vì thế, với nhiều người khiếm thị, Hội đã trở thành điểm tựa, mở ra nguồn sáng để họ hòa nhập cộng đồng.

Dịch vụ tẩm quất giúp người khiếm thị Hưng Hà có việc làm, thu nhập.

15 năm gắn bó với dịch vụ tẩm quất, giờ đây cuộc sống của gia đình anh Đỗ Văn Bạch, khu Buộm, thị trấn Hưng Nhân đã khấm khá hơn. Anh đã xây dựng được ngôi nhà mái bằng kiên cố, khang trang và một cơ sở tẩm quất để có thể chăm lo cho gia đình. 

Anh Bạch chia sẻ: Tôi bị khiếm thị từ năm 13 tuổi. Thiếu đi ánh sáng khiến tôi không chỉ gặp trở ngại trong giao tiếp, sinh hoạt mà còn rơi vào trạng thái tự ti vì luôn phải phụ thuộc vào người khác. Thế nhưng, may mắn đã mỉm cười khi tôi được Hội Người mù huyện cho đi học nghề tẩm quất. Sau gần 4 tháng học nghề, tôi trở về Hội Người mù huyện làm việc với mức thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng. Nhận những đồng lương đầu tiên, tôi thấy rất hạnh phúc bởi mình sẽ không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đến năm 2008, khi Hội Người mù huyện khuyến khích mọi người tự mở dịch vụ tẩm quất để những người mù khác có thêm cơ hội việc làm, tôi mạnh dạn mở cơ sở tại nhà. Đến nay, tôi có thể phụ giúp vợ chăm lo cho các con với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng. 

Thành công của anh Bạch đã tiếp thêm động lực cho nhiều người khiếm thị mạnh dạn bước qua bóng tối, tự tin học nghề và tìm kiếm việc làm.

Bà Hà Thị Sy, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hưng Hà cho biết: Việc làm là một trong những vấn đề quan trọng đối với người khiếm thị. Bởi việc dạy nghề không chỉ tạo cơ hội giúp họ có thu nhập mà còn mở ra cánh cửa để họ giao lưu, hòa nhập với cộng đồng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy nghề, tạo việc làm, những năm qua, Hội thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đơn vị tổ chức các lớp dạy chữ, dạy nghề như làm chổi, sản xuất tăm tre và dịch vụ tẩm quất cho hội viên. Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, cơ sở sản xuất và dịch vụ tẩm quất tại Hội Người mù huyện đã dạy nghề, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục hội viên, trong đó riêng dịch vụ tẩm quất đã thu hút 42.235 lượt khách với tổng doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Từ dịch vụ tẩm quất, nhiều người đã có cuộc sống ổn định, phát triển cơ sở tẩm quất ngay tại gia đình.

Tuy nhiên, không phải người khiếm thị nào cũng có thể học và làm được dịch vụ tẩm quất, vì thế, với những người không theo được nghề này, Hội Người mù huyện Hưng Hà mở thêm hướng phát triển sản xuất tăm tre và chổi các loại. Do có sự phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và các trường học trên địa bàn, sản lượng tiêu thụ tăm tre, chổi đạt kết quả tích cực. 6 năm qua, cơ sở sản xuất của Hội đã tiêu thụ khoảng 720.000 gói tăm chất lượng cao và gần 10.000 chiếc chổi các loại, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập trên 1,6 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu từ cơ sở sản xuất đạt 1,8 tỷ đồng. 

Để hỗ trợ cho những hội viên có nhu cầu sản xuất nhưng còn khó khăn về vốn, Hội Người mù huyện đã tiến hành rà soát, chọn lọc đối tượng, phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho người mù vay vốn. Trong 6 năm đã có 230 lượt người mù được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã phát triển gia trại, mở rộng cây trồng, vật nuôi hoặc đầu tư kinh doanh, buôn bán như anh Trần Thăng Mẫn (xã Điệp Nông), anh Đinh Khắc Đình (xã Minh Khai)…

Nhờ có Hội Người mù huyện, nhiều người khiếm thị ở Hưng Hà đã có việc làm, ổn định sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ hội viên nghèo cũng đã giảm xuống còn 12%, số hộ có mức sống khá không ngừng tăng lên, đó là tín hiệu vui cho nỗ lực vươn lên của người mù trong huyện. 

Bà Hà Thị Sy cho biết thêm: Để nhiều người khiếm thị có cơ hội tiếp cận việc làm, Hội đang vận động mọi nguồn lực hỗ trợ sửa chữa các phòng tẩm quất, xây mới phòng xông hơi, nâng cao chất lượng dịch vụ tẩm quất đồng thời mở rộng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm tăm tre và chổi các loại. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho người mù vay vốn sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hàng năm có từ 50 hội viên trở lên được tiếp cận nguồn vốn.

Hoàng Lanh