Thứ 5, 26/12/2024, 01:57[GMT+7]

Nỗ lực dập dịch cứu lúa

Thứ 2, 11/09/2017 | 08:52:02
3,425 lượt xem
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm hiện tại, trên 17.000ha lúa mùa trong toàn tỉnh nhiễm bệnh lùn sọc đen (LSĐ). Diện tích này còn tiếp tục gia tăng, đòi hỏi cần có những biện pháp phòng, trừ kịp thời và hiệu quả. Những ngày này, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã và đang tập trung nhiều giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh LSĐ gây ra.

Nông dân cần làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ ruộng để hạn chế nơi trú ẩn của rầy môi giới.

Mưa bão kết hợp với nắng nóng cục bộ xen kẽ đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho sâu bệnh hại trên lúa phát triển, đặc biệt là rầy lưng trắng ngay từ nửa cuối tháng 7. Mặc dù cơ quan chuyên môn đã tham mưu kịp thời với UBND tỉnh để triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, việc tuân thủ quy trình phòng, trừ rầy và chăm sóc giúp cây lúa phục hồi của người dân chưa bảo đảm nên bệnh LSĐ phát sinh mạnh từ trung tuần tháng 8 đến nay và có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa vụ mùa năm 2017. Xác định đây là loại bệnh rất nguy hiểm, lây lan do rầy lưng trắng và chưa có thuốc để trừ, vì vậy, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức 33 lớp tập huấn tuyên truyền về bệnh LSĐ cho cán bộ thôn xóm, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã và nông dân để chính quyền địa phương và nông dân chủ động điều tra, phát hiện, kịp thời phòng, trừ có hiệu quả bệnh LSĐ và rầy môi giới. Để tiêu diệt nguồn bệnh và tạo điều kiện bất lợi cho sự phát sinh, phát triển của rầy môi giới, ngành Nông nghiệp đã tăng cường cán bộ bám sát cơ sở nhằm theo dõi sát diễn biến phát sinh, phát triển đồng thời thường xuyên thống kê diện tích, tiêu hủy nguồn bệnh đối với những diện tích nhiễm nặng, tránh lây lan sang các vùng khác và các vụ tiếp theo. Vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định về kinh phí tuyên truyền phòng, chống bệnh LSĐ trên địa bàn 3 huyện có dịch, cấp tạm ứng kinh phí phòng, chống dịch LSĐ để các địa phương làm căn cứ triển khai các biện pháp hỗ trợ. Với trên 5.700ha lúa mùa nhiễm LSĐ trong đó có trên 180ha mất trắng, huyện Thái Thụy đã tổ chức tiêu hủy diện tích mất trắng, làm điểm tại hai xã Thái Thành, Thái Thọ. Ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định khó khăn lớn nhất trong việc dập dịch LSĐ là tuyên truyền để người dân tự giác tiêu hủy nguồn bệnh, huyện Thái Thụy đã lựa chọn 3 hộ có 100% diện tích bị mất trắng do nhiễm LSĐ ở hai xã Thái Thành, Thái Thọ làm điểm, vận động nhân dân. Đến nay, Thái Thụy có 2ha lúa nhiễm LSĐ được tiêu hủy. Bên cạnh đó, huyện cũng lên kế hoạch bố trí cây trồng thay thế vào diện tích lúa mất trắng do dịch bệnh như bí xanh, ớt…


Nông dân huyện Kiến Xương phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa.

Được đánh giá là địa phương tích cực trong công tác phòng, trừ sâu bệnh ở vụ mùa năm nay, Tiền Hải cũng đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm dập dịch. Ông Phạm Văn Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đến ngày 6/9, Tiền Hải có 6.327,3ha lúa mùa bị nhiễm bệnh LSĐ, diện tích mất trắng khoảng 79,2ha, trong đó đã tiêu hủy được 1ha. Huyện đã tiến hành cấp phát thuốc trừ rầy có tính lưu dẫn, nội hấp cho diện tích lúa bị nhiễm LSĐ ở mức trên 5%, khuyến cáo người dân phun trừ từ ngày 9 - 12/9 cùng với sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm. Để thuốc hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, các xã tiến hành lập biên bản với từng hộ có ruộng nhiễm LSĐ trên 5% diện tích, UBND huyện giao quyền giám sát việc cấp phát thuốc, phun trừ cho chính quyền địa phương, người đứng đầu các xã.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ nay đến cuối vụ, sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh LSĐ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng đến năng suất lúa vụ mùa, thậm chí lây lan hại sang cả những vụ sau nếu không thực hiện tốt các biện pháp dập dịch. Bên cạnh việc tiêu diệt nguồn bệnh, nông dân cần theo dõi, quản lý rầy môi giới. Về lâu dài, các địa phương cần triển khai thực hiện các biện pháp tổng hợp để nâng cao sức đề kháng của cây trồng như: không trồng các giống nhiễm rầy và bệnh LSĐ, áp dụng phương pháp quản lý dịch hại IPM, 1 phải 5 giảm (phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng giống, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch), 3 giảm 3 tăng (giảm lượng giống, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón, tăng năng suất, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế)…, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước… để hạn chế nơi trú ẩn của rầy môi giới.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày