Thứ 3, 24/12/2024, 02:07[GMT+7]

Để nguồn vốn tín dụng thông suốt

Thứ 3, 12/09/2017 | 09:05:30
1,377 lượt xem
Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017.

Nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội Chi nhánh Thái Bình hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn.

Qua 6 tháng triển khai, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục theo đúng quy định, bảo đảm hoạt động tín dụng ngân hàng được thông suốt. Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Đinh Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh.

Phóng viên: Xin ông cho biết một số điểm mới của Thông tư số 39?

Ông Đinh Ngọc Thạch: Thông tư số 39 gồm 3 chương, 35 điều, trong đó có một số nội dung quan trọng như: quyền tự chủ của tổ chức tín dụng (TCTD); nguyên tắc cho vay; điều kiện vay vốn; hồ sơ đề nghị vay vốn; mức cho vay; lãi suất cho vay; bảo đảm tiền vay; thẩm định và quyết định cho vay; trả nợ gốc và lãi tiền vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chấm dứt cho vay, xử lý nợ, giảm lãi tiền vay, phí… Thông tư số 39 được ban hành với mục đích khắc phục các bất cập đã nảy sinh trong quá trình thực hiện Quyết định số 1627, thực hiện các quy định tại các luật liên quan như Bộ luật Dân sự 2015, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, đồng thời tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Rất nhiều quy định mới được thay đổi đã tạo nên sự đồng nhất trong hoạt động cho vay của TCTD. Chẳng hạn như: Về chủ thể vay vốn, Thông tư số 39 quy định chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, tổ chức không có tư cách pháp nhân (như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân...) vay vốn ngân hàng với tư cách là cá nhân. Về điều kiện vay vốn, Thông tư số 39 bỏ điều kiện quy định về tài sản bảo đảm tiền vay, đồng thời bổ sung thêm đối tượng cá nhân được vay vốn là cá nhân từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Về hồ sơ vay vốn, Thông tư số 39 bỏ yêu cầu khách hàng phải gửi giấy đề nghị vay vốn cho TCTD và đơn giản hóa phương án sử dụng vốn đối với hoạt động cho vay đời sống. Thông tư số 39 không giới hạn mục đích vay vốn mà chia nhu cầu vay vốn thành hai nhóm, đó là cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác.

Nhiều tập thể, cá nhân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất nhờ vay vốn ngân hàng.

Phóng viên: Vậy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã triển khai Thông tư số 39 như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Thạch: Có thể nói, Thông tư số 39 có khá nhiều quy định mới quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho cả TCTD và khách hàng. Để việc triển khai Thông tư số 39 được thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai sâu rộng tới các ngành, các cấp, khách hàng vay vốn, các TCTD trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh còn tích cực chỉ đạo các TCTD ban hành những quy định nội bộ về hoạt động cho vay đối với khách hàng, kiểm soát rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động cho phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, đồng thời hướng dẫn triển khai đến các phòng giao dịch và cán bộ tín dụng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, tiếp nhận và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các TCTD, khách hàng vay vốn trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 39 theo thẩm quyền.

Nhờ triển khai thực hiện tốt Thông tư số 39, công tác đầu tư tín dụng của các TCTD trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng trưởng. Đến ngày 31/8, tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đạt 57.390 tỷ đồng, tăng 11,5% so với thời điểm 31/12/2016, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp chiếm 44,5%, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chiếm 55,5% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Nhiều chương trình tín dụng được toàn ngành quyết liệt triển khai thực hiện như: cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ (tổng dư nợ đến ngày 31/8 đạt 108 tỷ đồng với 8 chủ tàu được vay vốn), cho vay chương trình nước sạch nông thôn theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh (tổng dư nợ cho vay đến ngày 31/8 ước đạt 208 tỷ đồng với 21 dự án được vay vốn), cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ (tổng dư nợ cho vay đến ngày 31/8 ước đạt 13.650 tỷ đồng với gần 118.000 khách hàng đang vay vốn)…

Phóng viên: Xin ông cho biết, thời gian tới, ngành Ngân hàng có giải pháp gì để các TCTD triển khai thực hiện Thông tư số 39 mang lại hiệu quả cao, từ đó góp phần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong toàn ngành?

Ông Đinh Ngọc Thạch: Thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu, nắm bắt kịp thời, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn, chủ động phối hợp với địa phương, các doanh nghiệp triển khai các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tiếp xúc cử tri… để giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc trong việc triển khai các quy chế mới, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam những vướng mắc vượt thẩm quyền xử lý. Toàn ngành cũng quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, tiết giảm thủ tục, chi phí vay vốn không cần thiết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Hương

                   (thực hiện)