Thứ 6, 27/12/2024, 12:04[GMT+7]

Dân vận khéo để có “ba không”

Thứ 2, 18/09/2017 | 09:23:28
1,160 lượt xem
Sau 4 năm thực hiện mô hình “Gia đình hội viên phụ nữ không có người nghiện ma túy”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thanh Tân (Kiến Xương) đã góp phần ngăn ngừa và phòng, chống tệ nạn ma túy xâm nhập vào cộng đồng. Kinh nghiệm của chị em nơi đây chính là dân vận khéo để có “ba không”: không kỳ thị, không có người nghiện mới và không né tránh thực trạng ma túy.

Một buổi tư vấn nhóm nhỏ cho chị em có người thân nghiện ma túy ở thôn Nam Lâu, xã Thanh Tân (Kiến Xương).

5 năm trở lại đây, xã Thanh Tân nổi lên là điểm sáng phát triển kinh tế của huyện Kiến Xương với việc thu hút đầu tư công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh thuận lợi là giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập thì tệ nạn ma túy trên địa bàn có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Công an xã, địa phương hiện có 18 người nghiện ma túy thuộc diện quản lý, một số đối tượng nghi sử dụng ma túy. Trước thực trạng này, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phòng, chống ma túy, giao cho Hội LHPN xã triển khai mô hình “Gia đình hội viên phụ nữ không có người nghiện ma túy”.

Chị Đặng Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Tân cho biết: Hội thành lập câu lạc bộ gia đình phụ nữ không có ma túy ở 7 thôn thu hút 150 chị em tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt trực tiếp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của chị em về tác hại và hệ lụy của tệ nạn ma túy; trang bị những kiến thức, kỹ năng phát hiện và biện pháp cai nghiện cho người thân. Thôn Nam Lâu, một trong những địa bàn phức tạp về ma túy của xã Thanh Tân có 6 người nghiện và khoảng 4 người nghi ngờ sử dụng ma túy. Không chỉ các gia đình có người nghiện ma túy khốn khổ vì kinh tế khánh kiệt, hạnh phúc gia đình có nguy cơ đổ vỡ mà trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn bị xáo trộn khiến nhân dân bất an. 

Chị Trần Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nam Lâu chia sẻ: Cái khó trong công tác tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện là trong cộng đồng vẫn còn sự kỳ thị, xa lánh người nghiện cũng như gia đình họ. Từ thực tế này, thời gian qua, Chi hội đã mở các hội nghị chuyên đề và tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp thôn, sinh hoạt Chi hội nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân cũng như khơi dậy tinh thần chia sẻ, tránh sự kỳ thị của mọi người dân đối với người nghiện. Đặc biệt, câu lạc bộ gia đình phụ nữ không có ma túy thôn đã phân công thành viên tiếp cận, giúp đỡ các chị em có chồng, con mắc nghiện bằng việc tư vấn tâm lý, vượt qua sự mặc cảm, chủ động phối hợp với câu lạc bộ và các cơ quan chức năng vận động đi cai nghiện tập trung hoặc tự cai nghiện tại cộng đồng. Đến nay, 100% người nghiện tham gia cai nghiện bằng sử dụng thuốc Methadone tại cơ sở điều trị Methadone huyện Kiến Xương cho kết quả tích cực.

Nhớ lại những năm tháng có chồng nghiện ma túy, chị Bùi Thị Loan, thôn An Cơ Nam không khỏi rùng mình. Chị Loan tâm sự: Khi biết chồng nghiện ma túy (năm 2011), để quản lý chồng, bất chấp ngày hay đêm, mưa gió, rét mướt, một mình chị lặn lội đi tìm khắp nơi và theo dõi, khuyên nhủ chồng từ bỏ ma túy. Công việc cấy hái, buôn bán bỏ bê khiến kinh tế gia đình lâm vào khó khăn. Khổ nhất là mỗi lần ra đường, nghe những tiếng bàn tán, xì xèo, diễu cợt của mọi người, chị tủi thân, xấu hổ không dám ngẩng mặt lên chào hỏi ai. Được sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của chị em phụ nữ trong thôn, chị quyết tâm giúp chồng cai nghiện. Sau nhiều đêm to nhỏ khuyên nhủ chồng từ bỏ ma túy, anh đã nhận ra sai lầm của mình và phối hợp đi điều trị bằng thuốc Methadone. Mỗi sáng, chị lấy xe chở chồng từ nhà lên huyện và cùng chồng vào cơ sở điều trị động viên anh chấp hành nghiêm quy định và liệu trình điều trị. Sau 3 năm ròng như vậy, đến nay anh đã giảm được liều và có thể cai nghiện thành công. 

Theo chị Loan, để cai nghiện cho chồng, ngoài việc quản lý, theo dõi chặt chẽ chồng trong quá trình điều trị, không để chồng sử dụng ma túy lại thì việc chuẩn bị tâm lý, tạo môi trường lành mạnh cho người nghiện rất quan trọng. Dù phải chịu nhiều cơ cực, thiệt thòi nhưng chị luôn vui vẻ, gần gũi, quan tâm chăm sóc chồng từ miếng ăn, giấc ngủ đến tìm công việc phù hợp để chồng làm, từ đó tránh xa ma túy. Giờ đây, chị Loan tin tưởng chồng đã cai nghiện thành công và chị phấn khởi tham gia câu lạc bộ gia đình phụ nữ không có ma túy của Chi hội Phụ nữ thôn. Chị cũng là một thành viên tích cực tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ các chị em có người thân nghiện từ bỏ ma túy.

Để tuyên truyền, vận động đối tượng cai nghiện và phòng, tránh nghiện ma túy, kinh nghiệm của Hội LHPN xã Thanh Tân là ngoài tuyên truyền tập thể, việc tổ chức tuyên truyền, tư vấn nhóm nhỏ thực sự phát huy tác dụng. Cùng với đó, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể phối hợp với chị em đóng vai trò quan trọng để chị em không bị đơn độc, phong trào được duy trì thường xuyên. 

Ông Trần Viết Miêu, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tân cho biết: Hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã đều quan tâm hỗ trợ kinh phí cho câu lạc bộ tổ chức tuyên truyền, vận động, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm hoạt động của mô hình và khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện mô hình gia đình phụ nữ không có người nghiện ma túy. Thực tiễn từ mô hình của Hội LHPN xã trong công tác phòng, chống ma túy càng khẳng định lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày