Thứ 6, 05/07/2024, 14:23[GMT+7]

Còn trên 15% dân số chưa tham gia BHYT

Thứ 2, 25/09/2017 | 08:48:35
693 lượt xem
Tính đến tháng 9/2017, toàn tỉnh đã có trên 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) chiếm gần 85% dân số trong tỉnh, trong đó có gần 405.000 người tham gia BHYT hộ gia đình. Dù chính sách BHYT luôn được các cấp, ngành, đơn vị, người dân quan tâm thực hiện song vẫn còn trên 15% dân số trong tỉnh chưa tham gia BHYT.

Đại lý thu BHYT xã Thống Nhất (Hưng Hà) tuyên truyền chính sách BHYT hộ gia đình tới người dân.

Theo ông Ngô Hồng Hà, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ, Bảo hiểm xã hội tỉnh: Ở tỉnh ta, những người chưa tham gia BHYT hiện nay tập trung chủ yếu là người dân lao động tự do hoặc đang làm việc tại một số doanh nghiệp nhưng chưa được chủ doanh nghiệp đóng BHYT, tập trung ở độ tuổi từ 18 - 65. Có nhiều nguyên nhân khiến họ chưa tham gia BHYT. Đối với người lao động tự do, họ có sức khỏe, thường chủ quan không chăm lo cho sức khỏe của bản thân hay thay đổi nơi làm việc, chưa lường trước được ốm đau có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nên chưa tham gia BHYT. Với người đang làm việc tại các doanh nghiệp là những người làm thuê, họ chỉ nghĩ đến quyền lợi tức thì chứ chưa quan tâm nhiều đến BHYT. Những lao động này chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp hoặc có biết là chủ doanh nghiệp không tham gia BHYT là vi phạm pháp luật nhưng vì sợ mất việc làm nên không dám đòi hỏi quyền lợi BHYT từ chủ doanh nghiệp. Thêm vào đó, một bộ phận nhân dân chưa hiểu hết tính nhân văn của chính sách BHYT, họ cho rằng đóng BHYT mà bản thân không ốm thì lãng phí.

Để thu hút người dân tham gia BHYT, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương coi việc thực hiện chính sách BHYT là nhiệm vụ trọng tâm, lấy đó là tiêu chí quan trọng để bình xét thi đua và công nhận về đích nông thôn mới; gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, các ngành với kết quả tham gia BHYT. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHYT, mở rộng phạm vi, đối tượng, đổi mới nội dung, chú trọng đối thoại tại cơ sở để nâng cao nhận thức của người dân và chủ doanh nghiệp về chính sách BHYT. Qua đó kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh của người dân khi tham gia BHYT. Các thủ tục hành chính được cải cách, rút gọn từ khâu đăng ký tham gia đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Hệ thống đại lý thu BHYT thường xuyên được tập huấn, nâng cao kiến thức chuyên môn trong tuyên truyền chính sách BHYT tới người dân tại cơ sở. Việc tổng hợp, thống kê và dự báo tình hình được thực hiện hiệu quả, chú trọng các yếu tố tác động bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và khả năng tham gia BHYT; đồng thời, phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giám định, chỉ định, chẩn đoán, điều trị hợp lý và đáp ứng yêu cầu chính đáng của người bệnh có thẻ BHYT.

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải.

Dù đã đưa ra nhiều giải pháp song việc phát triển BHYT toàn dân hiện nay vẫn còn một số khó khăn. Ông Ngô Hồng Hà cho biết thêm: Ngoài nhận thức hạn chế về chính sách BHYT của một bộ phận nhân dân, chủ doanh nghiệp và người lao động về BHYT thì mức thu nhập của một số người dân trong tỉnh còn thấp, không ổn định. Thêm vào đó, sự thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của một số cơ sở khám chữa bệnh còn chậm, vẫn còn một số nhân viên y tế nhũng nhiễu, hách dịch; chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; người bệnh BHYT phải chờ đợi lâu khi đến khám chữa bệnh BHYT; thủ tục thanh toán viện phí còn rườm rà.

Hiện nay, hơn 1.900 dịch vụ y tế đã tăng giá. Nếu không có thẻ BHYT người dân sẽ dễ rơi vào tình trạng nghèo hóa khi không may mắc bệnh trọng. Tham gia BHYT, mỗi ngày người dân chỉ phải bỏ ra khoảng 2.000 đồng để được khám chữa bệnh BHYT. Đây là số tiền không lớn và người dân có thể chi trả được để bảo đảm cho việc được khám chữa bệnh đầy đủ khi không may mắc bệnh.

Hoàng Lanh