Thứ 3, 26/11/2024, 01:54[GMT+7]

Người dân có thể biết các điểm ngập qua điện thoại thông minh

Thứ 5, 28/09/2017 | 08:22:10
736 lượt xem
Ngày 27/9, tại Khu Công nghệ cao Q.9, TP.HCM (SHTP) đã tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất về Hệ thống vi cơ điện tử (Micro-electromechanical Systems - MEMS) và Hệ thống cảm biến MEMS/IoT cho thành phố thông minh.

Mô hình hệ thống MEMS – Kết nối trạm quan trắc

Đây là hội nghị chuyên về các giải pháp cảm biến kết nối internet vạn vật (Internet of things – IoT) cho việc triển khai xây dựng thành phố thông minh nhằm tham chiếu, lựa chọn ứng dụng tại TPHCM. Hiện Trung tâm nghiên cứu – SHTP đang hoàn thiện ứng dụng trên điện thoại và website cảnh báo các điểm ngập nước. Dự kiến vào cuối tháng 10 các hệ thống này sẽ vận hành. Người dân có thể tải ứng dụng về điện thoại hoặc có thể truy cập vào website để biết được tình hình ngập nước và phòng tránh.

Thông tin tại hội nghị, TPHCM đã lắp đặt cảm biến áp suất – một sản phẩm hợp tác nghiên cứu phát triển với Nhật – tại 15 điểm ngập tại TPHCM trên địa bàn 8 quận huyện như Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh, Q.9, Nhà Bè… để nghiên cứu đo đạc tình trạng ngập và có hướng xử lí. Sản phẩm cảm biến này được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo tại Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D) thuộc SHTP, với số lượng giới hạn mang tính thử nghiệm ban đầu.

Ngoài ra, Trung tâm R&D cũng triển khai quan trắc môi trường nước thải trong khu công nghệ cao, với giải pháp đồng bộ gồm phần mềm (tự viết), thiết bị cảm biến và thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu. Kết quả quan trắc sẽ được phản hồi bằng nhiều kênh truyền thông khác nhau tới người sử dụng.

Tại TPHCM, hiện một dự án chuyên về việc sử dụng cảm biến để quan trắc, kiểm soát giao thông, cầu đường… đến hết năm 2018 đã và đang được triển khai. Tuy nhiên theo chủ trương của thành phố, việc hợp tác quốc tế sẽ được thúc đẩy mạnh trong lĩnh vực MEMS (cảm biến) để có thể tiếp nhận nhanh những thành tựu mới phù hợp với điều kiện thành phố để áp dụng chứ không chỉ tự nghiên cứu và phát triển.

Theo: nongnghiep.vn