Thứ 3, 23/07/2024, 20:34[GMT+7]

15 năm đồng hành cùng người nghèo

Thứ 2, 02/10/2017 | 08:24:23
888 lượt xem
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, 15 năm qua, Thái Bình đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, kịp thời đưa vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, từ đó góp phần đồng hành cùng người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi tại gia đình anh Nguyễn Tiến Duân (xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy).

Từ ba chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã triển khai thực hiện 8 chương trình tín dụng với quy mô ngày càng được mở rộng cả về khối lượng và đối tượng phục vụ. Đến ngày 31/8/2017, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh đạt 2.514,4 tỷ đồng, gấp 9,8 lần so với thời điểm 31/12/2003, trong đó nguồn vốn từ trung ương chiếm trên 88,3%, nguồn vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách địa phương chiếm trên 1% và nguồn vốn huy động tại địa phương chiếm 10,7%. Tổng doanh số cho vay trong 15 năm qua đạt 7.717,8 tỷ đồng với trên 923.660 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ đạt 2.510,8 tỷ đồng với 101.915 khách hàng còn dư nợ, gấp 9,8 lần so với thời điểm 31/12/2003.

15 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 923.660 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, trong đó có trên 291.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 87.000 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 82.000 lao động; giúp hơn 91.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng, cải tạo gần 234.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng trên 4.000 ngôi nhà cho hộ nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 6,26% (từ 9,16% năm 2011 xuống 2,9% năm 2015), riêng năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,66% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

Phát triển cây màu ở Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động của Ngân hàng CSXH; UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách chuyển sang Ngân hàng CSXH với tổng số tiền trên 15,6 tỷ đồng, nâng nguồn vốn ủy thác đầu tư tại địa phương toàn tỉnh đến nay trên 26 tỷ đồng, góp phần bổ sung nguồn vốn để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. 

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, các huyện, thành phố đã bổ sung 286 chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tham gia ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện. Việc làm này không chỉ nâng cao vai trò quản lý của nhà nước, khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở mà còn giúp lãnh đạo các địa phương nắm bắt kịp thời tình hình quản lý vốn vay, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách tại cơ sở. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Thái Bình còn triển khai có hiệu quả sản phẩm dịch vụ huy động tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn (từ tháng 5/2010) và huy động tiết kiệm tại điểm trực giao dịch của các xã, phường, thị trấn (từ tháng 9/2016), qua đó đến nay đã huy động được trên 268 tỷ đồng bổ sung vào nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Không chỉ mở rộng về quy mô và đối tượng phục vụ, Thái Bình còn là địa phương thực hiện tốt việc ủy thác cho vay từng phần thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Đến ngày 31/8/2017, toàn tỉnh có 101.626 hộ vay vốn thông qua 3.024 tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác từ các tổ chức chính trị - xã hội với tổng dư nợ 2.504,9 tỷ đồng; trong đó, Hội Nông dân 909,7 tỷ đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ 1.026,4 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 366,1 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên 202,7 tỷ đồng. Thông qua phương thức ủy thác từng phần này, Ngân hàng CSXH đã tiết kiệm được chi phí quản lý, đồng thời tạo điều kiện lồng ghép có hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư và chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị định số 78 ở Thái Bình thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Sau 15 năm hoạt động, mặc dù tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng CSXH tăng trưởng gấp 9,8 lần song đó chủ yếu là nguồn vốn của trung ương; chất lượng tín dụng tuy được giữ vững nhưng không đồng đều giữa các địa phương, một số nơi nợ quá hạn vẫn còn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt là chương trình cho vay học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, ban giảm nghèo một số xã, phường, thị trấn chưa nhận thức được vị trí, vai trò của kênh tín dụng chính sách, vì vậy chưa chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt tín dụng chính sách trên địa bàn, đặc biệt là việc đôn đốc, xử lý thu hồi nợ xấu; trình độ của một bộ phận cán bộ tổ chức hội, đoàn thể cấp xã còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong điều kiện khối lượng vốn ủy thác ngày một tăng cao.

Mục tiêu đến năm 2020 Thái Bình phấn đấu 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp; nguồn vốn và dư nợ tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 8 - 10%; bảo đảm 100% nợ đến hạn được xử lý kịp thời, đúng quy trình quy định; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,2% trên tổng dư nợ. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Bình tiếp tục chỉ đạo Chi nhánh tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống tham mưu trình HĐND, UBND các cấp bố trí nguồn vốn từ ngân sách để chuyển sang Ngân hàng CSXH cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH tiếp tục bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hướng dẫn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, định hướng thị trường giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện sử dụng đồng vốn hiệu quả, từ đó thoát nghèo một cách bền vững. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, đồng thời chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho cán bộ tham gia quản lý vốn vay, bảo đảm xây dựng được mạng lưới tổ chức ngày càng hoàn thiện để theo dõi, quản lý, sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách an toàn, hiệu quả.

Nguyễn Hoàng Giang

Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 

Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình




Ông Tạ Tiến Khẩn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Thái Bình

Chính thức khai trương và đi vào hoạt động từ ngày 14/1/2003, 15 năm qua, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Thái Bình luôn bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung nguồn vốn đầu tư cho vay theo các chương trình chỉ định của Chính phủ, từ đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với phương châm tăng trưởng dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hàng năm, Chi nhánh luôn chủ động tham mưu cho các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Bình, các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn nguồn vốn tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, Chi nhánh thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm trực giao dịch xã, phối hợp đôn đốc, xử lý, thu hồi kịp thời nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ bị rủi ro... Chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã đưa nội dung nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn vào kế hoạch nhiệm vụ tháng, quý, năm; đồng thời, giao chỉ tiêu giảm nợ quá hạn tới cấp cơ sở làm căn cứ triển khai thực hiện và đánh giá chỉ tiêu thi đua định kỳ; thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở phân tích nguyên nhân nợ quá hạn của từng món vay, từ đó đưa ra giải pháp xử lý cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Với sự vào cuộc quyết liệt đó, đến nay, toàn tỉnh có 167 xã không có nợ quá hạn, nợ xấu tại Chi nhánh luôn duy trì ở mức thấp, chiếm 0,14% tổng dư nợ.


Bà Vũ Thị Thuần, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Hưng


Bám sát chỉ đạo của cấp trên, thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn huyện Đông Hưng đã thực hiện nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm cao trong việc thực hiện vai trò ủy thác cho vay tín dụng chính sách, bảo đảm quy trình chặt chẽ và dân chủ. Để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý vốn vay cho cán bộ hội các cấp, 15 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức 16 lớp tập huấn cho gần 4.000 lượt người tham gia, đồng thời chỉ đạo các cấp hội tổ chức gần 5.400 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 612.000 hội viên. Bên cạnh đó, Hội còn duy trì chế độ giao ban cơ sở; coi công tác kiểm tra, giám sát là tiêu chí cứng trong công tác thi đua, khen thưởng của các cấp hội. Hàng năm, Hội thường xuyên phối hợp với Ngân hàng CSXH và các đoàn thể kiểm tra hoạt động ở 100% xã, thị trấn; kiểm tra 100% tổ tiết kiệm và vay vốn và 100% thành viên vay vốn; hướng dẫn hội viên vay vốn áp dụng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, tránh khê đọng vốn hoặc nợ quá hạn kéo dài.


Ông Lê Đắc Vụ, Chủ tịch UBND, Trưởng ban giảm nghèo xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ


Xác định cho vay tín dụng ưu đãi là nhiệm vụ quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương, xã đã khẩn trương thành lập Ban giảm nghèo với sự tham gia của 10 thành viên, đồng thời chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, khi nhận được thông báo bổ sung kế hoạch vốn của các chương trình tín dụng, UBND xã tổ chức họp phân bổ vốn cho các thôn, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác kết hợp với chính quyền cơ sở hướng dẫn các tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét công khai đối tượng vay vốn, hướng dẫn các hộ được vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Từ 238 hộ vay với tổng dư nợ 918 triệu đồng (năm 2002), đến ngày 31/8/2017 trên địa bàn xã đang thực hiện cho vay 7 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ 15,088 tỷ đồng cho 613 hộ vay. Sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả đã góp phần giúp An Khê giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10% (năm 2005) xuống còn 2,16% (năm 2014) và 5,78% (năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).


Bà Hồ Thị Lan, thôn Công Bình, xã Bình Định, huyện Kiến Xương


Năm 2014, gia đình tôi may mắn được tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Công Bình do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quản lý bình xét cho vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo. Từ nguồn vốn đó, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi với quy mô 50 con gà, 4 con lợn; trung bình mỗi năm cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Sau 3 năm, gia đình tôi đã thoát nghèo và đã có phần tích lũy để cải tạo lại nhà cửa, mua sắm một số vật dụng phục vụ sinh hoạt. Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực sự phát huy tác dụng, tôi mong các cấp, các ngành và Ngân hàng CSXH điều chỉnh mức lãi suất cho vay phù hợp với từng thời kỳ đồng thời xem xét nâng mức cho vay và kéo dài thời hạn cho vay đối với các chương trình tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho khách hàng yên tâm phát triển sản xuất.


Minh Hương

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày