Thứ 6, 27/12/2024, 10:22[GMT+7]

Hành trình đáng nhớ

Thứ 2, 02/10/2017 | 08:37:24
971 lượt xem
Đối với các lưu học sinh Campuchia, dù đã sinh sống, học tập trên mảnh đất Thái Bình từ nhiều năm, nhưng bởi những bất đồng về ngôn ngữ, việc tìm hiểu về những di tích lịch sử văn hóa luôn gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu niềm yêu thích của các em đối với nét văn hóa tâm linh này, chuyến tham quan của các lưu học sinh có thành tích cao trong học tập cùng các gia đình nhận đỡ đầu các em đã được Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tổ chức, để lại nhiều kỷ niệm khó quên.

Kiến trúc độc đáo của khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần thu hút các lưu học sinh Campuchia.

Chúng tôi cùng đoàn 50 lưu học sinh campuchia khởi hành đi tham quan, tìm hiểu về một số di tích lịch sử tại Thái Bình vào một ngày mùa thu trời mưa tầm tã. Dù đã đoán trước những bất lợi về tình hình thời tiết nhưng tuyệt nhiên không một lưu học sinh nào trong đoàn có ý định hoãn lại chuyến đi, bởi các em đều đã háo hức chuẩn bị từ nhiều tuần trước. Điều đặc biệt hơn, chuyến đi này dù với số lượng người tham gia, di chuyển liên tục đến nhiều địa điểm khác nhau nhưng thay vì được tổ chức bởi một công ty du lịch, ban lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia cùng các gia đình nhận đỡ đầu lưu học sinh bởi sự thấu hiểu về nét tương đồng của hai nền văn hóa, đã tận tay chuẩn bị chu đáo cho cuộc hành trình thú vị này.

Điểm dừng chân đầu tiên

Thái Bình là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với hàng nghìn khu di tích, mà trong đó, di tích lịch sử khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần là một trong hai di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Bởi vậy, trong chuyến tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Thái Bình, các lưu học sinh Campuchia đã lựa chọn điểm dừng chân đầu tiên tại làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà để tìm hiểu về những câu chuyện xoay quanh triều đại nhà Trần trên mảnh đất Long Hưng xưa cũng như kiến trúc độc đáo trên diện tích hơn 16ha của khu di tích này.  

Đối với nhiều lưu học sinh, đây không phải lần đầu tiên các bạn đến với khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Bởi có niềm yêu thích, đam mê tìm hiểu về lịch sử nên một số lưu học sinh đã đến đền Trần khá nhiều lần. Tuy nhiên, chuyến đi này vẫn không kém phần thu hút và thú vị bởi trước đây, vì rào cản về ngôn ngữ và ngại giao tiếp nên các bạn chỉ có thể đến thăm cảnh quan và lưu lại những bức ảnh đẹp để chia sẻ với gia đình và bạn bè. Còn hôm nay, nhờ có các hướng dẫn viên tại khu di tích, các bạn đã mạnh dạn chia sẻ những suy nghĩ, băn khoăn của mình về những câu chuyện lịch sử, những sự kiện trọng đại đã diễn ra tại hành cung Long Hưng xưa và hiểu rõ hơn về kiến trúc uy nghiêm, đồ sộ của di tích đền Trần.

Tham gia chuyến đi, ông Trần Văn Đán, ở phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, một trong những gia đình nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia đã chia sẻ: Ngay khi biết thông tin về chương trình được tổ chức, các em đã gọi điện cho gia đình nhận đỡ đầu và bày tỏ niềm biết ơn, xúc động sâu sắc bởi đây là lần đầu tiên được cùng tham gia vào một chuyến đi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của mảnh đất mà các em sẽ gắn bó trong suốt quãng thời gian 6 năm học đại học. Và dù nhiều em biết tiếng Việt Nam chưa lâu nhưng khi được nghe hướng dẫn viên tại khu di tích thuyết trình cũng đều chăm chú lắng nghe để tìm hiểu, thảo luận thêm thông tin với các anh chị, các bạn. Ông Đán cũng tin rằng những chuyến đi đến các khu di tích lịch sử sẽ giúp các lưu học sinh có thể hiểu sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời của nơi mà các em đang sinh sống, đồng thời thông qua đó có thể hòa nhập và tham gia tích cực hơn vào các hoạt động cộng đồng.

Những kỷ niệm khó quên

Sau khi đã dâng hương lên các vị vua Trần cũng như tìm hiểu về khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xe đưa đoàn lưu học sinh khởi hành đến khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà. Dù tại đây mới chỉ có một số công trình được hoàn thiện, nhiều hạng mục đang trong quá trình xây dựng nhưng các lưu học sinh cũng đã được lắng nghe về vị danh nhân đất Việt, người con ưu tú kiệt xuất của quê hương Hưng Hà cũng như qua đó, hiểu hơn về tấm lòng tri ân của người dân Thái Bình. Các em hy vọng rằng, khi khu lưu niệm được hoàn thành, có thể đến tham quan, chiêm ngưỡng công trình và dâng hương lên vị danh nhân văn hóa, nhà bác học lỗi lạc, ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến Việt Nam.

Rời mảnh đất Hưng Hà giàu truyền thống lịch sử văn hóa, đoàn lưu học sinh lựa chọn điểm dừng chân tiếp theo là di tích lịch sử đền A Sào -  Đệ nhị sinh từ, nơi thờ Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ. Thời tiết mưa lớn, dù không thể tham quan Bến Tượng, nơi thờ voi chiến trung thành của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, các lưu học sinh khi dâng hương tại đền A Sào đều xúc động khi được lắng nghe câu chuyện bên bến sông Hóa về một “chiến sĩ đặc biệt” - voi chiến trung thành, cùng câu thề chiến trận vang vọng lịch sử dân tộc: “Nếu trận này không thắng được giặc Thát ta thề không về bến sông này” của Hưng Đạo Đại Vương năm xưa.

Kết thúc chuyến đi, đoàn lưu học sinh Campuchia dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ tỉnh - công trình văn hóa lịch sử mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, nơi ghi danh hơn 51.000 liệt sĩ của 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Chia tay nhau, các em hẹn ngày cùng trở lại các di tích lịch sử văn hóa đúng dịp lễ hội để có thể hòa mình vào đời sống văn hóa tâm linh đặc sắc của người dân bản địa. Chuyến tham quan không chỉ giúp các lưu học sinh Campuchia hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam, mà còn khích lệ, động viên các em trong học tập và các hoạt động xã hội và góp phần hòa nhập vào môi trường văn hóa, cộng đồng Việt Nam.



Anh Hon So Phon, lớp Y5G, Trường Đại học Y Dược Thái Bình

Em đặc biệt yêu thích kiến trúc độc đáo của khu di tích đền Trần. Đến đây, chúng em được tìm hiểu về triều đại nhà Trần, những câu chuyện lịch sử và được nghe kể về những nghi thức tế lễ độc đáo, các trò chơi dân gian diễn ra trong suốt những ngày lễ hội đền Trần. Chắc chắn em sẽ quay lại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà vào dịp lễ hội để được tham gia vào những điều đặc biệt này.


Chị Leng Phina, lớp Y3G, Trường Đại học Y Dược Thái Bình


Ở Campuchia em thường cùng gia đình và bạn bè đến theo lễ tại chùa. Khi sang Việt Nam theo học ở đây, thói quen này của em gặp khá nhiều khó khăn vì những bất đồng ngôn ngữ và một phần ngại giao tiếp khi chưa thông thạo tiếng Việt. Bởi vậy, ngay khi biết về chuyến đi đến các di tích lịch sử văn hóa của Thái Bình em đã rất hào hứng. Khi dâng hương, em cầu xin sức khỏe, may mắn, bình an đến với gia đình tại Campuchia.


Ông Phạm Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia


Bởi thấu hiểu nét tương đồng về tôn giáo giữa hai nền văn hóa Việt Nam, Campuchia nên chúng tôi đã quyết định tổ chức chuyến tham quan cho các em lưu học sinh đến một số di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Thái Bình. Các em đều tỏ rõ sự vui mừng và mong muốn được tham gia vào nhiều hơn những chuyến đi như thế này để có thể hiểu hơn về mảnh đất Thái Bình, nơi các em đang sinh sống và học tập trong một quãng thời gian khá dài.


Anh Tú