Thứ 5, 04/07/2024, 09:19[GMT+7]

An Lễ trước ngày khai hội đền Đồng Bằng

Thứ 5, 05/10/2017 | 09:05:00
5,903 lượt xem
Đền Đồng Bằng xưa thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng, nay là làng Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ. Đền có tên tự là Bắc Hải Linh Từ, nơi thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình - người có công lao to lớn trong việc bình Thục giữ nước và chiêu dân lập ấp, xây dựng giang sơn xã tắc thuở sơ khai.

Đua thuyền tại lễ hội đền Đồng Bằng. Ảnh: THÀNH TÂM

Những ngày này, về xã An Lễ (Quỳnh Phụ), gặp gỡ người dân nơi đây, có lẽ mọi câu chuyện cuối cùng đều trở về chủ đề lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng sẽ được tổ chức tới đây. Đây là lễ hội truyền thống, đã thực sự gắn liền với đời sống tinh thần, in sâu vào tiềm thức của người dân qua câu ca dao:

Dù ai buôn xa bán xa

20 tháng 8 giỗ cha thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

20 tháng 8 nhớ về Đào Thôn.

Đền Đồng Bằng xưa thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng, nay là làng Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ. Đền có tên tự là Bắc Hải Linh Từ, nơi thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình - người có công lao to lớn trong việc bình Thục giữ nước và chiêu dân lập ấp, xây dựng giang sơn xã tắc thuở sơ khai. Từ xa xưa, đền Đồng Bằng đã được biết đến là ngôi đền linh thiêng, chốn địa linh được nhân dân bốn phương ngưỡng vọng.

Theo sử sách ghi lại, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Đào Động là một trong những phòng tuyến quân sự quan trọng của nhà Trần, là nơi đóng quân và luyện tập thủy binh, do đó đền Đồng Bằng còn là nơi tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương và các tướng sĩ nhà Trần trong ba lần đại phá quân Nguyên Mông và lập nên tám trang Đào Động xưa. 

Không chỉ mang những giá trị lịch sử đáng trân trọng, đền Đồng Bằng còn là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị, kết cấu theo kiểu “tiền nhị hậu đinh” khép kín, bề thế. Các mảng kiến trúc hài hòa với những nét chạm trổ tinh vi, điêu khắc tinh xảo, nhiều hoành phi, câu đối, đại tự, cuốn thư, các bộ lư hương, án thờ, long ngai… từ thời Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Và ngay từ năm 1986, đền Đồng Bằng đã là một trong những di tích lịch sử văn hóa đầu tiên của Thái Bình được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Những năm qua, cùng với việc gìn giữ các giá trị kiến trúc nghệ thuật của ngôi đền, các cấp, các ngành, đặc biệt là nhân dân địa phương đã tích cực phát huy các giá trị văn hóa tâm linh truyền thống tốt đẹp, tôn tạo, sưu tầm, phục dựng… những sự tích, các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian để lễ hội ngày càng trở nên hấp dẫn, thực sự trở thành lễ hội mang tính chất vùng miền, là điểm đến của những tâm hồn hướng thiện, hướng đến những giá trị tốt đẹp của đời sống nhân sinh, đồng thời cũng là điểm du lịch tâm linh ấn tượng của người dân đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, nhân dân cả nước nói chung.

Năm 2017, với những giá trị lịch sử, nghệ thuật riêng có, cùng với nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong xã, lễ hội đền Đồng Bằng chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của cơ quan chức năng, đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân dân địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo xã An Lễ, chúng tôi được biết, do lễ hội truyền thống năm nay được tổ chức cùng với việc được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên quy mô lễ hội sẽ lớn hơn, nội dung nhiều hơn, yêu cầu đặt ra đối với công tác tổ chức cũng đòi hỏi cao hơn. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã khá cơ bản, xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu ban, các thành viên và đang tích cực hoàn thiện những nội dung còn lại cho công tác tổ chức. Bên cạnh đó, xã cũng đã chủ động xin ý kiến của các cơ quan chức năng để có hướng dẫn cụ thể, đúng quy định trong công tác tổ chức, ngoài ra, ban tổ chức lễ hội còn trao đổi, tham vấn các đơn vị có kinh nghiệm trong việc tổ chức đón nhận danh hiệu để có phương án thực hiện cụ thể và hiệu quả nhất, hướng tới một lễ hội thực sự an toàn, tiết kiệm, tạo được ấn tượng sâu sắc trong nhân dân địa phương và du khách khắp nơi về trảy hội, đồng thời phát huy được những giá trị tốt đẹp của di tích, của văn hóa truyền thống trong xây dựng đời sống văn hóa theo tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

ĐỨC ANH - KIÊN TRUNG
(Đài TTTH Quỳnh Phụ)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày