Thứ 6, 05/07/2024, 02:14[GMT+7]

Kiểm tra công tác tiêu úng, bảo vệ sản xuất tại huyện Quỳnh Phụ

Thứ 4, 11/10/2017 | 15:07:02
1,084 lượt xem
Sáng ngày 11/10, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đi kiểm tra công tác tiêu úng bảo vệ sản xuất tại huyện Quỳnh Phụ. Cùng đi có lãnh đạo đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác tiêu úng bảo vệ sản xuất tại xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ)

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9 đến sáng ngày 11/10, trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã xảy ra mưa lớn rải rác. Lượng mưa đo được lúc 7 giờ ngày 11/10 tại thị trấn Quỳnh Côi là 255mm, tại Đại Nẫm là 155mm, tại Cao Nội là 140mm, tại Cống Neo là 272mm. Đặc biệt, trong ngày 10/10, mưa lớn xảy ra trên toàn địa bàn huyện với lượng trung bình từ 100 – 150mm. Mực nước sông Luộc, sông Hóa đang ở mức cao do Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy nên gặp khó khăn trong việc tiêu ngang bằng trọng lực qua cống Trà Linh nếu lượng mưa lớn hơn 200mm.

Nông dân xã Quỳnh Hội tập trung bơm tiêu úng bảo vệ hoa màu 

Từ trưa ngày 10/10, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện tổ chức bơm tiêu tại 3 trạm bơm: Quỳnh Hoa, Cao Nội, Đại Nẫm và các trạm bơm do xí nghiệp quản lý. Hiện tại, hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn Quỳnh Phụ tương đối ổn định, toàn huyện có 2.000/3.000ha cây vụ đông đã gieo trồng bị ngập úng, 4.500/11.700ha lúa mùa đã được thu hoạch, diện tích lúa mùa còn lại phần lớn bị đổ ngả, ngập úng, tập trung tại các xã: Quỳnh Nguyên, Quỳnh Hưng, Quỳnh Trang, Đồng Tiến…

Nông dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) tập trung thu hoạch hoa màu hạn chế thiệt hại do mưa lớn

Sau khi kiểm tra thực tế tại cánh đồng màu thôn An Phú, xã Quỳnh Hải và thôn Phụng Công, xã Quỳnh Hội, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu huyện Quỳnh Phụ tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện tiêu nước trên mặt ruộng và hệ thống sông trục do xã, thị trấn quản lý, tập trung nhân lực khẩn trương giải phóng dòng chảy trên các trục sông, bảo vệ lúa mùa, hoa màu, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do  mưa lớn gây ra. Có kế hoạch bảo đảm an toàn cho người, công trình, tài sản tại các vùng ven sông đề phòng nước lũ dâng cao. Theo dõi chặt chẽ những diễn biến của thời tiết, tăng cường công tác tuần tra, canh gác, chuẩn bị phương tiện, vật tư, phân công lực lượng ứng trực tại các điểm đê, kè xung yếu trong huyện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi cần thiết theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Địa phương thực hiện rà soát diện tích lúa, cây màu vụ đông bị ngập và thiệt hại sau mưa lớn, có phương án xử lý phù hợp bảo đảm sản xuất theo kế hoạch.

 Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày