Thứ 3, 23/07/2024, 09:31[GMT+7]

Thanh niên Hưng Hà: Từ mô hình đến thực tiễn

Thứ 5, 12/10/2017 | 10:16:07
955 lượt xem
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Hưng Hà đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên, không chỉ tạo việc làm ổn định cho đoàn viên thanh niên nông thôn mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Mô hình phát triển kinh tế của anh Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đồ thờ Trần Minh Dũng (xã Minh Tân, huyện Hưng Hà) giải quyết việc làm cho gần 20 lao động.

Anh Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đồ thờ Trần Minh Dũng (xã Minh Tân), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) thanh niên phát triển kinh tế giỏi huyện Hưng Hà là một trong những điển hình thanh niên dám nghĩ, dám làm và thành công từ đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo và tấm lòng nhân hậu. 21 năm gắn bó với nghề mộc, đến nay anh Dũng đã gây dựng 1 cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng, doanh thu mỗi năm đạt bình quân 5 tỷ đồng, lợi nhuận 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Dũng còn dạy nghề miễn phí cho 100 người, trong đó có 20 người khuyết tật. Anh cũng là một trong số ít thanh niên của huyện Hưng Hà đạt giải thưởng Lương Định Của và được phong tặng Nghệ nhân làng nghề Việt Nam. 

Anh Dũng chia sẻ: CLB thanh niên phát triển kinh tế giỏi huyện Hưng Hà thành lập năm 2014. 3 tháng sinh hoạt 1 lần, các thành viên CLB cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 17 thành viên đều là chủ các cơ sở sản xuất, trang trại, doanh nghiệp tiêu biểu trong phát triển kinh tế của huyện, doanh thu mỗi năm đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên địa phương. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận thanh niên có chí tiến thủ, có khát vọng làm giàu tham gia CLB, bàn cách khởi nghiệp để thành công. Không chỉ tích cực trong phát triển kinh tế, hàng năm, CLB trao hàng chục suất quà cho các em học sinh có gia đình khó khăn, hỗ trợ công trình thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới,  hỗ trợ kinh phí cho đoàn các xã, thị trấn tổ chức tết Trung thu, tổ chức giải bóng đá cho thanh thiếu nhi với số tiền hàng trăm triệu đồng. 

Anh Bùi Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Hoakoyo (xã Thái Phương) chia sẻ: Tham gia CLB, tôi thấy mình trẻ lại, có thêm nhiệt huyết, nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế. Hiện nay, doanh nghiệp duy trì 15 máy dệt công nghiệp, mỗi năm xuất ra thị trường 200 tấn khăn bông cao cấp, tạo việc làm cho 20 lao động với mức lương bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại tôi đang mở rộng xưởng trên diện tích 2ha, đầu tư thêm máy móc thiết bị vào sản xuất, chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn.

Cùng với CLB thanh niên phát triển kinh tế giỏi, Huyện đoàn Hưng Hà còn tổ chức vận động thành lập các tổ hợp tác thanh niên, trong đó mô hình Tổ hợp tác thanh niên xã Phúc Khánh là một điển hình. 

Anh Cao Việt Bắc, Bí thư Đoàn xã Phúc Khánh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Mục đích của Tổ hợp tác là tập hợp các thanh niên có khát vọng làm giàu lại để hỗ trợ nhau về vốn, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế. Tổ hợp tác hiện có 11 thành viên thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Mỗi thành viên góp quỹ 2 triệu đồng đầu tư mua 1 máy cấy mini và 1 máy phun thuốc trừ sâu công nghiệp. Tổ giao cho 1 thành viên quản lý máy cấy và nhận cấy các diện tích của nhân dân, nhận hợp đồng với HTX DVNN phun thuốc trừ sâu cho mạ và lúa của nhân dân. Tuy Tổ hợp tác mới đi vào hoạt động nhưng chúng tôi tin tưởng với hướng đi này sẽ hỗ trợ các thành viên trong phát triển kinh tế và thu hút thêm nhiều thanh niên cùng tham gia, quyết tâm khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Xưởng dệt khăn bông cao cấp của anh Bùi Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Hoakoyo (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà).

Ở Hưng Hà hiện còn có rất nhiều thanh niên sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học đã trở về quê hương lập nghiệp. Cô gái Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1993, ở xã Thái Phương là một ví dụ. 

Nhung cho biết: Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, em đã đi làm ở nhiều nơi nhưng rất vất vả và quyết định về quê khởi nghiệp từ nghề dệt truyền thống. Hơn 1 năm nay em vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, hỗ trợ bố mẹ về kỹ thuật, mẫu mã và giới thiệu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ. Hiện nay gia đình em đang duy trì 6 máy dệt khăn, mỗi tháng xuất ra thị trường 15 tấn khăn bông các loại, tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. Sau khi về phụ giúp bố mẹ, doanh thu tăng 20%, sau khi trừ các khoản chi phí bình quân mỗi năm gia đình có thu nhập 300 triệu đồng. Em tin nếu cố gắng, có quyết tâm em sẽ khởi nghiệp thành công, gây dựng được cơ sở riêng bảo đảm tương lai ổn định hơn. 

Không chỉ năng động trong kinh doanh, Nhung còn là Bí thư Chi đoàn thôn năng nổ, nhiệt tình trong mọi hoạt động Đoàn, Đội của địa phương.

Chị Đinh Thị The, Bí thư Huyện đoàn Hưng Hà cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 19 CLB thanh niên phát triển kinh tế, trên 200 mô hình làm kinh tế hiệu quả do thanh niên làm chủ, thu nhập bình quân 1 mô hình đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Từ thực tiễn hoạt động và kết quả các mô hình kinh tế của thanh niên đã tạo cơ hội cho nhiều thanh niên trở thành những chủ doanh nghiệp, chủ trang trại trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo việc làm cho hàng nghìn thanh niên, bộ đội xuất ngũ ở địa phương. Đồng hành với thanh niên phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong huyện đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, khởi nghiệp, vươn lên làm chủ cuộc sống. 

Trong 5 năm (2012 - 2017), các cơ sở đoàn đã phối hợp dạy nghề cho 800 thanh niên; tư vấn, hướng nghiệp cho 2.500 thanh niên và giải quyết việc làm cho hơn 600 thanh niên; phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ, tạo điều kiện cho 1.132 đoàn viên, gia đình thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn 120 với số vốn hiện nay là trên 30 tỷ đồng để phát triển kinh tế. 

Thời gian tới, các cấp bộ đoàn ở Hưng Hà sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên thanh niên trong lập thân lập nghiệp, nhân rộng các mô hình thanh niên phát triển kinh tế; trọng tâm là tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề và hỗ trợ về vốn vay, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất… tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên trên địa bàn xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương Hưng Hà ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Nguyễn Hình


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày