Thứ 7, 28/12/2024, 01:05[GMT+7]

Ðình Long Bối: Nơi tưởng niệm những công thần trung nghĩa ái quốc

Thứ 7, 14/10/2017 | 10:48:09
6,054 lượt xem
Thôn Long Bối (xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng) có tên nôm là làng Bái, xưa là xã long Bối, thuộc tổng Đông Động; Thời Lý thuộc ấp Long Khê; thời Trần thuộc huyện Cổ Lan, lộ Long Hưng; Thời Lê thuộc huyện Thanh Quan, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam hạ.

Lễ hội đình làng Bái.

Đình Bái, nơi tưởng niệm các trung thần

Đình làng Bái thờ 4 vị thần, là: Đông hải đại vương Đoàn Thượng, người Hải Dương, trung thần thời Lý Huệ Tôn (1210 - 1227), gia đình kế thế làm quan; ông đã về đây đóng quân, chiêu binh, huấn luyện binh sĩ, quyên giáo lương thảo, thần tích ghi ngày sinh của ông là mồng 10 tháng Giêng; ngày hóa (chết) là 12/8, không rõ năm. Khi Đoàn Thượng mất, nhân dân đã lập đình thờ, tôn làm thành hoàng bản cảnh (bản thần tích do Hàn lâm viện Trần Trọng Úy, Nguyễn triều Khải Định lục niên 1921 sao lục từ bản gốc); và Đông hải đại vương Nguyễn Phục, sách “Đại nam nhất thống chí” chép về ông như sau: Nguyễn Phục người Hải Dương. Năm Thái Hòa thứ 10 (1452) ông ra ứng thí, đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư; Hàn lâm viện Đại học sĩ kiêm chức sư phó dạy thân vương. Khi Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, làm đốc vận quân lương, vì bị bão, sai kỳ, phải chịu quân pháp. Sau vua biết là oan, truy phong làm phúc thần. Trước đó, Nguyễn Phục vi đến Long Bối xã, phụ lão nhân dân đều bái tạ. Trong làng có 56 người đi theo, đánh giặc tại cửa biển Côn Giang. Ông truyền cho dân nghề dệt vải, ươm tơ chăn tằm, cho dân 40 hốt vàng để dựng miếu sở phụng sự sau khi ông mất. Ngày 28/8 (không rõ năm) Thánh hóa; con là Nguyễn Đam đỗ tiến sĩ đời Lê Hồng Thuận.

Ngoài ra đình còn thờ Tây hải đại vương và Nam hải đại vương (chưa rõ lý lịch).

Đình Long Bối, cơ sở hoạt động của phong trào Cần Vương chống Pháp

Cuối thế kỷ XIX, phong trào Cần Vương chống Pháp bùng lên mạnh mẽ ở Thái Bình với những tên tuổi như ngự sử Phạm Huy Quang, Đốc Đen, Đốc Nhưỡng, Lãnh Nhàn lan khắp tỉnh Nam Định cũ. Đông Quan (nay là huyện Đông Hưng) là một trung tâm lớn của phong trào. Tại Long Bối thời ấy cũng có một số người tham gia phong trào của Đốc Đen; chỉ huy sở của nghĩa quân đóng tại đình và nhà cụ Thân, từ đó liên hệ chặt chẽ với các phong trào khác ở trong huyện.

Đình Long Bối - một công trình kiến trúc quý, hiếm

Đình được xây dựng trước thời Nguyễn, trùng tu vào năm Tân Dậu (1921). Đình gồm 2 tòa, kết cấu chữ Nhị, tương truyền tòa trong được xây dựng trước.

Đình ngoài gồm 7 gian, hai hàng cột, ngạc long ngậm đại bờ, hồi văn 5 đấu, lợp ngói mũi, ngưỡng bạo soi chỉ kép, lắp cửa bức bàn, chân quay cánh phố, bẩy hiên tiền, hậu chạm tứ quý, tứ linh, lá lật, nghệ thuật chạm khắc khá tinh vi. Thềm hiên cao 40cm, ghép đá tảng. Sân đình dài 23m70, rộng 15m50.

Tòa đại bái có kích thước dài 23m70, rộng 9m70, cao 6m50. Vì kèo làm kiểu chồng đấu hoa sen. Bộ khung to lớn, bề thế, còn bảo lưu trọn vẹn sau hàng trăm năm thiên tai và giặc giã. Các mảng chạm tại đường thượng, đường hạ và đầu dư khá tinh luyện bằng phương pháp chạm lộng, bong, kênh, nghệ thuật chạm khắc khá đẹp, lộng lẫy, khỏe, bề thế.

Tòa thứ hai cách tòa đại bái bằng một khoảng sân rộng 3m, gồm 5 gian, dài 15m50, rộng 7m20, cao 4m; hồi văn 5 đấu, ngạc long ngậm đại bờ. Vì kèo làm kiểu kê cốn. Các mảng chạm 2 cốn tiền, bảy hiên tiền hậu có giá trị nghệ thuật điêu khắc gỗ đáng quan tâm.

Đình còn lưu giữ 4 cỗ ngai, trong đó 1 cỗ ngai to lớn và đẹp hiếm có trong tỉnh và 1 bia đá thời Nguyễn ghi công đức việc trùng tu đình trong, đình ngoài; nhiều sắc phong và tài liệu chữ Hán.

Năm 2000, cụ Lê Thanh Bình, cán bộ hưu trí đã lên Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam photo bảng tra Thần tích theo địa danh làng, xã về sắc phong của Triều Nguyễn với hai vị nhân thần (Đông hải đại vương Đoàn Thượng và Đông hải đại vương thượng đẳng thần Nguyễn Phục); 2 vị thủy thần (Nam hải đại vương và Tây hải đại vương); 2 vị thần nữ là Liễu Hạnh thượng đẳng thần và Thiên tiên thần nữ Bạch Thị Kính cảnh hoa nàng tôn thần (trước thờ ở đền tiền đình, nay thờ ở đền Mẫu, chùa làng); Các bản mà Hương - Lý của làng đã phụng khai năm 1938 về các loại phẩm phục, sắc phục... được dùng trong nghi lễ của đình.

Năm 2004, đình trong xuống cấp nghiêm trọng đã được nhân dân trùng tu, (cụ Phạm Công Rược được nhân dân tiến cử đặt thượng lương ngày 28/9/2004) nhưng vẫn bảo lưu giá trị gốc.

Đình đã được cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (Quyết định số 752/QĐ-UBND ngày 5/4/2005 của UBND tỉnh Thái Bình).

Phát huy truyền thống cách mạng, văn hóa văn hiến, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Hợp đã ra sức thi đua lao động, sản xuất xây dựng quê hương, năm 2014 xã đã được UBND tỉnh trao bằng công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.

Hợp Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày