Chủ nhật, 29/12/2024, 21:42[GMT+7]

Cồn cào sông nhớ…

Thứ 2, 16/10/2017 | 10:12:06
739 lượt xem
Đem cả “thần sấm”, “con ma” B52, F105… rải thảm hàng nghìn tấn bom phá, bom khoan, bom phát quang xuống các cung đường Trường Sơn, vậy mà đế quốc Mỹ vẫn không thể ngăn được bước chân bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP) tải hàng vào Nam phục vụ chiến đấu.

Nghĩa trang liệt sĩ Thụy Liên, nơi an nghỉ của liệt sĩ Lê Xuân Đình.

Tháng 4/1966, phát hiện tuyến đường thủy trọng yếu của ta nhờ khai thác lợi thế kênh nhà Lê (sông Lê), chúng tăng cường đánh phá ác liệt các trọng điểm giao thông đường thủy, thả nhiều thủy lôi ở cửa sông và ngã ba sông hòng tiêu diệt các chiến thuyền và chặt đứt tuyến đường thủy “yết hầu” chi viện cho miền Nam ruột thịt của hậu phương miền Bắc.

Trước đó, tháng 10/1965, một đại đội TNXP với gần 300 chàng trai cường tráng tuyển chọn từ ba huyện Thụy Anh, Thái Ninh và Đông Quan thuộc tỉnh Thái Bình được thành lập mang số hiệu C206 trực thuộc Cục Vận tải đường sông thuộc Bộ Giao thông Vận tải bổ sung cho đội quân TNXP vào tuyến lửa Hà Tĩnh làm nhiệm vụ vận tải nâng tổng số TNXP lên gần 1.000 đội viên chốt tại các khúc kênh quan trọng như kênh Son, kênh Ma Đa, kênh Cấm, kênh Sắt, kênh Gâm, kênh Than, kênh Nhồi, kênh Lấp, kênh De, kênh Choáng. Thời điểm đó, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các địa phương từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh đồng loạt thực hiện đợt nạo vét kênh quy mô lớn. Theo tài liệu của Bộ, cuối năm 1965, trên toàn tuyến sông Lê đã nạo vét được 365.000m³. Những đoạn cạn nhất được khoét sâu từ 50 - 60cm và khi thủy triều lên đạt mức nước 1 - 1,2m, bảo đảm cho các loại thuyền có trọng tải trên 10 tấn đi lại thông suốt.

Kênh nhà Lê (hay thường gọi là sông Lê) được đích thân vua Lê Hoàn (nhà tiền Lê) trực tiếp chỉ đạo việc đào kênh từ Hoa Lư (Ninh Bình) vào Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) với tham vọng nối các con sông nội địa lại với nhau, mở ra tuyến vận tải thủy cho mục đích giao thương và quân sự (bình Chiêm, mở mang bờ cõi phía Nam). Các triều đại tiếp theo từ Lý, Trần, hậu Lê tới thời nhà Nguyễn, kênh nhà Lê đều được chăm chút mở mang và là chứng nhân của các sự kiện lịch sử dân tộc. 

Năm 1964, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt các tuyến đường sắt, đường bộ từ miền Bắc vào miền Trung đặc biệt là Quảng Bình, Quảng Trị nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Các tuyến đường bộ bị bom phá hủy nham nhở, tắc nghẽn và nguy cơ hủy diệt. 

Vấn đề đặt ra là hàng chi viện của miền Bắc phải vào được chiến trường miền Nam, thực tế đầy cam go, thách thức ấy đã thôi thúc cán bộ ngành Giao thông Vận tải nảy sinh sáng kiến khai thác tuyến kênh nhà Lê làm con đường vận tải thủy hữu hiệu đưa hàng hóa qua trọng điểm đánh phá miền Trung. Bộ liền giao cho Cục Vận tải đường sông (nay là Cục Đường thủy nội địa) triển khai. C206 TNXP nằm trong đội hình Đoàn vận tải 3 do Cục Vận tải đường sông trực tiếp quản lý. C206 có nhiệm vụ dùng thuyền vận chuyển lương thực, xăng dầu và nhu yếu phẩm từ Thanh Hóa theo kênh nhà Lê vào Hà Tĩnh. Tuyến vận tải trọng yếu này được lực lượng TNXP tận dụng tối đa lợi thế của thuyền nan, loại thuyền nhỏ dễ luồn lách để dồn dập chuyên chở những chuyến hàng vào Nam phục vụ chiến đấu. Địch phát hiện ra tuyến đường này, ngay lập tức chúng điều đủ loại phản lực F4H, F8U, AD6, F105D từ các chiến hạm ngoài biển tràn vào bầu trời đất Việt rồi lao xuống “cắn xé” tơi tả tuyến kênh nhà Lê để lại hai bên bờ kênh toang hoác những hố bom chồng lên hố bom. 

Trong số những phương tiện giết người quân đội Mỹ điều tới miền Trung nhằm phá hủy kênh nhà Lê, người ta thấy một loại máy bay hết sức nguy hiểm đó là máy bay sử dụng động cơ cánh quạt AD6 của hải quân Mỹ. Theo tài liệu quân sự, AD6 là máy bay cường kích trên hạm, có tầm bay xa và đặc biệt bay thấp sát mặt đất, lại mang được nhiều bom. Máy bay AD6 thường bổ nhào hoặc bay ngang để ném bom. AD6 trang bị động cơ cánh quạt Wright R-3350-26WA cho phép đạt tốc độ 518km/h, tầm bay hơn 2.000km, trần bay 8.685m. AD6 thiết kế 4 pháo 20mm và 15 giá treo mang 3,6 tấn vũ khí (bom, rốc két, ngư lôi). 

Ngày 16/10/1966, đoàn thuyền do Lê Xuân Đình (thuyền trưởng, quê xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy) chỉ huy rời Thanh Hóa vào Hà Tĩnh, đang xuôi dòng yên ả thì Lê Xuân Đình phát hiện máy bay AD6 đang lao đến. Tình huống hết sức nguy nan, đoàn thuyền do Lê Xuân Đình chỉ huy bỗng trở nên trơ trọi giữa dòng kênh vốn thanh bình, yên ả. Phải đối mặt với quái vật chết chóc AD6, mặc dù được trang bị kiến thức nhận biết về loại máy bay này và biết là đạn súng K44 không thể bắn thủng lớp vỏ của AD6 vì chúng được bọc lớp cao su rất dày nhưng Lê Xuân Đình vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội cho các chiến thuyền áp sát bờ kênh tránh bom đồng thời phân tán đội hình còn mình tách một con thuyền lao đi giữa dòng nhử máy bay địch. Lê Xuân Đình cho thuyền chạy dọc kênh và bình tĩnh giương cao khẩu K44 với băng đạn đầy ắp nhằm thẳng kẻ thù bắn. Thằng giặc trời lao vụt qua rồi bất ngờ quay lại. Thời khắc đã đến, Lê Xuân Đình đứng vững chãi trên thuyền, nòng súng chĩa thẳng vào buồng lái của quái thú nơi thấp thoáng cái đầu tên phi công rồi xiết cò. Đạn K44 nổ vang rền, quái thú AD6 chuệch choạc nhưng nhanh chóng lấy lại thăng bằng và nã đạn pháo 20mm cùng rốc két vào chiến thuyền. Dòng sông yên ả bỗng tung bọt trắng xóa tạo những cột nước cao ngút trời. Mặt nước dềnh lên, sóng vỗ ào ạt vào hai bên bờ kênh dội lên những âm thanh nghe như tiếng thét căm thù quân cướp nước. Sóng trên sông cũng hòa vang lời tiễn biệt thuyền trưởng Lê Xuân Đình. Anh đã anh dũng hy sinh khi mới 21 tuổi xuân.

Tấm gương hy sinh quả cảm của thuyền trưởng Lê Xuân Đình khiến cả C206 và các đơn vị vận tải thủy trên kênh nhà Lê không nguôi thương tiếc. Phong trào thi đua sôi nổi tăng chuyến, tăng vòng đã được phát động, học tập trong toàn đội TNXP ngay sau khi Lê Xuân Đình hy sinh nhằm đưa nhanh những chuyến hàng vào Nam chiến đấu, góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975.




Ông Nguyễn Văn Đang, cựu TNXP C206, thôn Hòa Đồng, xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy

Năm 1965, tôi và anh Lê Xuân Đình được tuyển chọn vào C206 thuộc Cục Vận tải đường sông (Bộ Giao thông Vận tải). Lúc đầu chúng tôi đóng quân ở Ninh Bình, ở đây chúng tôi được huấn luyện một lớp ngắn hạn vận tải đường sông, chủ yếu là chèo thuyền. C206 chia làm nhiều tiểu đội và trung đội, để thuận tiện cho công việc vận tải chúng tôi chia nhau cứ ba người một thuyền trong đó một người lái và hai người chèo. Từ tháng 10/1965 đến tháng 12/1969, C206 của chúng tôi vận chuyển hàng nghìn chuyến hàng vào Hà Tĩnh, chi viện cho chiến trường miền Nam. Anh Lê Xuân Đình là thuyền trưởng chỉ huy nhiều chuyến thuyền từ Ninh Bình vào đến Hà Tĩnh thành công. Năm 1966, giặc Mỹ phát hiện tuyến đường được coi là đường Hồ Chí Minh trên kênh nhà Lê chúng đã bắn phá dữ dội. Anh Đình anh dũng hy sinh khi mới 21 tuổi xuân.

Ông Quách Đình Vinh, cựu TNXP C206, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy

Tôi ở B304, anh Đình ở B305, chúng tôi cùng làm nhiệm vụ vận tải hàng bằng thuyền nan rồi thuyền gỗ và cuối cùng là xà lan 15 tấn từ Ninh Bình vào Hà Tĩnh, mỗi chuyến đi về mất 5 ngày đêm, nước lên chúng tôi mới đi. Trước khi bị giặc Mỹ bắn phá, tuyến kênh nhà Lê rất đẹp, hai bên bờ cây xanh rủ bóng, cỏ mướt mát xanh đan xen những cánh đồng lúa tốt tươi, người dân hai bên bờ còn bắc cầu để tắm rửa và lấy nước sinh hoạt. Giặc Mỹ bắn phá dữ dội khiến hai bên bờ sông nhà Lê vỡ toang hoác. Thuyền chúng tôi đi trên kênh nhà Lê không có gì che chở, gặp máy bay địch là khó có thể sống sót. Những địa danh bị bắn phá ác liệt nhất gần như không còn sự sống như Cửa Sót, làng Cửa Vạn, Cửa Thơi…

Cựu chiến binh Lê Văn Đảm, em trai liệt sĩ Lê Xuân Đình, thôn Trung Quang, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy

Gia đình tôi có 6 anh chị em, anh Đình là thứ tư, tôi là út. Bố tôi mất sớm, 6 anh chị em tôi đùm bọc nuôi nhau. Lần lượt anh cả là Lê Văn Kỳ đi bộ đội chống Pháp, tái ngũ chống Mỹ, chị gái Lê Thị Ga đi thanh niên xung phong đóng quân ở Quảng Ninh, anh thứ hai Lê Văn Riệp đi bộ đội hy sinh năm 1965, anh thứ ba Lê Văn Rược đi thanh niên xung phong đóng quân ở Bắc Thái, anh Lê Xuân Đình đi thanh niên xung phong hy sinh năm 1966 còn tôi đi bộ đội năm 1968. Mẹ tôi là Nguyễn Thị Nhâm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 2014. Tháng 10/2015, được sự giúp đỡ của chính quyền xã Thụy Liên, di hài liệt sĩ Lê Xuân Đình đã được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thụy Liên.


Quang Viện

  • Từ khóa