Thứ 7, 20/04/2024, 18:54[GMT+7]

Đình Phương Cáp “kêu cứu”

Thứ 2, 23/10/2017 | 08:42:56
5,388 lượt xem
Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) không chỉ là công trình có kiến trúc cổ, độc đáo mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng của tỉnh. Ngược lại với ý nghĩa và giá trị văn hóa, lịch sử, đình Phương Cáp hiện nay đang bị “bỏ quên”, xuống cấp nghiêm trọng, có nhiều nguy cơ đổ sập.

Các hạng mục ở đình Phương Cáp đều đã xuống cấp nghiêm trọng.

Di tích “kêu cứu”

Đình Phương Cáp được khởi công xây dựng năm 1886, hoàn thành năm 1888. Thời phong kiến, đình là nơi thờ thành hoàng làng và nơi hội họp, bàn việc làng việc xã. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đình là căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ, nơi tập kết, tổ chức lễ truy điệu cho nhiều anh hùng liệt sĩ địa phương. Đặc biệt, ngày 1/1/1967, tại đình Phương Cáp đã diễn ra cuộc nói chuyện của Bác Hồ với cán bộ, nhân dân trong lần cuối cùng Người về thăm Thái Bình. Năm 1993, đình Phương Cáp được cấp bằng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, hiện là nơi tôn thờ, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ xã Hiệp Hòa.

Đình Phương Cáp có kiến trúc độc đáo gồm đình ngoài 7 gian, đình trong 5 gian, toàn bộ hàng cột sử dụng gỗ lim, mái đình cong, các đao tầu chéo góc, xà, câu đầu được chạm trổ mặt nguyệt, long ly quy phượng với đường nét hoa văn tinh xảo. Sau 130 năm xây dựng, đến nay, công trình cơ bản vẫn giữ nguyên kiến trúc gốc, hầu như chưa bị thay đổi, được đánh giá là một trong những ngôi đình cổ hiếm hoi của tỉnh. 

Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng với việc ít được đầu tư, trùng tu kịp thời, đến nay đình Phương Cáp đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ cổng vào, hai cánh cổng sắt có bánh xe đẩy đã hoen gỉ, gẫy đổ, không thể kéo ra, kéo vào, người dân lấy tấm gỗ chắn tạm. Tại khu vực đình ngoài, các cột, hoành, rui của mái đình đều đã mục nát, mối xông gần đứt gẫy, phần mái ngói hai bên cánh tả và cánh hữu của đình đã sụt, gãy nhiều chỗ, cửa gỗ ra vào ọp ẹp xiêu vẹo, phải dùng bao cát chắn chống đổ. Phần đình trong, nơi thờ Bác Hồ và 206 liệt sĩ địa phương cũng bị sụt lún.

Nền lún làm một góc đình nứt toác, có thể rơi ra khi có tác động rất nhỏ.

Ông Phạm Văn Thái, người trông coi đình Phương Cáp cho biết: Do phần mái hỏng nên hiện nay mỗi lần trời mưa đình đều bị thấm, dột, làm ảnh hưởng đến phần gỗ của công trình. Khi phát hiện thêm các phần xuống cấp mới như mục rỗng gỗ, nứt tường, tôi đều báo cáo địa phương. Tôi rất lo lắng, tự lấy xi măng để vá vết nứt tạm thời. Mỗi lần nhân dân, du khách vào thăm, thắp hương tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ tại đình tôi thấy nguy cơ không bảo đảm an toàn, đặc biệt trong mùa mưa, bão. Tôi lo đình có thể đổ sập.

Chật vật kinh phí trùng tu, tôn tạo

Đình Phương Cáp được trùng tu năm 1993 và năm 1999, năm 2015 được đầu tư sửa phần mái của gian hành lang, còn lại hầu như chưa được sửa chữa, nâng cấp. 

Ông Đỗ Ngọc Trung, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vũ Thư cho biết: Do lượng di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp ngày càng nhiều, đòi hỏi nguồn vốn lớn nên ngân sách nhà nước đầu tư cho việc trùng tu, nâng cấp, tu bổ các di tích trên địa bàn huyện, trong đó có di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đình Phương Cáp rất hạn chế. Điển hình như năm 2012, tỉnh, huyện đã có dự án trùng tu, tôn tạo đình Phương Cáp với tổng kinh phí dự kiến 12 tỷ đồng nhưng không huy động được kinh phí nên đã tạm dừng; năm 2017, mặc dù quan tâm nhưng huyện cũng chỉ có thể hỗ trợ được 45 triệu đồng để chống xuống cấp một số hạng mục nhỏ. Ngoài việc trông chờ vào ngân sách nhà nước, địa phương cần tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa và tranh thủ tối đa các nguồn lực khác để nâng cấp công trình. Vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa phải được nâng cao hơn nữa.

Ông Đỗ Lương Thiện, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết: Việc huy động nguồn lực xã hội hóa để trùng tu, nâng cấp, sửa chữa đình Phương Cáp khó thực hiện bởi thu nhập của nhân dân địa phương hạn chế; con em quê hương thành đạt thì chủ yếu ủng hộ kinh phí xây dựng chùa hoặc làm đường giao thông nông thôn, còn khi nhắc đến di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia là nhiều người e ngại vấn đề phức tạp liên quan đến quản lý nhà nước nên không muốn đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa.

Cánh cửa hữu của đình đã hỏng nhiều năm nay, được chèn tạm bằng bao cát.

Gần 30 năm gắn bó với công việc trông coi di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đình Phương Cáp, ông Phạm Văn Thái cho biết thêm, ông có điều kiện gặp gỡ, trao đổi với nhiều người dân, du khách, trong đó có cả con em quê hương thành đạt, rất nhiều người có điều kiện về kinh tế, có tâm, có mong muốn góp phần gìn giữ, tôn tạo di tích thiêng liêng của quê hương nhưng còn e ngại vì việc nâng cấp, sửa chữa di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia không đơn giản như xây dựng một công trình thông thường mà đòi hỏi rất nhiều quy định, hơn nữa chưa có đại diện cấp ủy, chính quyền đứng ra vận động nên chưa ai dám lên tiếng ủng hộ.

Ngân sách nhà nước eo hẹp, không có nguồn lực xã hội hóa, không có kinh phí để trùng tu, tôn tạo, vì vậy, di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đình Phương Cáp ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Cần có sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành, địa phương và người dân để bảo vệ, nâng cấp đình Phương Cáp bởi nếu chậm trễ thì rất khó để “cứu” một ngôi đình quý, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.



Ông Bùi Đình Mậu, Trưởng câu lạc bộ văn hóa đình Phương Cáp

Đối với mỗi người dân Hiệp Hòa, đình Phương Cáp không chỉ là ngôi đình có kiến trúc độc đáo, nơi thờ tự linh thiêng mà còn là niềm tự hào của người dân ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng gắn với những hình ảnh thân thương về Bác Hồ kính yêu. Tôi nghĩ, kinh phí lớn nhưng quan trọng hơn là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích này. Nếu chúng ta còn chậm trễ, đình sẽ tiếp tục xuống cấp theo thời gian, việc trùng tu tốn kém hơn, thậm chí nhiều hạng mục sẽ không thể khôi phục.

Bà Nguyễn Thị Lý, thôn Đức Hiệp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư

Chúng tôi thấy di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đình Phương Cáp có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng của huyện Vũ Thư nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung nhưng lại bị “bỏ quên” dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành sớm quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, nâng cấp đình.


Quỳnh Lưu