Lễ hội ở một ngôi chùa phức hợp kiến trúc đa dạng nhất Việt Nam
Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể
Quá trình ra đời và tồn tại của lễ hội
Chùa Keo, tên chữ là Thần quang tự, Nghiêm quang tự. Theo sách Quốc sư bảo lục (1898) của Đặng Xuân Bảng, Thiền sư Không Lộ, họ Dương, húy là Minh Nghiêm, người làng Giao Thủy, phủ Hải Thanh, đã xây dựng chùa năm Tân Sửu, niên hiệu Chương thánh Gia khánh thứ ba (1061) đời Lý Thánh Tông. Thiền sư sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) đời Lý Thái Tổ trong một gia đình nối đời làm nghề đánh cá. Khi khôn lớn, Không Lộ lấy nghề chài lưới làm vui. Năm 29 tuổi, ông bỏ nghề đánh cá, theo học đạo thiền. Lúc đầu, ông thụ nghiệp Noãn cư sĩ. Ông thường tụng kinh Đà la ni môn, kết lá làm áo mặc, dùng quả cây làm thức ăn, quên hết các việc phiền não của trần thế. Năm Đinh Dậu, ông đến học Thảo Đường thiền sư, thường được thầy khen cốt cách không phải người thường, sau này tất làm pháp tự, có thể nối dõi được đạo thiền. Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Chương thánh Gia khánh thứ nhất (1059) đời Lý Thánh Tông, Ông đến chùa Hà Trạch, cùng Giác Hải, Đạo Hạnh kết bạn. Giác Hải thường gọi sư là huynh, gọi Đạo Hạnh là trưởng huynh, rồi cùng về tu ở chùa Diên Phúc, phủ Hải Thanh. Càng chuyên tâm nghiên cứu về đạo thiền, phàm tam tàng, ngũ giới, ông đều thâm huyền. Năm Canh Tý, niên hiệu Chương thánh Gia khánh thứ 2 (1060), đời vua Lý Thánh Tông, ông cùng Giác Hải và Đạo Hạnh sang Tây Trúc, được đức Như Lai truyền cho tâm ấn.
Sau khi dựng chùa Nghiêm Quang, pháp thuật của sư Không Lộ ngày càng cao, bay trên không, đi dưới nước, bắt rồng phải hàng, hổ phải phục, muôn nghìn kỳ quái, không ai biết đâu mà lường. Ông thường đi chơi xem phong cảnh khắp nơi, mỗi nơi đến đều là danh lam cả, tiếng tăm của ông lừng lẫy khắp kinh sư. Năm Bính Ngọ (1066) đời vua Lý Thánh Tông, ở điện Liên Mộng (tức điện Tử Cổn), vua đang ngự điện bỗng thấy trên xà nhà có tiếng hai con tắc kè kêu. Vua liền sinh bệnh, thầy thuốc chữa không khỏi. Triều đình sai đem hơn 50 người đi thuyền đến tịnh xá mời sư Không Lộ và sư Giác Hải về kinh sư chữa bệnh cho vua. Sư Không Lộ dùng ba thưng gạo nấu cơm mời quan quân ăn, mọi người đều cười nhưng rồi ăn mãi không hết. Ăn xong, mọi người xuống thuyền, trời đã gần tối. Ông nói nghỉ đến sáng rồi đi cũng chưa muộn. Gà gáy, ông gõ vào thuyền ba cái, một chốc đã đến Đông Tân (nay thuộc Hà Nội), ai cũng lấy làm kinh ngạc. Sau khi chữa khỏi bệnh cho vua, sư Không Lộ được trọng thưởng 1.000 lạng bạc, 500 khoảnh ruộng và được phong là Quốc sư.
Khi trở về chùa, sư cho đúc chuông Nghiêm Quang nặng 3.300 cân. Ngày 3 tháng 6 năm Giáp Tuất, niên hiệu Hội phong thứ 3 (1094) đời Lý Nhân Tông, sư Không Lộ hóa, thọ 79 tuổi. Ngày 10 tháng 8 năm Ất Hợi (1095), sư Giác Hải cùng môn đồ của sư Không Lộ thu xá lỵ, lập tháp ở chùa Nghiêm Quang.
Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hội tường Đại khánh thứ 10 (1119) đời Lý Nhân Tông, vua ban chiếu sửa chùa, quyên hộ tịch 3.000 người phụng sự hương hỏa. Tháng 3 năm Đinh Hợi, niên hiệu Chính long Bảo ứng thứ 5 (1167) đời Lý Anh Tông, vua ban chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang.
Năm Tân Hợi (1611) xảy ra lũ lụt lớn, chùa trôi dạt mất, dân ấp Keo cũ phải dời đi hai nơi. Dân làng Hành Cung chuyển về mạn Đông Nam hữu ngạn sông Hoàng, đời Minh Mệnh (1820-1840) đổi là Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Dân làng Dũng Nhuệ sang tả ngạn sông Hoàng về phía Đông Bắc, đời Tự Đức (1848-1883) đổi thành Dũng Mỹ, đời Thành Thái (1889-1907) đổi là Hành Mỹ, nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Sau cuộc chuyển cư của người ấp Keo, dân Dũng Nhuệ bên tả ngạn tiến hành một cuộc vận động lớn xây dựng lại chùa Thần Quang, tức chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình hiện nay. Chùa Keo, phía trước thờ Phật, phía sau phụng thờ Đức thánh Dương Không Lộ. Hàng năm, dân làng mở hội chùa vào mùa xuân ( mùng 4 Tết Nguyên Đán) và mùa thu ( từ 13, 14, 15 tháng 9 Âm lịch) là lễ trọng lớn nhất trong năm của làng, kỉ niệm 100 ngày ngày mất và ngày sinh của thánh Không Lộ. Hai hội có tính chất khác nhau nên nội dung hội và hình thức cũng khác nhau.
Quy trình thực hành lễ hội
Trước Cách mạng Tháng Tám, làng Keo chia làm 8 giáp: 4 giáp Đông: Đông Nhất, Đông Nhì, Đại Hữu và Vọng Đông; 4 giáp Đoài: Đoài Nhất, Vọng Đoài, Hoàng Quý và Đường Thịnh.
- Chuẩn bị lễ vật
Lễ vật dâng cúng cả trong lễ hội vui xuân và lễ hội tháng Chín đều được dân làng chuẩn bị chu đáo từ trước ngày diễn ra lễ hội, với những sản vật quen thuộc của địa phương như: xôi, rượu, hoa quả, bánh chưng... Tất cả các lễ vật này được người dân lựa chọn công phu, chọn người có uy tín, gia đình đầy đủ, không có bụi, làm ăn thuận lợi để thực hiện công việc làng giao. Lễ vật chuẩn bị xong được dân làng dâng cúng Phật và thánh trong lễ hội.
- Chuẩn bị các hoạt động khác
Lễ hội vui xuân vừa là lễ hội nông nghiệp vừa là lễ hội thi tài gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp vùng sông nước. Trước đây, người dân làng Keo còn chuẩn bị cho các cuộc thi như: thi bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm. Tuy nhiên, các cuộc thi tài này nay không còn thực hành nữa.
Lễ hội mùa thu ngoài tính chất là hội thi tài còn mang đậm tính chất là hội lịch sử, hội văn nghệ.
+ Bầu chủ hội và các đại diện giúp việc:
Từ tiết kỵ Thánh mùng 3 tháng 6, sau khi lễ thánh bằng thứ bánh bột gạo nếp trộn mật nấu cách thủy hai đêm một ngày (tục gọi là bánh bìa), người dân trong xã theo lệ cũ bầu một ông chủ hội. Chủ hội phải là người có uy tín mới đủ tư cách có quyền quyết định mọi việc cho hội. Sau đó, người dân bầu các đại diện cho các làng trong xã để giúp ông chủ hội điều hành mọi việc trong hội.
+ Dựng phướn, kéo cờ:
Ngày 11 tháng 9, dân làng dựng cây phướn ở sân cỏ trước tam quan ngoại. Cây phướn cao hơn 100 thước, tức khoảng trên 40m. Để kéo được lá cờ hội mỗi chiều rộng tới 5m, người dân phải dùng dây kéo bằng 8 cây song.
+ Chuẩn bị của đội rước kiệu:
Cũng trong ngày 11, trai tân khỏe mạnh của làng Keo kéo nhau đến khoảng sân lát đá trước tam quan ngoại để dự cuộc chọn trai vào kiệu. Kết thúc cuộc tuyển trai này, ông chủ hội chọn 42 trai làng khỏe mạnh, thuần thục động tác để rước kiệu, rước nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh (thuyền cò). Người làng Keo gọi việc chọn trai này là “kéo kén”, nghĩa là kéo quân để kén người.
Ngày 12, 42 trai làng được tuyển hôm trước lại dự cuộc kéo kén lần nữa để chọn người rước kiệu thuyền rồng, gồm: 4 người vào đòn chính, 8 người vào đòn gồng (mỗi gồng 2 người), 2 người cầm quạt vả che hai bên kiệu chính. Những người còn lại sẽ rước nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh…
+ Chuẩn bị của đội tế nữ quan và nam quan
Trước lễ hội nhiều tháng, các đội tế nữ quan, nam quan bắt đầu tập luyện theo lệ cũ, tập luyện rất nghiêm túc và hướng dẫn những thành viên mới của đội.
- Tiến trình lễ hội chùa Keo
* Lễ hội vui xuân
Chùa Keo tổ chức lễ hội vui xuân diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng. Trong ngày này, trước đây, ngoài việc nhân dân đến cúng Phật còn tổ chức các trò vui: thi bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm.
- Thi bắt vịt: diễn ra tại ao trước cổng chùa. Tiếng loa vừa dứt, một con vịt được thả xuống ao bơi. Tiếp đó, 8 chàng trai đại diện cho 8 giáp đóng khố, cởi trần, tay cầm cờ đuôi nheo nhảy xuống ao bắt vịt. Trên bờ, tiếng trống thúc liên hồi cùng với tiếng reo hò của người xem. Các chàng trai bơi lội đuổi bắt con vịt khi bơi, khi lặn. Đến khi chàng trai nào bắt được con vịt mà không ướt cờ cầm trên tay thì thắng cuộc và được nhận phần thưởng của làng.
- Thi nấu cơm liên quan đến sự tích thánh Không Lộ và sư Giác Hải, Đạo Hạnh đi lấy kinh, không có lửa nấu cơm. Các ngài thấy có khóm nứa liền chặt lấy, chẻ đôi thanh nứa kéo lửa nấu cơm. Bắt đầu vào cuộc thi, sau ba hồi trống cái, Ông chủ khảo thắp một nén hương, hương vừa bén lửa là các chàng trai của 8 giáp từ điểm xuất phát của giáp mình chạy 4 lượt ao trước cửa chùa, đến lần thứ 4 thì mỗi người cầm một cái lọ xuống ao múc nước rồi chạy đến đích xem ai lấy được đầy lọ nước và về đích trước. Nước này dùng để nấu cơm thi.
Cũng thời gian đó, sau khi nhận gạo nếp, đậu xanh, mật của Ban giám khảo, các giáp liền phân công cho người giáp mình kê kéo lửa (kéo bằng 2 thanh nứa cọ với nhau cùng nắm bùi nhùi), giã bột, siết đỗ và thổi cơm, nấu xôi, làm bánh. Mỗi giáp chỉ có một bếp, trong thời gian cháy xong cây hương, các giáp phải thổi xong xôi, cơm, xong bánh, đặt trên mâm đem vào cúng thánh. Giáp nào xong trước và đồ nấu ngon thì được thưởng tiền.
- Thi ném pháo: Vào cuộc thi, khi người xem đã đứng ổn định quanh sân, ông chủ khảo cho nổi ba hồi trống cái, các giáp lần lượt cử người vào chơi. Người chơi tay cầm quả pháo nhỏ, tay cầm nén hương đang cháy bước vào vòng tròn vạch vôi đã quy định. Khi nghe tiếng trống hiệu, người chơi châm hương vào ngòi pháo và ném quả pháo lên nón pháo trên cột. Nếu ném pháo lọt vào nón pháo đúng lúc pháo nổ sẽ làm cháy lá đề. Lửa sẽ bén vào ngòi, làm nổ dây pháo tép, lan đến 4 quả pháo nhỡ và cuối cùng làm nổ quả pháo to. Cuộc vui có thể chỉ diễn ra với một hoặc hai người đủ cho cả 8 chàng trai của 8 giáp đều được vào dự cuộc. Người thắng cuộc sẽ được thưởng tiền. Theo quan niệm của người dân, người thắng cuộc sẽ được may mắn cả năm. Trò chơi này cũng mang ý nghĩa cầu mưa của cư dân nông nghiệp, cầu mong mùa màng bội thu.
* Lễ hội mùa thu
Thiền sư Không Lộ tịch ngày 3 tháng 6, đến ngày 13 tháng 9 là tuần bách nhật. Vì thế, lễ hội chùa Keo mở từ ngày 13 để kỉ niệm 100 ngày ngày mất của thiền sư, ngày 14 kỉ niệm ngày sinh của ông, ngày 15 là lễ tiết ngày rằm hàng tháng của đạo Phật. Lễ hội mùa thu có sức hấp dẫn, cuốn hút mọi lứa tuổi trong xã và các vùng lân cận tham gia, đúng với câu ca trong dân gian:
Dù cho cha đánh mẹ treo
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.
- Ngày 13 là ngày mở hội, còn gọi là ngày tốt gốc. Mở đầu là cuộc rước, những trai làng đã được lựa chọn cùng dân làng buổi sáng rước nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh ra tam quan ngoại, buổi tối rước vào tòa thiêu hương.
Trước đây, vào chiều 13, hội chùa Keo mở rộng từ khu vực chùa ra tận hai bờ khúc sông Hồng dài khoảng 5 cây số, để tổ chức đua trải.
Mỗi trải từ 8 đến 10 đôi tay chèo, một người chấp hiệu (cầm mõ) và một người lái. Khi bơi, những mái chèo theo nhịp mõ ăn nhịp với tiếng “hò dô” của trai bơi. Vào những ngày hội, mỗi trải, trai bơi đều đóng khố, mặc áo nẹp ngắn không tay và chít khăn đồng màu. Tám trải có 8 màu sắc khăn áo khác nhau để dễ phân biệt. Khi ba hồi chín tiếng trống cái nổi lên, các trải lần lượt đến đậu, để đuôi trải sát tiêu của mình thành một hàng dọc quay đầu về phía trái trước cửa chùa. Trên bờ, người cầm loa truyền lệnh của ông chủ hội nhắc nhở lại luật lệ cuộc đua. Trong tư thế sẵn sàng của các trải, tiếng trống cái nổi lên liên hồi từ phía bờ sông, các trải bắt đầu bơi. Người chấp hiệu đánh mõ, các mái chèo đẩy đều hai bên, người cầm lái dậm chân. Động tác của mọi người ăn nhịp với tiếng mõ và tiếng “hò dô” đẩy trải lướt nhanh trên sông. Họ bơi đến tiêu xa nhất thì vòng về. Từng trải trở về đến tiêu của mình xuất phát được tính là một vòng bơi. Sau ba vòng, các trải không vi phạm luật bơi, về tới tiêu của mình, sẽ được tính giải nhất, nhì, ba theo thời gian bơi ngắn nhất. Các giải trong mỗi ngày đều được thưởng gạo và tiền. Trải nào được giải nhất cả ba ngày bơi, tiếng địa phương gọi là giải cốn, làng sẽ thưởng thêm cho một thúng gạo và ba quan tiền. Trai bơi của 8 giáp ngoài tiền, gạo được thưởng lại có rượu, bánh mừng của các cô gái làng lấy chồng xa. Mỗi ngày trước khi bơi giải, các cô mang quà tặng để trên khay phủ vải điều ra tận bờ sông mừng ông lái và trai bơi. Người chấp hiệu thay mặt cả trải nhận khay quà rồi xướng rõ tên tuổi của người có quà tặng. Dứt lời người chấp hiệu, trai bơi đồng thanh đáp lại bằng hai tiếng “dô hò” kéo dài vang cả khúc sông.
Cũng chiều ngày 13, tại tòa giá roi có cuộc thi thầy đọc. Đây là các thầy cúng có giọng đọc tốt, làm văn hay của các vùng hai bờ hạ lưu sông Hồng đến dự cuộc. Mỗi người vào cuộc phải khăn áo chỉnh tề, thi thử giọng bằng một bài văn chúc tụng thánh tổ hàng năm. Ai có giọng tốt mới được chọn thi chính thức. Vào thi chính thức, người dự thi phải tự sáng tác một hay nhiều bài tùy ý theo sáu chủ đề: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực. Người ta gọi đây là văn lục cúng. Văn được sáng tác bằng văn nôm theo lối trào phúng. Vì thế, người đọc phải có giọng đọc khôi hài, càng mang tính trào phúng bao nhiêu càng gây được tiếng cười cho người xem bấy nhiêu. Những bài được người xem tán thưởng nhiều sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc chấm giải cho cuộc thi.
Kết thúc cuộc thi, ông chủ hội chọn 4 người xuất sắc xếp loại thứ tự và trao giải từ 1 đến 3 quan tiền.
Buổi tối ở hội chùa Keo hương nến thắp lung linh trên đài Phật, trong điện thánh và cả trên chiếc thuyền cò cốc ở mặt áo phía trước chùa. Sau cuộc rước nhang án, long đình, thuyền rồng và tiểu đĩnh về tòa thiêu hương, các cuộc lễ thánh diễn ra, sau đó là thi kèn và thi trống.
Về thi kèn: Người dự thi thổi cùng một loại kèn bát gỗ dài gần một mét. Mỗi người vào dự thi phải qua khảo hạch bằng những bài kèn dạo đầu đã quy định. Ai dài hơi, thổi đúng điệu, không lèo, không vấp, có âm thanh luyến láy hay sẽ được chọn vào thi chính thức. Chủ hội chọn lấy 4 người thổi hay nhất xếp thứ tự thành bốn bậc: chánh, phó, quán thủ và thiêm. Giải thưởng từ 1 đến 3 quan tiền.
Về thi trống: Người dự thi phải sử dụng ba loại trống, trống cơm đeo ngang ngực, trống bản đeo dưới bụng, bên sườn trái kẹp trống bầu; tự chọn một bài trống hay mà mình thuần thục nhất để thi đấu. Một bài trống thi đạt yêu cầu là không lẫn nhịp, không lỡ nhịp, âm thanh từng loại trống phải chuẩn. Khi phối hợp cả hai ba loại trống, thanh âm phải quyện, không bị rã thanh. Bài đạt giải xuất sắc tiếng trống phải thể thiện được tình cảm của người đánh trống. Thi đơn từng người, rồi lại thi kép đánh phối hợp hai người với nhau. Những người đạt giải nhất, nhì, ba đều phải giỏi cả thi đơn và thi kép, giải thưởng từ 1 đến 3 quan tiền.
Nửa đêm ngày 13 còn có tục lễ gốc cây phướn. Người làng Keo thường gọi tục ấy là “long nhan cây phướn”.
Trải qua những thăng trầm của thời gian, dân làng nay không còn tổ chức cuộc đua trải, thi thầy đọc, thi kèn và thi trống nữa.
- Sáng 14, kỷ niệm ngày sinh của thiền sư Không Lộ. Mở đầu là cuộc rước kiệu thánh. Khoảng 3 giờ sáng, ông chấp hiệu đánh ba hồi chín tiếng trống cái, giục những người vào việc rước ăn cơm. Sau đó nửa giờ lại đánh ba hồi ba tiếng trống làm hiệu lệnh đi tắm. Khoảng 4 giờ có một hồi ba tiếng trống cho những người chân kiệu ra bao, nghĩa là đóng khố và quấn bao vải nhồi trấu ngang thắt lưng, trông như một chiếc phao bơi nhỏ. 5 giờ sáng lại đánh trống làm hiệu lệnh thu quân kéo kén tại sân trước cửa chùa. 6 giờ sáng, cuộc rước bắt đầu. Trong chùa, tiếng trống nổi lên. Cuộc rước khởi đầu từ tòa thượng điện ra tam quan ngoài. Đến tối lại rước bài vị thánh vào tòa thiêu hương. Rước ra, rước vào đều theo hình chữ Á khép kín, được gọi là “xuất á, nhập á”.
Đi đầu đoàn rước là đội tập phúc gồm đoàn các vãi già mặc áo nâu, một tay cầm cành phan, một tay cầm dải vải dài hàng chục mét, gọi là cầu rước thánh, trên dải vải chở hoa dâng thánh, miệng tụng kinh niệm Phật.
Theo sau là 8 mục đồng từ 10-12 tuổi, mặc áo vàng, quần xanh, thắt lưng đỏ bỏ mối hai bên, đầu đội khăn đỏ tết thành hai trái đào, tay cầm cờ thần; tượng trưng cho những em bé chăn trâu cắt cỏ được gần gũi Không Lộ khi ông làm nghề chài lưới. Cũng vì sự tích này mà làng Keo chia làm 8 giáp.
Tiếp theo là hai con ngựa, một hồng, một bạch. Mỗi ngựa có 4 người ở 4 góc. Cả 4 người này đầu chít khăn đỏ, mặc áo nẹp xanh nền đỏ, quần trắng, chân quấn xà cạp. Đế chân ngựa được lắp 4 bánh xe nhỏ. Họ nghiêm trang đẩy ngựa đi từ từ. Theo sau là xe chở trống, chiêng với những người phụ trách mặc trang phục giống những người đẩy ngựa.
Đi sau xe trống, chiêng là đội các lão ông cầm bát bửu, nghiêm trang đi thành hai hàng.
Rồi tiếp đến là phường bát âm từ 10-15 nhạc công, các nhạc cụ: đàn nguyệt, nhị, hồ, sáo, kèn, trống, sênh, thanh la…, mặc áo the, quần trắng, nón dứa, vừa đi vừa cử những bài nhạc vui như kim tiền, lưu thủy, hành vân.
Đội múa sênh tiền của các bà với áo dài màu sắc đi sau. Tiếp nối là 4 người đầu chít khăn xanh, quần trắng, áo dài màu vàng, thắt lưng đỏ bỏ mối bên trái khiêng giá tiểu đĩnh. Trên giá đặt hai chiếc thuyền nhỏ sơn son, tượng trưng cho đoạn đời chài lưới của Không Lộ. Sau đó là đội rước chấp kích.
Tiếp theo là đội quân khiêng giá thuyền rồng sơn son thiếp vàng. Đây là chiếc thuyền tượng trưng cho chuyến đi của Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua. Đoàn người rước kiệu thánh là cỗ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng. Trên kiệu đặt bài vị thánh. 12 trai kiệu mình trần, đóng khố bao, đội mũ võ thời cổ, từ vai trái sang sườn bên phải buộc chéo một chiếc khăn vàng to bản. Cả đám rước có 7 người chấp hiệu được chia ra làm hiệu lệnh cho từng đoạn rước. Riêng ông chấp hiệu nội tinh tường luật lệ nhất được phân cộng chỉ huy đoàn trai chân kiệu. Khi kiệu đi dưới ống muống thì 12 chàng trai chân kiệu phải đi quỳ, hai khuỷu tay tì vào hai bên bao cạnh sườn. Mọi động tác phải nhất loạt làm theo hiệu trống của ông chấp hiệu nội để kiệu không bị nghiêng lệch, bài vị thánh lúc nào cũng giữ ở tư thế cân bằng. Đi sau kiệu có một người cầm lọng che nóc kiệu. Hai bên có hai người cầm quạt vải che kín hai bên kiệu. Ở hàng ngoài hai bên kiệu thánh có 8 người tùng giá mặc áo tế màu lam, quần trắng, đầu đội mũ tế, chân đi ủng, hai bàn tay lồng giao nhau trong hai ống tay áo đưa lên vuông góc trước ngực, cung kính đi theo hiệu lệnh. Đi sau kiệu là ông chủ hội, lễ phục màu tía nghiêm trang, đội mũ tế có hoa văn. Ông chủ hội hai bàn tay chắp trước bụng, đi đĩnh đạc từng bước theo quy thức đã định.
Nối tiếp là đội khiêng long đình. Sau là đội khiêng nhang án. Những người này cũng trang phục tề chỉnh như trên. Sau nữa là đội tế nam quan, nữ quan, dân làng và khách thập phương.
Quán xuyến đám rước dài đến hàng trăm mét là hai ông tổng cờ. Một ông mặc áo thụng đỏ, thắt lưng xanh. Một ông mặc áo thụng xanh, thắt lưng đỏ. Cả hai đều đội khăn xếp, quần trắng, đi dọc đoàn rước truyền lệnh.
Đoàn rước đi từ thánh điện ra ngoài tam quan ngoại, quãng đường rước khoảng 500m, vòng qua một bên bờ ao. Buổi sáng khi rước thánh ra thì rước qua mạn đông bờ ao, buổi chiều rước về qua mạn tây bờ ao. Người rước đi theo lối “xuất á nhập á”, nghĩa là đi khuỳnh vuông rồi giật lại như chữ Á.
Xưa kia, khi kiệu thánh rước đến góc bờ ao phía trong bên trái còn xuất hiện 4 người điều khiển 7 hình người tượng trưng làm bằng gỗ. Người thứ nhất điều khiển tượng hình phụ nữ, nét mặt tươi vui hớn hở. Tay tượng được điều khiển bằng dây, dễ dàng giơ lên hạ xuống. Tượng này tượng trưng cho nhân vật bà Chàng, hay còn gọi là bà Cá Rổi. Có tích kể lại rằng: ngày xưa, mỗi khi Không Lộ đi đổ đó về, mang cá đến chợ Viên Quang bán thì lại gặp bà Chàng vui vẻ đến mua. Vì thế, khi tượng bà Chàng xuất hiện, cũng là lúc các tín nữ đi sau kiệu thánh đọc bài kệ:
Chàng ơi ới hỡi Chàng ơi
Tôi mời ban Chàng ở đâu Chàng đến
Ai ngờ Chàng ở bến Chàng lên
Đầu Chàng thì đội cờ vóc
Búi tóc Chàng là búi tóc tiên.
Lúc đó, tượng bà Chàng giơ tay vẫy chào đầy vẻ hân hoan trước kiệu thánh.
Về sự tích bà Chàng, lại có người kể: Ngày xưa, bà Chàng theo Không Lộ lên trời bán cá. Vì quá vui say cảnh thần tiên, bà quên mất đường về. Hôm sau, Không Lộ lại lên trời, bà Chàng trông thấy, vui mừng vẫy tay theo về.
Sau tượng bà Chàng là sáu đầu tượng nam giới đội mũ có hoa văn, do ba người điều khiển. Sáu đầu tượng khi nhô cao, khi hạ thấp trước kiệu thánh tỏ ý chào mừng.
Trong khi tiến hành cuộc rước ở trên bờ, ở dưới ao trước chùa cũng diễn ra cuộc bơi thuyền. Có 8 em nhỏ, độ tuổi 13, 14, mặc áo vàng, đội khăn đỏ tết hình hai trái đào, ngồi thành bốn đôi cân đối, bơi bằng dầm gỗ trên một chiếc thuyền nhỏ, gọi là thuyền cò cốc. Trên thuyền còn có hai người lớn, một người đánh mõ và một người lái, mặc áo vàng, khăn vàng, thắt dây lưng đỏ bỏ mối bên trái. Tám mái dầm bổ xuống nước ăn nhịp với tiếng mõ và tiếng “hò dô” của 8 em nhỏ làm cho chiếc thuyền cò cốc lướt nhẹ trên mặt nước quanh ao. Thuyền bơi có tính chất biểu diễn để thờ thánh.
Ngày xưa, trong chiều 14, làng Keo còn thực hiện nghi lễ chầu thánh mang tính văn nghệ ở trong chùa. Đó là điệu múa múa ếch vồ.
12 người hàng đội (chân kiệu chính) y phục như khi rước kiệu, xếp thành hai hàng dọc ở gian giữa, quay mặt vào phía thượng điện. Ông chấp hiệu nội gõ chiếc trống con trên tay làm hiệu lệnh chỉ huy. Sau hồi trống dạo đầu, hai hàng đội đứng tề chỉnh. Ông chấp hiệu nội gõ một tiếng trống, 12 người kiệu để hai tay trước ngực, hai đầu bàn chân xoay chếch về hai phía, hai gót chân chụm lại đội lấy mông. Ông chấp hiệu nội gõ tiếng trống tiếp theo, hai hàng đội vung mạnh hai tay về phía trái, cho toàn thân bật dậy trở về tư thế ban đầu. Động tác này được làm 5 lần. Đây là hình thức lễ thánh của 12 trai chân kiệu đã được cách điệu như một điệu múa.
- Ngày 15, mọi nghi thức được tiến hành tương tự như ngày 14. Tuy nhiên, cuộc lễ thánh của 12 trai chân kiệu được tổ chức bằng một lễ chèo cạn chầu thánh vào ban đêm sau khi đã rước kiệu thánh hoàn cung. Đây là cuộc lễ để kết thúc ba ngày hội chùa Keo.
Lễ hội mùa thu ở chùa Keo qua những nghi lễ kỷ niệm về một vị thánh đã phản ánh nhiều tình tiết của sự tích sư Không Lộ.
Ngoài hai lễ hội lớn, chùa Keo hàng năm còn thực hiện các lệ sau:
- Lễ ngày Đinh tháng 2 Âm lịch: đến tháng 2, người dân chọn từ mùng 1 đến mùng 10 lấy ngày Đinh làm ngày sửa lễ tế trà đức thánh. Trong ngày này chỉ làm một thứ trà gọi là trà lục vị để cúng. Trà được nấu bằng 6 vị thuốc bắc: đinh hương, hồi hường, quế chi, bạch đàn, tầm hương, cam thảo. Khi tế cúng theo nghi tiết như những cuộc tế ở các đình chùa khác, có đọc chúc và hiến trà, không hiến tửu.
- Lệ mùng 3 tháng 6: Đây là ngày tịch của thiền sư Không Lộ. Hằng năm, cứ đến ngày này, người dân làng Keo bầu 1 hội chủ và các đại diện trong xã vào chùa lễ. Nghi lễ gồm đọc sớ và khấn. Lễ vật là bánh làm bằng bột gạo nếp trộn với mật và nấu cách thủy trong nồi chuyên nấu bánh cúng trong khoảng 2 đêm một ngày.
- Ngoài các sự lệ trên, ở chùa Keo còn có một sự lệ đặc biệt: sự lệ trang hoàng thánh tượng, 12 năm mới có một lần. Các chi tiết thực hiện sự lệ này được ghi chép lại cẩn thận. Vào năm tổ chức sự lệ này, từ tiết kỵ thánh đến 15 tháng 8, dân làng chọn ngày để trang hoàng tượng thánh. Làng bầu ra một người làm hội chủ và 4 viên chấp sự. Khi bầu xong cử người vào xin âm dương, thánh có nhận thì mới được, nếu không phải bầu lại.
Hội chủ và chấp sự phải ăn chay trước đó 10 ngày và tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo mới và xin thỉnh phụng nghinh vào một ngày nào đó. Sau khi xin âm dương được chấp thuận, các chấp sự phải quét dọn điện thờ, lấy màn tầu che kín trên dưới điện thờ, kê bàn ghế, dán giấy kín các khe hở và đốt đèn nến, v.v… Sau đó, rước thánh tượng từ cấm cung ra, lấy nước chế từ nước dừa và hạt bưởi để tắm và tô son lại cho tượng thánh. Những việc làm này được tiến hành rất nghiêm trang, cẩn mật theo trình tự được chép thành quy chế cụ thể. Nhân dân làng Keo coi việc trang hoàng thánh tượng là công việc quan trọng, là dịp duy nhất những người chấp sự được biết thánh tượng và những đồ tế khí trong cấm cung. Sau khi trang hoàng thánh tượng xong, những người này không được tiết lộ những gì đã nhìn thấy trong khi làm việc.
- Làm lễ phục y: Ngày 15 tháng 8, sau khi tượng thánh được trang hoàng, ông chủ hội và 8 người đại diện vào lễ Phật, lễ thánh. Mỗi năm một lần còn có tục làm lễ phục y, thay áo cho tượng. Người dân đặt mua tới 100 vuông lụa để may xiêm áo cho tượng. Từ 15 tháng 8 đến mùng 10 tháng 9, dân làng chọn ngày tốt làm lễ thay áo cho tượng. Xiêm áo cũ của tượng làm lộc phát cho dân trong làng.
Không gian văn hóa liên quan đến lễ hội Chùa Keo
Lễ hội chùa Keo được diễn ra tại di tích chùa Keo, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962, Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.
Chùa Keo với tổng diện tích 41.561,9m2.
Chùa hiện gồm 12 tòa, 102 gian là các công trình kiến trúc chính của chùa và 4 tòa 14 gian là các công trình phụ trợ mới được tôn tạo xây dựng. Công trình kiến trúc chính của chùa Keo bao gồm: Tam quan ngoại (3 gian); Tam quan nội (3 gian); chùa Phật (3 tòa): tòa ông Hộ (7 gian), tòa ống muống (3 gian), tòa tam bảo (3 gian); đền thánh (4 tòa): tòa giá roi (5 gian), tòa thiêu hương (5 gian), tòa hậu cung (3 gian), tòa thượng điện (3 gian); gác chuông (1 gian); hành lang đông (33 gian); hành lang tây (33 gian). Như vậy, chùa Keo có tổng cộng 16 tòa 116 gian.
Bao quanh phía ngoài khu vực nội tự là ba hồ nước lớn: hồ nước phía Nam trước Tam quan nội và sau Tam quan ngoại, hồ nước phía sau dãy hành lang Đông, hồ nước phía sau dãy hành lang Tây.
Các sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại của lễ hội chùa Keo
- Trong quá trình chuẩn bị và thực hành lễ hội chùa Keo, những người tổ chức và người dân tham gia lễ hội đã tạo ra nhiều sản phẩm vật chất như: lễ vật, hệ thống đạo cụ, dụng cụ sử dụng trong lễ hội: kiệu, thuyền rồng, thuyền cò, bát bửu, chấp kích, trải…, y phục của người tham gia đoàn rước.
- Đến với lễ hội, cộng đồng chủ thể văn hóa và du khách thập phương được thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cầu mong sức khỏe, tài lộc và may mắn cả năm.
Giá trị của lễ hội chùa Keo
- Lễ hội chùa Keo với sự tích về thiền sư Không Lộ phản ánh một thời kỳ phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Những chi tiết mang tính huyền thoại về ông mang màu sắc đạo giáo, thể hiện việc nhà tu hành đạo Phật đã sử dụng những pháp thuật của đạo giáo để gây uy tín và tuyên truyền cho đạo Phật.
- Lễ hội này thể hiện sự suy tôn của cộng đồng đối với thánh Không Lộ, hình tượng mà người dân cho là người khổng lồ, gắn với thần linh, có quyền năng to lớn cứu giúp mùa màng cho cư dân nông nghiệp vùng đồng mùa.
- Lễ hội chùa Keo có giá trị tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong làng xã, giữa các thôn xóm, gia đình… trong các hoạt động nói chung của lễ hội. Đây chính là chất kết dính của các thế hệ trong cộng đồng, cùng nhau chia sẻ, hưởng thụ và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là môi trường bảo tồn, lưu truyền văn hóa truyền thống và là biểu tượng của sự cố kết cộng đồng.
- Lễ hội chùa Keo cũng là nơi cư dân nơi đây nói riêng và khách thập phương gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là một trong những môi trường tồn tại, nuôi dưỡng và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của người dân thông qua việc thờ Phật, thờ thánh Không Lộ - nhân vật được huyền thoại hóa thành vị thần bảo hộ, che chở cho làng, được thánh hóa để trở thành vị thánh quyền năng của cư dân nông nghiệp.
- Lễ hội chùa Keo là môi trường thỏa mãn các nhu cầu tín ngưỡng và vui chơi lành mạnh của người dân.
Vai trò của di sản đối với đời sống cộng đồng
Lễ hội chùa Keo có một ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của người dân nơi đây nói riêng và người dân các vùng lân cận nói chung . Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Mọi người đến với lễ hội đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với mình, gia đình và cộng đồng làng xóm. Mỗi nghi lễ, diễn xướng liên quan của lễ hội đem đến những giá trị tinh thần tích cực cho bản thân mỗi người dân trước những khó khăn của cuộc sống.
Lễ hội là một tài sản chung của cộng đồng, một lễ hội tiêu biểu của người dân xã Duy Nhất nói riêng và Thái Bình nói chung. Cộng đồng chủ thể di sản ai cũng mong muốn được tham gia vào việc tổ chức và thực hành lễ hội một cách tự nguyện và đều cảm thấy hứng khởi, vui vẻ và đầy nhiệt huyết khi được tham gia sinh hoạt chung này của cộng đồng.
Hiện nay, cùng với di tích chùa Keo, lễ hội chùa Keo trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách đến với Thái Bình. Lễ hội chùa Keo góp phần phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế của địa phương: dịch vụ du lịch gia tăng, tạo việc làm cho nhiều gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là nâng cao đời sống cộng đồng cư dân xã Duy Nhất.
Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể
Giữ được lệ từ xưa đến nay, lễ hội chùa Keo vẫn được tổ chức xuân thu nhị kỳ với lễ trọng vào mùa thu, thu hút sự đóng góp về công sức và vật chất của cộng đồng chủ thể nắm giữ lễ hội cũng như của khách thập phương.
Tuy nhiên, lễ hội chùa Keo hiện nay không còn thực hành các cuộc thi tài trong lễ hội vui xuân, thi thày đọc, thi bơi trải, thi trống, thi kèn, múa ếch vồ.
Các biện pháp bảo vệ
Lễ hội chùa Keo đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng không thể thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về đời sống tinh thần, đời sống tâm linh. Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, các cơ quan, đơn vị của tỉnh Thái Bình đã thực hiện những hoạt động cụ thể:
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh Thái Bình đã phân cấp, giao huyện Vũ Thư lập Ban Quản lý di tích để quản lý và bảo vệ, phát huy giá trị di tích, lễ hội, có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, quản lý tốt các dịch vụ và cảnh quan môi trường, không gian tổ chức lễ hội, tuyệt đối không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, chặt chém khách tham quan.
- Quy trình thực hành lễ hội và các nghi thức liên quan trong lễ hội được cộng đồng tổ chức và thực hiện gần nhất với nghi lễ truyền thống do các thế hệ trước truyền lại.
- Không gian tổ chức lễ hội là di tích quốc gia đặc biệt nên đã được trùng tu tôn tạo, tái hiện lại không gian hoàn chỉnh của lễ hội, góp phần thu hút khách du lịch và bảo tồn lễ hội một cách bền vững.
- Duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội chùa Keo, tuyên truyền, giới thiệu về lễ hội bằng nhiều hình thức khác nhau. Quảng bá về giá trị văn hóa của lễ hội bằng các sản phẩm lưu niệm đặc thù chỉ có ở chùa Keo.
------------
Danh mục tài liệu có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể
1. Chùa Keo, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thái Bình, 1985.
2. Lễ hội Việt Nam, Lê Trung Vũ – Lê Hồng Lý, NXB Văn hóa Thông tin, 2000.
3. Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia Chùa Keo, lưu trữ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, 1962.
4. Hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo, 2012.
Lê Thanh Thưởng
Tin cùng chuyên mục
- Tổ chức Y tế thế giới thông tin về bệnh do virus gây viêm phổi ở Trung Quốc 08.01.2025 | 11:00 AM
- Ghé thăm hòn đảo thơ mộng nhất xứ sở kim chi 08.01.2025 | 11:00 AM
- Số phận của Son Heung-min tại Tottenham được định đoạt 08.01.2025 | 11:01 AM
- Madam Pang: Hỗ trợ Xuân Son và loạt hành động đẹp gây tiếng thơm 08.01.2025 | 11:01 AM
- Các phong trào của sinh viên Việt Nam tại Nga nỗ lực quảng bá hình ảnh đất nước 08.01.2025 | 11:01 AM
- Hàn Quốc hướng tới tương lai ổn định 08.01.2025 | 11:02 AM
- Ấn Độ cứu nạn người mắc kẹt trong mỏ than ngập nước 08.01.2025 | 11:02 AM
- Kiến Xương: Bảo đảm an ninh trật tự dịp cuối năm 08.01.2025 | 09:42 AM
- Sẵn sàng lấy nước đợt 1 gieo cấy vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ 08.01.2025 | 09:42 AM
- Nỗ lực chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam 08.01.2025 | 09:43 AM
Xem tin theo ngày
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024