Thứ 7, 23/11/2024, 00:21[GMT+7]

Những phụ nữ “giữ lửa” nghề truyền thống

Thứ 4, 25/10/2017 | 08:35:15
1,160 lượt xem
Người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ huyện Tiền Hải nói riêng, họ là những người mẹ không chỉ nuôi dạy con tốt, xây dựng hạnh phúc gia đình mà còn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực góp sức cho phong trào phụ nữ địa phương trong phát triển kinh tế làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Cơ sở chế biến nước mắm của gia đình chị Bùi Thị Tuyết.

Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Tây An (xã Tây An) là một trong những doanh nghiệp tư nhân đã thành công mang sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề của huyện Tiền Hải có mặt tại khắp các thị trường trong và ngoài nước và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định. Để sản phẩm làng nghề truyền thống có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, khách hàng tin dùng đó là thành công lớn đối với chủ doanh nghiệp - bà Phạm Thị Ngắn, người đã luôn tâm huyết với nghề truyền thống của địa phương. 

Bà Ngắn cho biết: Khi mới thành lập doanh nghiệp cũng như các doanh nghiệp ở địa phương gặp không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Đặc biệt, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ khi mới khởi nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc xây dựng uy tín trước đối tác. Mặc dù có những ý tưởng kinh doanh tốt nhưng do tuổi đời và kinh nghiệm chưa nhiều, khả năng tìm đối tác còn hạn chế do vậy rất khó mở rộng thị trường. Tuy nhiên, nhiều năm qua doanh nghiệp chúng tôi đã có những bước đi vững chắc, xây dựng giải pháp kinh doanh với phương châm lấy chất lượng, uy tín làm đầu và giá thành hợp lý nên sản phẩm như mũ, làn, móc hộp… được khách hàng ưa chuộng. Hiện nay sản phẩm của doanh nghiệp đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật và các nước châu Âu, doanh thu năm 2016 đạt khoảng 40 tỷ đồng. 

Để duy trì, nâng cao hiệu quả kinh doanh, hàng năm, doanh nghiệp Tây An đã đầu tư từ 500 - 700 triệu đồng mở các lớp đào tạo nghề, thay đổi mẫu mã góp phần đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của huyện Tiền Hải có được uy tín, chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động nữ địa phương. Ngoài ra, doanh nghiệp thường xuyên liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mở lớp dạy nghề móc hộp, đan mũ cói và nghề mây tre đan… cho hội viên ở các xã, thị trấn. Sau các khóa dạy nghề, những lao động có tay nghề cao, muốn phát triển nghề thủ công sẽ được doanh nghiệp tạo điều kiện mở tổ hợp để phát triển sản xuất.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Tây An.

Dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn, vui vẻ nói cười, hòa đồng với mọi người, đó là ấn tượng ban đầu khi tiếp xúc với chị Bùi Thị Tuyết - chủ cơ sở nước mắm Đoán Tuyết ở xã Nam Hải. 

Muốn đưa nước mắm Nam Hải đến với bữa cơm hàng ngày của gia đình người Việt - đó là lời chia sẻ tâm huyết của chị Tuyết khi muốn xây dựng thương hiệu nước mắm của xã Nam Hải vươn xa trên khắp các tỉnh, thành. 

Dù già hay trẻ, những người phụ nữ như chị Tuyết đều là những người luôn mang trong mình lòng yêu nghề và cùng chung hy vọng giữ lại nét đặc sắc và phát triển cho làng nghề truyền thống của địa phương. Nghề làm nước mắm ở Nam Hải có từ rất lâu, được sản xuất theo phương thức cổ truyền, có bản sắc riêng không lẫn đi đâu được. 

Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, gia đình chị Tuyết là một trong số ít cơ sở giữ vững nghề truyền thống và phát triển mở rộng sản xuất. Cơ sở sản xuất nước mắm của chị Tuyết một năm cung cấp cho thị trường trên 40.000 lít nước mắm. Giá nước mắm dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/lít, luôn được khách hàng tin dùng.

Về thôn Hướng Tân (xã Nam Hà), đến thăm tổ hợp sản xuất nón lá của gia đình chị Trịnh Thị Mến, chúng tôi chứng kiến chị em quây quần bên nhau khâu nón. Với đôi bàn tay khéo léo thoăn thoắt trong từng đường kim mũi chỉ để hoàn thiện những chiếc nón lá đã đi vào ca dao, tục ngữ của người Việt. 

Chị Mến chia sẻ: Nghề làm nón lá ở Nam Hà có từ rất lâu, được các cụ truyền lại cho con gái từ đời này qua đời khác. Để làm ra được chiếc nón, phải trải qua khá nhiều công đoạn như xở lá, là lá, vào vành, lên nón, vào mo, lợp lá ngoài, xổ nhôi… Tất cả các công đoạn đều được bàn tay của các chị em phụ nữ làm cẩn thận không bỏ qua bước nào. Tổ hợp của gia đình chị Mến tạo việc làm cho hơn 30 lao động với thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi tháng bán ra thị trường 300 chiếc nón, giá mỗi chiếc từ 45.000 - 50.000 đồng. 

Tổ hợp của chị Mến tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động phổ thông ở địa phương lúc nông nhàn, góp phần đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương.

 Mạnh Thắng