Thứ 6, 22/11/2024, 20:29[GMT+7]

Tìm nguồn sáng nơi bóng tối

Thứ 5, 26/10/2017 | 08:26:40
3,717 lượt xem
Khi cuộc sống bủa vây trong bóng tối, nhiều người khiếm thị vẫn nỗ lực đi tìm nguồn sáng cho cuộc đời dù biết rằng hành trình phía trước sẽ có nhiều gian nan, vất ...

Anh Đặng Đức Đạt sử dụng máy tính trong công việc thường ngày.

Bị teo dây thần kinh thị lực khiến đôi mắt của ông Nguyễn Văn Nam, xã Hòa Bình (Kiến Xương) không còn nhìn thấy ánh sáng. Những tháng ngày sau đó, cuộc sống của ông rơi vào bế tắc. Sau hơn một năm ở nhà, ông quyết định tham gia Hội Người mù huyện Kiến Xương và được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. 

Với số vốn vay, ông đầu tư mua 2 con bê cái. Nhờ cần cù, chịu khó chăm sóc, ông đã phát triển đàn bò của gia đình lên 5 con. Mỗi năm trừ chi phí, 5 con bò sinh sản cũng giúp ông thu về khoảng 60 triệu đồng. Từ cuộc sống nghèo khó, đến nay ông đã xây được ngôi nhà mái bằng kiên cố, khang trang, nuôi dạy 4 người con trưởng thành và tích góp được tiền tiết kiệm phòng khi đau ốm. 

Ông Nam chia sẻ: Nếu không chăn nuôi bò, cuộc sống của gia đình tôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn. So với nhiều vật nuôi khác, nuôi bò đỡ vất vả hơn. Song với người khiếm thị thì nuôi bò cũng không hề đơn giản. Những lúc bò phá dây buộc, bỏ chạy, tôi cùng vợ phải vất vả tìm kiếm khắp nơi, chưa kể vào ngày mưa gió vẫn phải đi cắt cỏ cho bò. Vất vả là vậy nhưng nhờ nuôi bò đã giúp cuộc sống của gia đình tôi thoát khỏi nghèo khó. 

Ông Nam trở thành tấm gương cho nhiều người khiếm thị về tinh thần vượt khó, hăng say lao động sản xuất.

Làm chủ cuộc sống của mình, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn tạo việc làm cho nhiều người khiếm thị khác, đó là việc chị Nguyễn Thị Hạ, chủ cơ sở tẩm quất Bích Hạ, xã Tây Sơn (Tiền Hải) đã làm gần 11 năm qua. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay chị Hạ đã là chủ cơ sở tẩm quất với tổng doanh thu 250 triệu đồng/năm. Hàng năm chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động khiếm thị khác có mức thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Hạ chia sẻ: Tôi từng chăn nuôi, làm tăm tre, bán chổi song có lẽ công việc phù hợp nhất là tẩm quất. Sau 3 năm học tẩm quất và làm dịch vụ ở nhiều cơ sở, tôi quyết định mở cơ sở tẩm quất cho riêng mình. Là phụ nữ, lại bị khiếm thị nên quá trình khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng tôi vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. Hiện nay, cơ sở của chị Hạ phải cạnh tranh với khoảng 10 cơ sở tẩm quất trên địa bàn thị trấn Tiền Hải song do có uy tín, tạo được niềm tin nên vẫn đông khách. Trung bình có 12 - 15 khách/ngày. 

Nhờ dịch vụ tẩm quất, cuộc sống của chị Hạ đã đổi thay, chị cũng đã xây dựng được ngôi nhà khang trang. Ghi nhận nỗ lực của chị, các cấp chính quyền và hội người mù đã trao tặng nhiều giấy khen trong thời gian qua.

Không chỉ thành công trong lao động sản xuất, người khiếm thị hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ thông tin nếu có niềm đam mê và sự kiên trì học tập. Để có thể khai thác hiệu quả những ứng dụng mà công nghệ thông tin mang lại, anh Đặng Đức Đạt, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Kiến Xương đã nỗ lực mày mò học tập. Tuy nhiên, với người khiếm thị như anh, để có thể sử dụng được máy tính không hề đơn giản. Bởi không nhìn thấy ánh sáng, anh Đạt bắt buộc phải ghi nhớ các thứ tự trên bàn phím. Trải qua khóa đào tạo ngắn hạn tại Hội Người mù tỉnh và quá trình tự học, anh đã có thể sử dụng thành thạo máy tính, từ đó áp dụng vào công việc tại Hội Người mù huyện. 

Anh Đạt chia sẻ: Bước đầu làm quen với máy tính, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã sử dụng một số phần mềm hỗ trợ như jaws, sao mai voice song đa phần các thuật ngữ bằng tiếng Anh nên người khiếm thị buộc phải học để hiểu phần mềm, giao diện. Khi đã có kiến thức cơ bản, việc áp dụng tin học vào công việc mang lại rất nhiều thuận tiện cho người khiếm thị. Hiện nay tôi đã sử dụng tin học để soạn thảo văn bản; lưu trữ công văn; tải văn bản, tài liệu; thực hiện việc thu, chi, mua sắm vật liệu; quản lý cơ sở sản xuất, dịch vụ của Hội. Ngoài ra, tin học còn giúp tôi nắm bắt thông tin trong và ngoài nước, mở rộng giao lưu với bạn bè từ các trang mạng xã hội, từ đó bớt tự ti, sống tốt hơn. 

Sẵn sàng chia sẻ kiến thức với những người đồng cảnh ngộ, thời gian qua, anh Đạt đã giúp nhiều người khiếm thị biết được một số kỹ năng cơ bản trong tin học để họ có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Đi tìm nguồn sáng cho cuộc đời, những người khiếm thị đã chạm tới ước mơ của mình bằng sự kiên trì và những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Hoàng Anh