Thứ 4, 24/07/2024, 11:24[GMT+7]

Trinh giang vĩ vũ

Thứ 2, 30/10/2017 | 08:07:53
2,713 lượt xem
Trang An Cố (nay là xã Thụy An, huyện Thái Thụy) được miêu tả trong thần tích đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) là quê mẹ của Vĩnh Công Bát Hải. Sự tương đồng về tên gọi, sự tích, địa điểm trong thần tích đã xác thực Nam Hải Đại Vương được thờ tại đình và đền An Cố chính là Vĩnh Công Bát Hải Động Đình ở đền Đồng Bằng. Vĩnh Công Bát Hải là Phạm Hải - một tướng công tài giỏi của An Dương Vương mà dòng họ Phạm ghi nhận ông là người họ Phạm đầu tiên được ghi công, thờ phụng trong dân gian.

Đình An Cố.

Trong dân gian còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về sự hình thành đất đai cương vực của Thái Bình và khẳng định đất Thái Bình có từ thời vua Hùng dựng nước. Bằng chứng là trong bản thần tích đền Đồng Bằng có ghi: “Trên bờ sông Vĩnh thuộc Đào Hoa Trang, Trấn Sơn Nam, Quận Giao Chỉ có hai vợ chồng ông Phạm Túc và bà Trần Thị là người Trang An Cố (nay là xã Thụy An, huyện Thái Thụy) đã lớn tuổi, sống phúc hậu mà không có con. Một lần, họ ngược dòng đánh cá đến Đào Hoa Trang và tình cờ gặp cô gái nhỏ bên sông Vĩnh. Ông bà đón cô gái về nuôi tại An Cố, đặt tên là Quý Nương. Mấy năm sau, khi tròn 18 tuổi, Quý Nương rất xinh đẹp, đoan trang. Tiếp đó, Quý Nương sinh ra một bọc trứng, nở ra 3 con hoàng xà. Con hoàng xà lớn sau trở thành Vĩnh Công giúp vua Hùng đánh giặc Thục. Vĩnh Công được tôn là Vua cha Bát Hải Động Đình, đứng đầu Thoải phủ. Còn hai con hoàng xà em được tập hợp trong trận chiến với quân Thục, trở thành hai vị quan lớn dưới trướng Vĩnh Công”.

Hiện ở làng An Cố, xã Thụy An, huyện Thái Thụy, ngoài ngôi đình An Cố cổ kính còn có đền An Cố cùng thờ một vị nhân thần là Nam Hải Đại Vương Phạm Hải. Vị nhân thần này có cha là Phạm Xuyến, tên gọi Hải Công. Các thần tích, bia ký, câu đối, đại tự ở đình, đền An Cố đều ghi công Phạm Hải đã giúp vua Hùng đánh quân Thục, xây dựng xóm làng ở miền ven biển rồi một ngày ngài hóa bên bờ biển An Cố. Đôi vế đối bằng chữ Hán ở đền An Cố còn ghi:

Tiễu Thục khấu, cố hoàng đồ, Hùng Lạc sơn hà dư chính khí

Nhị thiên tai, an ấp vũ, Thái Bình thảo mộc hữu thuần phong.

Dịch là:

Trừ giặc Thục, vững hoàng đồ, non nước Lạc Hùng bao chính khí

Ngăn thiên tai, yên thôn ấp, cây cỏ Thái Bình đậm thuần phong.

Nhìn vào cách bài trí thờ tự ở đền An Cố thấy trong cung cấm thờ Nam Hải Đại Vương, gian ngoài cấm cung phối thờ bốn vị là: Quan đệ nhất, Quan đệ nhị, Quan tuần phủ và Quan thần sát. Đây là chỉ dẫn trực tiếp cho thấy Phạm Hải liên quan tới ngũ vị tôn quan của Tứ phủ. Ngũ vị tôn quan hợp thành Ban công đồng, trong đó có Quan đệ nhất thượng thiên, Quan đệ nhị giám sát, Quan đệ tam thoải phủ, Quan đệ tứ khâm sai, Quan đệ ngũ tuần tranh. Nam Hải Đại Vương Phạm Hải đứng đầu Ban công đồng điều đó chứng minh còn ai khác ngoài Vua cha Bát Hải Động Đình cũng là vua cha của các vị quan lớn Tứ phủ.

Cũng theo các tài liệu điền dã, làng An Cố, xã Thụy An, huyện Thái Thụy rất có thể là nơi an nghỉ của vị thánh Cả (chữ Cả đọc chệch thành chữ Cổ sau rồi thành Cố), theo dân gian đó là nơi Vua cha Bát Hải đã hóa. Đền An Cố còn đôi câu đối:

Hùng Lạc sơn hà thành vạn cổ

Đô đài sự nghiệp định thiên thu.

Dịch là:

Núi sông Lạc Hồng thành vạn cổ

Sự nghiệp đô đài định ngàn thu.

Ngày nay, ở lễ hội đền Đồng Bằng, khi hành lễ, các cung văn vẫn hát chầu Quan đệ tam bắt đầu bằng một câu:

Trinh giang biên doành ngân lai láng

Đôi vầng hồng soi rạng Nam minh

Con vua thủy quốc Động Đình

Đệ tam hoàng tử giáng sinh đền rồng.

“Trinh giang” là đọc lệch của sông Vĩnh, con sông giáng sinh Vĩnh Công Bát Hải chảy qua trước đền Đồng Bằng. Còn “Nam minh” đọc chệch của Động Đình, là biển Nam hay còn gọi là biển Đông. Dân gian truyền lại rằng: Vua Hùng thứ 18 không có con trai nối dõi nên buồn bã, đau yếu khiến cho trăm quan triều đình lo lắng. Lúc ấy, nhiều thế lực trong nội bộ Bách Việt muốn nhòm ngó ngai vàng Lạc Việt. Thục Vương, phụ thân của Thục Phán cũng mưu toan chiếm ngôi. Chuyện kể rằng: Khi Mỵ Nương đến tuổi lấy chồng, nhan sắc tuyệt vời, phong tư đoan chính, Thục Vương mê lắm, rất muốn cưới về làm thiếp. Vua Hùng cũng có ý ưng thuận nhưng các Lạc tướng ra sức khuyên can, Vua Hùng liền gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh. Thục Vương uất giận quyết thôn tính bằng được Lạc Việt. Nhân Vua Hùng già yếu, các thế lực ngoại bang tìm cách xâm lấn nhằm thôn tính Lạc Việt. Rồi tin giặc dữ cũng truyền về kinh đô khiến Vua Hùng rất lo lắng liền cho người đi mời Sơn Tinh về kinh hiến kế phá giặc. Sơn Tinh tâu rằng: Trời đã “đa giáng anh tài” xuống làm dân đất Việt, để mà hộ quốc cứu dân đó thôi!”. Vua Hùng hỏi, Sơn Tinh thưa: “Đó là Long cung hoàng thái tử đã thác sinh, đang náu ở Hoa Đào Trang, thuộc Sơn Nam Hạ (sau là trang Đào Động, xã An Lễ). Bệ hạ nên cử Long cung hoàng thái tử trấn giữ và đánh giặc tại các “giang môn, yếu hải” còn thần nguyện đích thân tiên phong cự địch tại các cánh đường bộ. Thần đồ rằng chỉ vài hôm là giặc tan”. Vua Hùng nghe nói cả mừng, lập tức lệnh lập đàn cầu trời ứng trợ, tuần hương vừa tàn thì Thánh Y Tiên Ông lai giáng, mách Vua cho người về Hoa Đào Trang mà triệu, sẽ có dị nhân đánh tan giặc. Vua Hùng cả mừng, sai sứ giả về Hoa Đào Trang để truyền chỉ dụ triệu kỳ nhân dẹp giặc. Khi sứ giả về hỏi, dân Hoa Đào Trang kể về việc Giao Long ẩn thân trong giếng cạn, sứ giả đến bên giếng xướng truyền sắc chỉ thì thấy hoàng xà hiện ra rồi bỗng hóa thành một chàng trai lực lưỡng, tuấn tú hơn người. Ngài nhận chỉ dụ, nhờ sứ giả báo với Vua Hùng là sẽ triệu hai em, tuyển 10 tướng, chiêu mộ binh sĩ trong 10 ngày rồi xuất quân đánh giặc trên cả 8 cửa biển nước Nam, hứa sau 3 ngày là giặc tan. Vua Hùng liền phong người này là Vĩnh Công Đại Vương. Vĩnh Công lập đàn cầu trời điều Tam thái tử xuống đầu quân, tương truyền nghe thấy tiếng sét dữ dội tại đó rồi một luồng hào quang bay về nơi Vĩnh Công tuyển tướng, tụ thành chàng trai tuấn tú xin ứng tuyển, đó chính là Quan Điều Thất. Sau khi chọn được Quan Điều Thất, đủ số 10 tướng, Vĩnh Công còn chọn được mưu sĩ tài ba, quê ở Nuồi (Hải Dương nay) làm quân sư. Vĩnh Công còn chọn được 28 vị nội tướng tài ba. Lúc ấy, hai mũi tấn công của giặc phương Bắc chủ yếu bằng đường thủy nhằm vào cửa sông Cái (sông Hồng) và cửa sông Bạch Đằng. Vĩnh Công cùng Quan đệ nhất chặn giặc ở cửa sông Cái, Quan đệ tam cùng quân sư quê ở Nuồi và Quan đệ ngũ chặn giặc tại cửa sông Bạch Đằng, Quan Điều Thất phụ trách ứng chiến và phối hợp tác chiến cùng các cánh quân chặn giặc đường bộ của Sơn Thánh, các vị quan lớn khác đều được phân công đánh giặc trên 6 cửa biển khác của nước Nam. Đúng hẹn 3 ngày, Vĩnh Công cùng tướng sĩ đánh tan giặc dữ trên cả 8 cửa biển. Đất nước trở lại thanh bình, Vua Hùng triệu Vĩnh Công về triều, phong là Vĩnh Công nhạc phủ thượng đẳng thần, lại có ý muốn lưu ở kinh đô giúp việc triều chính nhưng Vĩnh Công xin cáo quan về quê vui việc nông tang giúp Vua Hùng giữ yên cửa biển.

Làng An Cố, xã Thụy An, huyện Thái Thụy nằm ở phía Đông Bắc của huyện Thái Thụy. Thời vương triều phong kiến, An Cố từng là địa danh giúp quân dân nhà Trần đánh tan giặc Nguyên - Mông. Cuối thế kỷ XVIII, phong trào Cần Vương phát triển mạnh, nhiều người con của An Cố đã tham gia nghĩa binh, có công lao trong các cuộc kháng chiến nên các dòng họ trong đó có họ Phạm ở làng An Cố đã bình công, luận thưởng xứng đáng. Trước khi Đảng ra đời, năm 1928, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã được thành lập tại đình An Cố. Năm 1941, cũng tại đây, tổ chức Nông hội đỏ cứu quốc được thành lập, lúc đầu có 16 hội viên làm nòng cốt và cơ sở thành lập chi bộ đảng lãnh đạo phong trào quần chúng ở An Cố nói riêng, xã Thụy An nói chung đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành chính quyền ngày 20/8/1945.

Quang Viện