Thứ 6, 22/11/2024, 22:25[GMT+7]

Bức tranh giữa đời thường

Thứ 2, 30/10/2017 | 08:23:35
1,401 lượt xem
Thấp thoáng dưới tán cây xanh tỏa bóng mát, điểm xuyết sắc đỏ, trắng, vàng của muôn hoa là những nếp nhà mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ đồng bằng Bắc Bộ. Bức tranh quê Bách Thuận (Vũ Thư) dẫu chẳng cần tô vẽ thêm vốn đã đẹp đến nao lòng.

Làng vườn Bách Thuận nằm ven sông, được hình thành từ sự bồi đắp của phù sa sông Hồng. Từ cuối thế kỷ XVII, mảnh đất này bắt đầu đón những đoàn người di cư từ phía bên kia sông về đây sinh sống, lập nghiệp, hình thành nên ngôi làng mang tên Thuận Vi thuộc tỉnh Nam Định xưa, nay là xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Người Bách Thuận vốn là dân di cư nên không giỏi việc trồng cấy bằng người dân bản địa nhưng kỹ thuật làm vườn lại phát triển vượt trội. Toàn xã luôn được bao phủ bởi màu xanh của các loại cây dược liệu như hòe, ngâu xen lẫn là những vườn cây ăn quả lưu niên như bưởi, cam, quýt... hoa được trồng tập trung ở vùng ven sông Hồng cạnh những bãi dâu xanh mướt phục vụ nghề ươm tơ, dệt lụa. Người Bách Thuận không canh tác trên những cánh đồng lúa trải rộng mà tách biệt từng thổ cư, canh tác ao, vườn theo từng gia đình, mỗi nhà đều có vài sào đến vài mẫu đất để trồng trọt, chăn nuôi, tạo nên những cảnh quan kiến trúc mang những nét riêng biệt hiếm có: nhà vườn, nhà cổ, cây cảnh, ao hồ cùng với chợ quê, mái đình, gốc đa tạo nên một tổng thể kiến trúc vừa hài hòa vừa truyền thống. 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ hơn trăm năm tuổi còn lưu giữ nhiều hoa văn, họa tiết, hoành phi, câu đối đậm chất nghệ thuật điêu khắc, ông Phạm Văn Miễn năm nay 85 tuổi chia sẻ: Từ khi tôi sinh ra, những ngôi nhà vườn ở đây đã xuất hiện khá nhiều. Trước kia, người ta nhìn vào những ngôi nhà vườn để đánh giá sự sung túc của mỗi gia đình, càng nhiều những ngôi nhà đẹp càng chứng tỏ đời sống người dân vùng quê ấy càng ấm no. Cho đến bây giờ, nhà vườn thực sự đã là một nét văn hóa, niềm tự hào rất lớn của người dân Bách Thuận. Theo tổng hợp, trên địa bàn xã hiện nay còn trên 10 ngôi nhà đặc cổ, hàng chục ngôi nhà được trùng tu và xây mới dựa trên nguyên mẫu nhà truyền thống.

Những nếp nhà xanh cây.

Góp phần làm nên nét đẹp của cảnh quan làng quê Bách Thuận không thể không nhắc đến các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo. Chùa Từ Vân, đình - chùa Bách Tính, hai di tích đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia với những nét cổ kính, uy nghi kết hợp cùng không gian đậm chất hoài cổ của những ngôi nhà vườn thấp thoáng dưới những tán cây xanh mát tạo cảm giác một khung cảnh đồng quê hết sức bình dị, nên thơ, hiếm nơi đâu có được.

Ngoài chiêm ngưỡng những nếp nhà vườn độc đáo, những ngôi đình, chùa ghi dấu ấn thời gian, khi đến với Bách Thuận, du khách không thể không một lần ghé qua chợ Thuận Vi, ngôi chợ đã hàng trăm năm tuổi vẫn giữ những nếp sinh hoạt đặc biệt. Chợ đều đặn họp vào mỗi buổi sáng sớm nhưng kết thúc khi mặt trời cũng chỉ vừa ló rạng. Chợ Thuận Vi là nơi giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân Bách Thuận với các xã lân cận, nơi thương lái thu mua nông sản của làng vườn rồi đem bán lại ở các chợ trong thành phố Thái Bình hay Nam Định. Đặc biệt, khách tham quan đến khu chợ này có cơ hội để thưởng thức nhiều loại bánh hấp dẫn, mang đặc trưng cho nét văn hóa ẩm thực của người Bách Thuận như bánh cuốn, bánh bèo, bánh hấp, bánh giò, bánh nếp, bánh tẻ, bánh mật, bánh chưng, bánh giày đỗ, bánh rán... trong đó bánh cuốn Thuận Vi là loại bánh cuốn ngon nức tiếng trong vùng, đã chinh phục khẩu vị của biết bao thực khách.

Ông Trịnh Văn Mô, cán bộ văn hóa xã Bách Thuận cho biết: Với những nét đẹp đặc sắc mang đậm dấu ấn của một miền quê Bắc Bộ, làng vườn Bách Thuận ngày càng thu hút sự quan tâm của khách du lịch xa gần, hiện nay Bách Thuận cũng trở thành một điểm du lịch nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. 

Là đơn vị đang khai thác các dịch vụ du lịch tại làng vườn Bách Thuận, ông Nguyễn Huy Trường, Giám đốc Công ty Du lịch Trường Thuận nhận xét: Với những điều kiện sẵn có, Bách Thuận rất có tiềm năng phát triển hình thức du lịch cộng đồng. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần đưa các đoàn khách tham quan về địa phương tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm với các hình thức như đạp xe tham quan làng vườn, đội hoa quả đi chợ như người dân địa phương, học cách làm các món đặc sản địa phương, học cách chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh, giao lưu văn nghệ, học hát chèo... nhận được phản hồi tích cực từ du khách. Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng những định hướng hợp lý của các cơ quan chức năng hoạt động trong lĩnh vực du lịch, làng vườn Bách Thuận sẽ ngày càng phát huy được thế mạnh, trở thành điểm hấp dẫn không chỉ đối với người dân trong nước mà cả đối tượng khách quốc tế.

Bách Thuận mang trong mình vẻ đẹp đặc trưng tiêu biểu cho cảnh sắc thiên nhiên đồng bằng Bắc Bộ, nơi có cây đa, bến nước, sân đình, nơi có những nếp nhà cổ kính nằm ẩn mình dưới những vòm cây xanh lá. Về Bách Thuận, ta được thả hồn vào bình yên với tiếng chim hót trong vườn, thưởng thức những món quà quê dân dã, gặp gỡ những người dân quê hiền lành, chất phác, tốt bụng, càng làm cho ta thêm yêu, thêm trân trọng cảnh sắc, vẻ đẹp quê hương, đất nước mình.

"Bách Thuận đúng như tên gọi dường như đã được thiên nhiên ưu ái nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp. Chất đất giàu dinh dưỡng, nguồn nước tưới dồi dào, cây cối cứ thế xanh tươi mà không quá tốn nhiều công chăm sóc."


Quỳnh Lưu