Chủ nhật, 29/12/2024, 21:59[GMT+7]

Vũ Hội: “9 người, 10 nghề”

Thứ 2, 30/10/2017 | 08:35:50
2,371 lượt xem
Nhờ lưu giữ và phát huy được các nghề truyền thống cộng với năng động, nhạy bén du nhập nhiều ngành nghề mới, Vũ Hội trở thành xã đa nghề, hoạt động làng nghề phát triển sôi động nhất huyện Vũ Thư. Người Vũ Hội “9 người, 10 nghề” mà nghề nào cũng giỏi.

Sản xuất bún, bánh, miến ở Vũ Hội.

Về Vũ Hội cuối tháng 10, không khí sản xuất của các cơ sở, hộ làm nghề thủ công đã tất bật, hối hả, bà con chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Các cơ sở sản xuất đồ nhôm nhộn nhịp tiếng búa, đe, người thợ nhem nhuốc, lấm lem than, bụi; hộ làm bún, miến, bánh tráng, bánh cuốn lỉnh kỉnh những gạo, bột; xưởng xay xát ầm ầm tiếng máy chạy. Điều đặc biệt ở Vũ Hội, làng nào cũng có nghề truyền thống nhưng không có làng nào chuyên làm bánh, làng nào làm nhôm, mộc, cơ khí mà có sự đan xen, các hộ thuận nghề gì thì làm nghề ấy, tạo thành một xã đa nghề, phong phú và sôi động.

Đến nay, cả xã có 42 cơ sở sản xuất bún, bánh, miến trong đó có 20 cơ sở đầu tư dây chuyền, hệ thống máy móc sản xuất bún, bánh hiện đại, mỗi máy sản xuất từ 5 tạ - 1 tấn bún/ngày, 4 dây chuyền sản xuất miến cho sản lượng 1 - 2 tấn miến dong/máy/ngày. Người làng nghề Vũ Hội khéo léo biết kết hợp khoa học kỹ thuật và lưu giữ những bí quyết làm bún, bánh, miến truyền thống để giữ vững chất lượng, thương hiệu sản phẩm quê hương, nhờ đó việc tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi. Mỗi hộ sản xuất bún, miến thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, ngoài ra còn tạo việc làm cho khoảng 200 lao động vệ tinh với thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Mai Thị Loan, thôn Hiếu Thiện cho biết: Trước kia 2 vợ chồng tôi và vài lao động phụ mới có thể làm được gần 1 tạ bún mỗi ngày, nhưng sau khi đầu tư máy móc, chỉ cần mình tôi có thể sản xuất 5 - 7 tạ bún/ngày, bún bảo đảm vệ sinh sạch sẽ hơn. Trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 8 - 10 lao động thực hiện khâu tiêu thụ bún. Tiết kiệm được nguồn nhân lực, gia đình chị Loan lại đầu tư mở thêm một cơ sở sản xuất đồ cơ khí do anh Thiện, chồng chị làm chủ, thu hút thêm từ 4 - 6 lao động địa phương… 

Khác với gia đình chị Loan, gia đình bà Vũ Thị Lụa, thôn Trung Lập lại duy trì nghề tráng bánh đa, bánh cuốn thủ công. 

Bà Lụa chia sẻ: Mặc dù hiện nay hầu hết các cơ sở đã áp dụng công nghệ vào sản xuất nhưng gia đình tôi vẫn duy trì làm bánh cuốn, bánh đa thủ công vì nhiều người vẫn muốn thưởng thức các loại đặc sản bún, bánh tráng thủ công. Tuy số lượng sản xuất ít hơn nhưng giá trị sản phẩm cao hơn, trừ chi phí mỗi tháng tôi cũng có thêm thu nhập gần chục triệu đồng từ nghề tráng bánh của cha ông.

Sản xuất đồ nhôm ở Vũ Hội mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Cùng với sản xuất bún, bánh, sản xuất đồ nhôm là ngành nghề truyền thống thu hút nhiều lao động ở Vũ Hội tham gia. Hiện cả xã có hàng trăm cơ sở sản xuất, gò ép sản phẩm nhôm, trong đó có 5 lò đúc, mỗi năm đúc khoảng 400 - 500 tấn nhôm, sản xuất ra hàng triệu sản phẩm cung cấp cho thị trường. Nghề sản xuất đồ nhôm tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, đặc biệt giúp nhiều người dân Vũ Hội vươn lên thành tỷ phú như gia đình anh Thao (thôn Mỹ Am), anh Tùng (thôn Trung Lập), anh Nam (thôn Trung Lập). 

Tới thăm cơ sở sản xuất đồ nhôm gia dụng của gia đình anh Mai Văn Tùng, chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Trung Lập, chúng tôi mới thấy hết sự sáng tạo, khéo léo của những người thợ nơi đây. Dưới những bàn tay chai sạn nhưng vô cùng khéo léo của người thợ, những miếng nhôm vuông đã “hóa phép” thành đủ các sản phẩm từ xoong, nồi, ấm, chảo đến chảo rán điện, nồi nấu phở bằng điện, nồi hơi, nồi hầm đa năng hiện đại, chẳng thiếu loại nào. 

Chị Thủy chia sẻ: Hiện nay, các sản phẩm của Trung Quốc có mẫu mã đa dạng, tiện sử dụng nên để cạnh tranh được hầu hết các cơ sở sản xuất đồ nhôm ở Vũ Hội phải rất nhạy bén với thị trường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Gia đình tôi cũng đầu tư máy móc, nâng chất lượng sản phẩm và liên tục cho ra nhiều mẫu mã sản phẩm mới. Nhờ đó, cơ sở sản xuất đồ nhôm của gia đình tôi duy trì, phát triển tốt suốt 15 năm qua, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với thu nhập 180.000 đồng/ngày.

Bên cạnh sản xuất bún, bánh và đồ nhôm, nhiều ngành nghề khác ở Vũ Hội cũng phát triển sôi động. 

Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vũ Hội hiện có 2 doanh nghiệp và 230 cơ sở sản xuất ở 17 ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác nhau, trong đó có 51 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, xay xát; 42 cơ sở làm bún, bánh; 30 cơ sở sản xuất rượu truyền thống; 25 cơ sở sản xuất đồ gỗ; 20 cơ sở làm đậu phụ; 15 cơ sở sản xuất đồ cơ khí… thu hút hơn 5.300 lao động tham gia. 6 tháng đầu năm 2017, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã mang lại cho Vũ Hội nguồn thu 74,68 tỷ đồng, chiếm 60,5% tổng giá trị sản xuất toàn xã. Từ nguồn lợi nhuận do các ngành nghề truyền thống mang lại, nhiều hộ dân đã đầu tư mua sắm xe ô tô tải, xe khách, mở cơ sở thu mua phế liệu, dịch vụ kinh doanh thực phẩm… góp phần tích cực phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã. Hiện nông nghiệp chỉ chiếm 20% cơ cấu kinh tế của địa phương. Diện mạo nông thôn Vũ Hội đổi thay rõ rệt với 100% đường làng ngõ xóm được cứng hóa; gần 40% hộ dân có nhà ở cao tầng, biệt thự, nhiều hộ có điều kiện mua sắm xe ô tô, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao.

Để duy trì, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là những nghề truyền thống của địa phương, Vũ Hội tiếp tục vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thu hút cơ sở sản xuất vào đầu tư tại cụm tiểu thủ công nghiệp có diện tích 8,3ha của xã nhằm mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường. Xã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tăng cường quảng bá các sản phẩm, đặc sản truyền thống của địa phương như bún, miến, bánh đa, đồ nhôm. Cùng với đó, người dân Vũ Hội luôn năng động, nhạy bén để giữ và phát huy nghề truyền thống, làm giàu cho gia đình và quê hương.

" Ở Vũ Hội, nghề làm bún, miến, các loại bánh đa, bánh phở, bánh cuốn truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay, hiện được duy trì và phát triển rộng rãi. Nếu khoảng 20 năm trước, hầu hết các địa phương khác sản xuất bún, các loại bánh hoàn toàn bằng phương pháp thủ công thì ở đây người dân đã nhạy bén, tự chế tạo ra các máy móc thô sơ, bán tự động, góp phần giảm sức lao động và tăng hiệu quả sản xuất."


Quỳnh Lưu