Thứ 6, 22/11/2024, 21:11[GMT+7]

Vũ Thư - điểm nhấn để kinh tế phát triển bền vững

Thứ 2, 30/10/2017 | 09:27:07
1,765 lượt xem
Vũ Thư là huyện có vị trí chiến lược trọng yếu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Là địa phương giàu truyền thống cách mạng, nơi có chi bộ đảng thành lập sớm của Thái Bình.

Du thuyền hát giao duyên tại lễ hội chùa Keo. Ảnh: Ngọc Linh

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới và dựng xây đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vũ Thư  đang nỗ lực thi đua xây dựng huyện có kinh tế phát triển, văn hóa, giáo dục tiến bộ; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Một trong những thành công đó là nhờ Vũ Thư biết khai thác lợi thế, tiềm năng của một vùng đất nằm giữa các con sông lớn, đưa phù sa bồi đắp cho những cánh đồng màu mỡ, làm nên mùa vàng bội thu. Một vùng quê có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng…, trong đó có di tích chùa Keo.

Chùa Keo (Thần Quang Tự), nằm trên địa bàn xã Duy Nhất. Chùa được xây dựng năm 1632, có tên là Thần Quang Tự, là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê, gồm hai cụm kiến trúc: chùa là nơi thờ Phật và đền Thánh thờ đức Dương Không Lộ - vị đại sư thời nhà Lý, có công dựng chùa. Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời  Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII), đây là một di tích có quy mô kiến trúc cổ rộng lớn bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền ở Việt Nam. Trong các công trình kiến trúc ở chùa Keo, có một kiến trúc độc đáo là gác chuông - hình tượng khó quên của người dân Thái Bình trên khắp mọi miền đất nước. Chùa Keo có lễ hội truyền thống khá độc đáo, hàng năm mở hội hai lần “xuân thu nhị kỳ”. Hội vui xuân vào tháng Giêng, mùng 4 và hội  thu vào tháng 9 âm lịch. Cho đến ngày nay, chùa Keo  vẫn lưu giữ  được các trò chơi dân gian khá đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ như hội thi nấu cơm, ném pháo, thi bắt vịt, đua thuyền trên sông, bơi thuyền ở ao chùa, điệu múa ếch… những cuộc thi kèn, trống của lễ hội tháng 9 là dấu vết hiếm hoi của hội thu còn lưu giữ được trong lễ hội truyền thống của người Việt - đồng bằng Bắc Bộ… Với những đặc trưng độc đáo đó, ngày 28/4/1962, chùa Keo được công nhận di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; tháng 9/2012 được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; ngày 23/1/2017,  lễ hội chùa Keo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội chùa Keo thu năm 2017 có nét mới là gắn với lễ đón nhận bằng công nhận lễ hội chùa Keo là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và tổ chức hội chợ thương mại du lịch chùa Keo. Việc mở lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ và những người có công xây dựng chùa Keo. Đồng thời, quảng bá du lịch, giới thiệu mảnh đất, con người Vũ Thư với du khách gần xa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế,  văn hóa, xã hội của địa phương. Phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, nhu cầu tìm hiểu, tham quan du lịch và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc của di tích. Từ  đó, xây dựng ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước. Điểm tựa để xây dựng con người mới trên hành trình đổi mới và hội nhập.

Chùa Keo, niềm tự hào của các thế hệ người dân Vũ Thư  nói riêng và Thái Bình nói chung. Thông qua lễ hội chùa Keo mà hình ảnh đất và người Vũ Thư được nhiều người biết đến. Những năm qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương và của tỉnh, cùng với tấm lòng công đức của du khách thập phương, chùa Keo đã và đang được đầu tư tôn tạo, tu bổ… làm cho diện mạo, cảnh quan chùa Keo ngày càng to đẹp hơn. Hiện nay, huyện Vũ Thư đang triển khai dự án mở rộng khuôn viên di tích chùa Keo khoảng 9ha theo quyết định của Chính phủ. Mở rộng và cứng hóa tuyến đường đê từ Bồng Tiên đến chùa Keo rộng từ 4,5m lên 10m, kịp phục vụ du khách về dự lễ hội năm nay.

Thi nấu cơm, một nét đặc trưng tại lễ hội chùa Keo.

Cùng với hình ảnh chùa Keo, Đảng bộ và nhân dân Vũ Thư  đoàn kết xây dựng một vùng đất thật sự đổi thay. Kinh tế của huyện những năm qua có sự tăng trưởng: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ… đạt  những thành tựu quan trọng. Nghề và làng nghề đang tạo cho kinh tế Vũ Thư có sự phát triển đa dạng và phong phú. Xây dựng nông thôn mới  làm  cho Vũ Thư có một diện mạo mới. Xã Duy Nhất - nơi có chùa Keo cũng đã được công nhận xã nông thôn mới. Năm 2016, huyện đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 9 tháng của năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của Vũ Thư tiếp tục đạt nhiều thành tựu quan trọng: tổng giá trị ước đạt 6.296 tỷ đồng, bằng 66,42%, tăng 8,31% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,73%, đạt 70,52% kế hoạch. Công tác tích tụ ruộng đất theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã bàn giao được 20,7ha đất bãi tại xã Dũng Nghĩa, huyện đã chuẩn bị bàn giao 160ha ở 23 các xã Hòa Bình, Nguyên Xá, Song An cho Tập đoàn TH thuê để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và 30ha tại xã Việt Thuận cho Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao An Thái. Thu hồi đất để thực hiện các dự án như dự án cụm dân cư số 2, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 10 đến đường Thái Bình - Hà Nam: thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ  tái định cư thực hiện các dự án khác. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thu gom, xử lý rác tại bãi rác, lò đốt xử lý chưa tốt, gây ô nhiễm môi trường. Sản xuất công nghiệp duy trì ở mức tăng trưởng khá. Các nhóm nghề phát triển mạnh như chế biến gỗ và lâm sản, chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng. Hoạt động của các doanh nghiệp phát triển ổn định, 9 tháng toàn huyện có 306 doanh nghiệp, tăng 41 doanh nghiệp so với năm 2016. Có thêm 7 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vào huyện. Công tác xây dựng cơ bản, quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng  đất… có nhiều tiến bộ, đạt kết quả khá. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 723 tỷ đồng, đạt 96% dự toán, trong đó thu trên địa bàn được 144 tỷ đồng, đạt 93% dự toán.

Văn hóa, giáo dục tiếp tục giữ vững và phát triển vững chắc. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục mầm non đạt hiệu quả cao, chất lượng văn hóa đại trà ổn định ở mức cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp luôn ở tốp đầu của tỉnh. Có thêm 4 trường đạt chuẩn mức độ 2, 79/98 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo hiểm xã hội, thực hiện các chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo sát sao. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.

Nhiệm vụ chính trị những năm tới của Vũ Thư là: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trước mắt, tập trung phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ còn lại của năm 2017. Xây dựng các đề án sản xuất nông nghiệp vụ xuân, vụ hè năm 2018. Đôn đốc các xã thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Kế hoạch số 49 ngày 21/4/2017 của UBND huyện. Thẩm định đánh giá, rà soát kết quả thực hiện các tiêu chí ở 10 xã còn lại chưa về đích nông thôn mới. Tổ chức tốt lễ hội chùa Keo mùa thu 2017 và đón nhận bằng công nhận lễ hội chùa Keo là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bảo đảm trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đúng với phong tục truyền thống tốt đẹp và quy định của nhà nước. Tổ chức tốt hội chợ thương mại du lịch chùa Keo để giới thiệu những thành tựu của Vũ Thư  trong công cuộc đổi mới. Quảng bá hình ảnh huyện Vũ Thư đang trên hành trình tiến tới ấm no, hạnh phúc.

Đinh Vĩnh Thụy

(Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư)