Thứ 6, 22/11/2024, 21:23[GMT+7]

Thanh niên Bình Ðịnh lập nghiệp trên quê hương

Thứ 2, 30/10/2017 | 09:29:55
4,004 lượt xem
Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đoàn Thanh niên xã Bình Định (Kiến Xương) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên phát huy sức trẻ và thế mạnh của địa phương, tích cực tham gia phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp ngay trên quê hương.

Mô hình nuôi thỏ của anh Lê Đức Hoàng lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế của thanh niên, anh Đỗ Ngọc Lân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã cho biết: Đến nay, Bình Định có trên 50 doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh, trang trại, gia trại do thanh niên làm chủ với thu nhập từ 70 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương.

Ấn tượng nhất với chúng tôi là mô hình nuôi thỏ của anh Lê Đức Hoàng ở thôn Công Bình. Chỉ với diện tích 160m2, anh quy hoạch và xây dựng khu chăn nuôi thỏ hiện đại, mỗi lứa nuôi 1.200 con thỏ thương phẩm và 120 con thỏ nái. Anh Hoàng cho biết: Vì diện tích đất hạn chế và ít vốn nên khi bắt tay vào phát triển kinh tế tôi rất trăn trở. Sau khi nghiên cứu và tham quan một số mô hình chăn nuôi trong và ngoài huyện,  tôi quyết định đầu tư nuôi thỏ vì nó phù hợp với điều kiện của gia đình. Do làm tốt công tác chăm sóc, phòng bệnh nên đàn thỏ luôn khỏe mạnh, nhanh lớn, chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng. Mỗi năm nuôi 4 lứa, anh Hoàng xuất ra thị trường hơn 4 tấn thỏ thịt, với giá bán 80.000 đồng/kg anh thu về hơn 320 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Ở Bình Định không chỉ có anh Lê Đức Hoàng năng động, sáng tạo, chủ động học hỏi, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để khởi nghiệp mà nhiều thanh niên cũng đã xung kích làm giàu trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong số đó phải kể đến các mô hình kinh tế tiêu biểu như anh Vũ Đình Quân, Bùi Văn Tuấn ở thôn Hưng Đạo đầu tư thành lập cơ sở may công nghiệp, giải quyết việc làm ổn định cho 350 công nhân với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; anh Đặng Ngọc Huyên, thôn Công Bình làm giàu từ kinh doanh vận tải, xe khách hay anh Hoàng Văn Bình tổ chức dịch vụ xoa nền bê tông, tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/người/ tháng…

Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ và thu hút thanh niên địa phương bám trụ quê hương làm giàu, vừa qua, Đoàn Thanh niên xã Bình Định đã thành lập câu lạc bộ (CLB) thanh niên khởi nghiệp gồm 39 thành viên là các đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế ở mọi lĩnh vực trên địa bàn xã. Các thành viên CLB được tham quan các mô hình phát triển kinh tế giỏi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được tư vấn, hỗ trợ các thủ tục hành chính về vốn vay, hỗ trợ lãi suất, thành lập doanh nghiệp, được tiếp cận dự án phát triển kinh tế và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh…

Mô hình CLB thanh niên khởi nghiệp xã Bình Định đã tập hợp và khích lệ thanh niên thi đua làm giàu góp phần phát triển kinh tế địa phương. Nhờ có việc làm, thu nhập ổn định ngay tại quê hương nên tuổi trẻ Bình Định không phải đi làm ăn xa, yên tâm vừa phát triển kinh tế vừa tham gia các hoạt động xã hội và công tác đoàn ở cơ sở. Từ phong trào này, Đoàn Thanh niên xã phát hiện, giới thiệu cho cấp ủy những đoàn viên ưu tú để định hướng, bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Thời gian tới, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã Bình Định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu gương thanh niên làm kinh tế giỏi, qua đó khích lệ tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ. Đoàn Thanh niên xã cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm; chuyển giao công nghệ, hội thảo, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; tín chấp vay vốn và làm tốt công tác động viên, khen thưởng những điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi.

Khắc Duẩn