Thứ 3, 23/07/2024, 09:38[GMT+7]

Tác phẩm "sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 5, 02/11/2017 | 15:35:21
746 lượt xem
(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 11/2017)

Ảnh tư liệu.

C- TƯ CÁCH VÀ BỔN PHẬN ĐẢNG VIÊN
1. Tư cách:
a. Thừa nhận chính sách của Đảng. Thực hành các nghị quyết của Đảng. Ra sức làm công việc Đảng. Nộp đảng phí;
 b. Những người trí thức, công nhân, nông dân, phụ nữ, quân nhân, hăng hái yêu nước, từ 18 tuổi trở lên đều được vào Đảng;
c. Mỗi người muốn vào Đảng phải có hai đảng viên cũ giới thiệu. Những người bỏ đảng phái khác mà vào Đảng, phải có ba người giới thiệu và phải được cấp trên của Đảng chuẩn y. Những người rời Đảng đã lâu, mà có người làm chứng rằng, trong thời gian đó không hề làm việc gì có hại cho Đảng, thì được trở lại làm đảng viên.
d) Những người mới vào Đảng phải qua một thời kỳ dự bị. Nông dân và công nhân hai tháng. Quân nhân ba tháng. Trí thức bốn tháng.
đ) Trong thời kỳ dự bị, Đảng phải dạy dỗ cho họ và trao việc cho họ làm. Đồng thời, Đảng phải xem xét tính nết, công tác và lịch sử của họ. Những người giới thiệu phải giúp đỡ họ học tập và công tác.
e) Những người dự bị phải công tác cho Đảng và nộp đảng phí. Họ có quyền tham gia huấn luyện, đề ra ý kiến, bàn bạc các vấn đề nhưng không có quyền biểu quyết. Họ cũng chưa có quyền giữ các trách nhiệm chỉ đạo như làm tổ trưởng, thư ký... (Trong những hoàn cảnh đặc biệt, như nơi đó mới bắt đầu có Đảng, hoặc đại đa số đều đảng viên mới, thì không phải theo lệ này).
2. Bổn phận: a. Suốt đời tranh đấu cho dân tộc, cho Tổ quốc; b. Đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, lên trước hết; c. Hết sức giữ kỷ luật và giữ bí mật của Đảng; d. Kiên quyết thi hành những nghị quyết của Đảng; đ. Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc; e. Cố gắng học tập chính trị, quân sự, văn hóa. Phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, cũng như phải lãnh đạo quần chúng.
D- PHẢI RÈN LUYỆN TÍNH ĐẢNG
Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên. Tính đảng là gì?
Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.
Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn. Phải hiểu rằng: Đảng có
hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết.
Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau. Vì kém tính đảng mà có những bệnh sau này
Bệnh ba hoa,                                Bệnh chủ quan,
Bệnh địa phương,                         Bệnh hình thức,
Bệnh ham danh vị,                        Bệnh ích kỷ,
Bệnh thiếu kỷ luật,                        Bệnh hủ hóa,
Bệnh cẩu thả (gặp sao hay vậy),  Bệnh thiếu ngăn nắp,
Bệnh xa quần chúng,                    Bệnh lười biếng.
Mắc phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển.
Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm. Về mặt Đảng thì phải thực hành những điều sau này:
1. Phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại cái thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo.
2. Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật - mục đích là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng.
3. Phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương.
4. Phải đòi hỏi mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư; cần, kiệm, liêm, chính!”.
(Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 265-275, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000).

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày