Thứ 7, 23/11/2024, 16:17[GMT+7]

Tiếp tục tập trung phòng, chống sốt xuất huyết

Thứ 5, 09/11/2017 | 08:47:29
733 lượt xem
Tuy số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh so với các tháng trước song rải rác tại các huyện, thành phố vẫn xuất hiện các ca sốt xuất huyết nội sinh. Vì vậy, hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết vẫn cần tiếp tục thực hiện.

Ngành Y tế tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi phát hiện sốt xuất huyết nội sinh.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Không chỉ sốt xuất huyết bùng phát với số lượng bệnh nhân gấp hàng chục lần so với cùng kỳ, nhiều bệnh truyền nhiễm khác cũng có số lượng lớn bệnh nhân mắc, trong đó tiêu chảy 42.098 người mắc, hội chứng cúm gần 30.000 người mắc, Adenovirus gần 3.000 người mắc, lỵ a míp 417 người mắc, quai bị 538 người mắc, thủy đậu 1.648 người mắc... Đặc biệt, xuất hiện các ca bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng như ho gà; bệnh có nguyên nhân từ động vật như bệnh dại, liên cầu lợn...

Đoàn Thanh niên xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) tham gia vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, riêng giám sát dịch tễ tại tuyến tỉnh, tính đến hết tháng 10/2017 Trung tâm ghi nhận 699 ca sốt xuất huyết dương tính, 232 ca tay chân miệng, 274 ca viêm gan vi rút, 4 ca liên cầu lợn, 19 ca ho gà... Hầu hết các ca bệnh đều được giám sát, phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, chỉ có 2 ca bệnh ho gà tử vong, các bệnh nhân khác đều được chữa khỏi. Công tác dự phòng đã kịp thời điều tra dịch tễ, tập trung khoanh vùng, dập dịch. Vì vậy, hầu như các ổ dịch không có bệnh nhân mới, không lây lan dịch bệnh ra diện rộng. Đối với bệnh sốt xuất huyết, nếu như tháng 7 trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 118 bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết, tháng 8 có 292 bệnh nhân, tháng 9 giảm còn 216 thì sang tháng 10 tiếp tục giảm chỉ còn 38 bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết. 

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện điều trị cũng giảm rõ rệt, hiện tại chỉ còn 12 bệnh nhân đang điều trị. Tuy số bệnh nhân giảm nhiều song trong tổng số ca mắc sốt xuất huyết dương tính vẫn ghi nhận có 12 ca nội sinh. Các ca bệnh nội sinh xuất hiện ở hầu khắp các huyện, thành phố, nhiều nhất là trên địa bàn huyện Hưng Hà, thành phố Thái Bình và huyện Kiến Xương... Do sốt xuất huyết rất dễ lây lan và lây lan qua vật trung gian là muỗi vằn Aedes, trong khi thời tiết khí hậu vẫn thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Vì vậy, mối nguy lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng vẫn tiềm ẩn. Dịch sốt xuất huyết vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu công tác phòng, chống dịch bệnh không được tiếp tục chú trọng.

Tiếp tục tập trung phòng, chống sốt xuất huyết

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết vẫn còn nhiều mối nguy có thể bùng phát, bên cạnh tiếp tục thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế và các đơn vị, địa phương đang tích cực phối hợp với các cơ sở điều trị theo dõi, điều tra, giám sát, xử lý sớm khi phát hiện các trường hợp mắc sốt xuất huyết tại cộng đồng. Đặc biệt, đối với các ca bệnh nội sinh sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, điều tra dịch tễ, bao vây xử lý dịch kịp thời ngay từ cơ sở. Công tác chỉ đạo tuyến cũng được chú trọng tăng cường, đồng thời tiếp tục tập huấn các nội dung về phòng, chống sốt xuất huyết như kỹ năng giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch; giám sát véc tơ truyền bệnh truyền nhiễm cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã và cộng tác viên y tế; chú trọng xử lý môi trường, côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh dịch khác tại các bệnh viện để tránh tình trạng lây chéo.

Từ thực tế một số ngành, địa phương và nhiều người dân còn thờ ơ với công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết nói riêng, còn coi đó là việc riêng của ngành Y tế, đồng chí Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị công tác phòng, chống dịch cần có sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, nhất là ở các xã, phường, thị trấn, các thôn, tổ dân phố nơi có ổ dịch. Việc triển khai phòng, chống dịch của các địa phương phải bằng các nội dung hoạt động cụ thể, có kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm thường xuyên. Để có thể cắt đứt được nguồn truyền bệnh, các địa phương cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường ở các nơi công cộng, tại từng gia đình, không để còn nơi trú ngụ sinh sản của muỗi truyền bệnh và loăng quăng. Ngoài tập trung xử lý mạnh các ổ dịch nguy cơ cao, công tác truyền thông cần tập trung vào phát hiện người bệnh nghi sốt xuất huyết để người dân chủ động khai báo sớm. Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc vệ sinh môi trường công cộng và tại gia đình để triệt nguồn phát sinh bọ gậy, tránh tư tưởng trông chờ, lệ thuộc vào việc phun hóa chất diệt muỗi của địa phương và ngành Y tế. Chỉ có thực hiện tốt các điều trên, công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết nói riêng mới có thể giảm sâu, tiến tới không còn các ca dương tính, không còn sốt xuất huyết nội sinh.

HÀ DUNG