Thứ 6, 22/11/2024, 07:23[GMT+7]

Mùa ải

Thứ 2, 13/11/2017 | 09:00:47
3,059 lượt xem
Ðã lâu lắm rồi quê tôi mới lại có một “mùa ải” đúng nghĩa với những cánh đồng bát ngát một màu trắng bạc. Ðám trẻ con trốn nhà phơi nắng, rong ruổi khắp nơi.

Cuối tháng cuối năm, trời vẫn đỏng đảnh báo lạnh mà không lạnh, báo mưa mà không mưa. Chỉ có nắng và gió. Cái nắng gắt gỏng ngày đông quyện với vị gió mặn mòi miền biển khiến lũ trẻ quê tôi da đứa nào cũng rám màu bánh mật, có đứa chân tay nứt toác vì hanh khô. Nông dân quê tôi năm nay có niềm vui riêng. Bởi đã lâu lắm rồi mới có một mùa ải. Trời nắng từ tháng mười. Những thửa ruộng cày sớm, đất đã bạc trắng. Những thửa cày muộn hơn đất cũng ngai ngái ngả màu. Gió mùa này mới thật lớn. Gió lùa nhẹ qua các cánh đồng trắng đất như tăng thêm cấp độ, làm ta giật mình đang ở giữa mùa đông.

Nông dân địa phương cho biết, trước đây mùa tháng mười, khi thu hoạch lúa đất nẻ chân chim. Gặt xong bà con cày lật phơi ải trước khi vào vụ mới. Mấy năm gần đây, phần vì thời tiết bất thuận, phần vì chủ trương điều chỉnh sản xuất, chính quyền chỉ đạo làm dầm. Gặt ướt, cầy ướt, đất ngâm nước quanh năm. Đã lâu rồi người dân dùng từ “đổ nước” thay cho “đổ ải”.  Chỉ có vụ này mới lại được ải. Nông dân mừng ra mặt. Vì “đất nỏ, giỏ phân”.

Còn nhớ hồi bé, thế hệ 7x, 8x đời đầu như chúng tôi chỉ mong đến vụ gặt tháng mười. Đi gặt như đi chơi, hò reo chạy nhảy trên những thửa ruộng khô, chân không bết đất. Nắng đốt da thịt, nắng đỏ má các bạn gái mới bắt đầu làm duyên. Cuộc sống dù còn nghèo, còn lo ăn từng bữa chẳng ảnh hưởng đến lũ trẻ mới lớn. Chúng cứ phơi phới, thanh tân. Rồi khi cánh đồng vào vụ ải, tôi theo mẹ đi “xếp ải”. Những hòn đất to dỡ ra từ xá cày tôi cứ xếp cao lên, đủ hình đủ dạng. Mẹ bảo đi đảo đất, để đất khô hơn, khí độc trong đất bay hết, mầm bệnh cũng chết, cho cây lúa vụ sau thêm xanh, thêm khỏe. Đỡ tiền phân bón. Đỡ thuốc trừ sâu. Để gạo quê có thêm hương vị. Vị của lòng tin. Vị của tình yêu. Vị từ những giọt mồ hôi của mẹ, của những bài học thuở ấu thơ.

Đất được ải ngả màu trắng bạc, không còn mùi ngai ngái nằng nặng nữa. Thay vào đó, đất nhẹ bẫng, có mùi của nắng, của gió, thơm thơm gần như mùi rơm mới. Lũ trẻ chúng tôi trốn nhà, giữa trưa lang thang với nhau trên từng ô ruộng. Xếp đất thành nhà cửa, thành lâu đài, kiếm cái vỏ ngao to, bốc trộm nắm gạo, đổ nước nấu cơm. Hạt sống, hạt chín mà vẫn xì xụp như bữa tiệc thịnh soạn nhất trong đời. Mùa tháng mười đến cả những con sông cũng cạn. Cửa cống bình thường sâu mấy mét, mùa ải nước chỉ đến cổ, bọn trẻ con lại xúm nhau mò hến giữa trưa, bất chấp cái se lạnh mùa hanh. Hết mùa ải là đến mùa đổ nước. Đất ải nhẹ, khi có nước nổi bọt khí xèo xèo. Nghe bảo đấy cũng là khí độc, thoát cho hết. Đất vừa chạm nước liền tơi ra, vỡ vụn. Bước chân xuống cảm giác bùn nhẹ mơn man. Nông dân đóng trâu bừa nhẹ qua cũng đủ mềm, đủ quánh để đón mạ non vụ mới.

Quê tôi vùng cửa biển cũng có thời rạo rực vụ đông. Gặt xong lúa mùa, cày vài đường úp xá vào nhau thành luống. Ngô làm bầu từ trước, bà con mang đặt ra luống, đào mấy cái hố lấy nước tưới. Cả xóm tấp nập với ngô đông. Lũ trẻ cũng hăng hái tham gia sản xuất. Nếu thuận buồm xuôi gió, có lẽ vùng quê vốn nghèo sẽ bừng lên sức sống mới… Vùng cửa biển nhiễm mặn kìm hãm bất cứ cây trồng nào chứ không chỉ là ngô. Cây chậm phát triển, dù cũng xanh cũng tốt nhưng chậm trổ cờ phun râu. Khi ngô có bắp vào mẩy nông dân vội thu hoạch để kịp đến mùa đổ nước. Thế là qua một mùa ải và vụ đông với bao vất vả, lo toan.

Mùa này được ải. Lại thấy nhớ bao mùa ải đã qua. Nhớ cách làm của ông cha thuở trước. Lợi dụng thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ con người. Quan trọng hơn là giữ đất, nuôi đất. Hiện tượng đất chai cứng, thoái hóa là do đất không được phơi ải, là do nông dân dùng quá nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ.

ĐỖ HÀ

Đài TTTH Tiền Hải

  • Từ khóa