Thứ 7, 23/11/2024, 03:39[GMT+7]

Đựng cả nắng mưa

Thứ 2, 13/11/2017 | 09:04:35
3,541 lượt xem
Dân gian vùng Phụ Dực (Quỳnh Phụ) vẫn lưu truyền câu chuyện về làng Giành (thôn An Ninh, xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ) thất truyền nghề đan giành nối đời chỉ bởi lời nguyền không bao giờ truyền nghề cho con gái, vô tình hay hữu ý để bí quyết nghề đan giành truyền cho người làng khác thì làng Giành mất nghề…

Câu chuyện ấy kể về một người con gái xuất thân trong một gia đình nông dân nhưng có nghề đan giành trải hàng chục đời, rồi cô lấy chồng ở làng Môi (còn gọi là Mai Xá, nay là làng Phong Xá, xã An Bài) cô đã mang theo bí quyết nghề đan giành của gia tộc truyền cho người nhà chồng và từ đấy người làng Mai Xá có nghề đan giành rồi họ truyền nghề cho nhau, trước có một số ít người đan sau cả làng cùng đan khiến cho nghề đan giành ở làng Giành mai một…

Nghề đan giành ở làng Giành lại bắt đầu từ câu chuyện về một cuộc hôn nhân mang đậm màu sắc chính trị cách ngày nay 710 năm giữa công chúa Trần Huyền Trân (con vua Trần Nhân Tông) và quốc vương Chiêm Thành Chế Bồng Lai đã mang đến cho quốc gia Đại Việt một vùng đất đai trù phú mở rộng về phương Nam là hai châu Ô, châu Lý sau này đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu và đến thời nhà Nguyễn chọn là kinh đô Huế (ngày nay là tỉnh Thừa Thiên Huế). 

Chuyện kể rằng: Công chúa Huyền Trân (1287 - 1340), con vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Thiên Cảm “hạ giá” lấy vua nước Chăm Pa Chế Mân. Chính nhờ cuộc hôn nhân này một mặt làm cho mối quan hệ giao bang Đại Việt - Chăm Pa trở nên thân thiết gây áp lực cho phương Bắc. Mặt khác, sau cuộc hôn nhân ấy, lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng về phía Nam.

Chuyện hôn nhân của công chúa Huyền Trân sẽ bị quên lãng trong lịch sử nếu không có sự cố đáng tiếc xảy ra cách đó không lâu. Sử cũ ghi rằng, sau khi đánh thắng quân Nguyên - Mông, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông (1293 - 1314) rũ bỏ long bào đi theo con đường Phật pháp. Để chúc mừng vua Trần Anh Tông lên ngôi, vua của nước Chăm Pa khi đó tên là Chế Mân, hiệu là Jaya Simhavarman III sai sứ sang mừng. Tháng 3 năm Tân Sửu 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông có dịp viễn du sang Chăm Pa. Để tăng cường thêm mối quan hệ hòa hiếu giữa hai đất nước Đại Việt - Chăm Pa, vua đã hứa gả con gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Năm 1305, vua Chế Mân sai sứ là Chế Bồng Đài và hơn 100 người đem vàng, bạc, hương liệu quý, vật lạ đến dâng định xin sính lễ. Triều thần nhà Trần nhất nhất không bằng lòng, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung tán thành. Sau đó Chế Mân dâng phần đất của châu Ô và châu Lý làm vật sính lễ. Tháng 6/1306 công chúa Huyền Trân được đưa về Chăm Pa, sự việc này được nhân sĩ thời bấy giờ lấy làm đề tài chê cười như: “Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo”, “Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục lại vần lửa rơm”. Cuộc sống vợ chồng giữa công chúa Huyền Trân và vua Chăm Pa Chế Bồng Lai chưa thật sự “quen hơi, bén tiếng” thì không may tháng 5/1307 vua Chế Mân qua đời. Theo tục lệ Chiêm Thành, vua chết hoàng hậu phải lên giàn lửa chết theo. Đến tháng 9 sứ giả Chiêm Thành mới đến Đại Việt báo tin, vua Trần Anh Tông lo sợ cho tính mạng của em gái, lập tức sai Thượng Thư Tả Bộc Xa Trần Khắc Chung và An Phủ sứ Đặng Vân lấy cớ viếng tang tìm cách đón công chúa Huyền Trân cùng con trai về nước. Khi sang nước Chiêm, Trần Khắc Chung đã nói với người Chiêm rằng “nếu công chúa hỏa táng thì không ai chủ trương làm việc chay, chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn, đón linh hồn về rồi công chúa sẽ lên giàn thiêu”. Khi ra đến biển, Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp công chúa đưa về Đại Việt. Cuộc hành trình từ thành Chà Bàn về Thăng Long kéo dài 10 tháng, nên nhiều quan lại nhà Trần có ý kiến chê bai và cho rằng Thượng Thư Tả Bộc Xa Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung và công chúa Trần Huyền Trân đã thông dâm với nhau nên chuyến về nước mới mất nhiều thời gian đến như vậy.

“Chân ướt chân ráo” về đến kinh thành Thăng Long sau hai năm phiêu dạt nơi đất khách quê người, hàng ngày nghe những lời đàm tiếu xúc phạm phẩm hạnh của mình, công chúa Huyền Trân rầu rĩ. Bà buồn chán, không biết than thở cùng ai. Bà xin Thượng hoàng Trần Nhân Tông và vua anh Trần Anh Tông cấp cho thực ấp ở huyện Phụ Phượng (nay là khu vực xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ) để vui cảnh điền viên, cày cấy, nông tang. 

Tương truyền: Khi công chúa Huyền Trân về lập làng, bà đã đem 28 mẫu ruộng mà bà mua chia cho nông dân, để ra 15 mẫu ruộng tự điền. Mỗi người dân được chia 1 sào 5 thước ruộng triều, 12 thước ruộng nội. Làng ra giao ước số ruộng này không ai được bán. Công chúa Huyền Trân còn bỏ tiền ra xây chùa và lập đền thờ Thiên Bồng nguyên soái có công giúp bà. Tại đây, ngoài việc dạy dân cấy cày, nông tang, bà còn làm thuốc chữa bệnh cho dân. Mấy chục năm trước, cánh đồng bên làng Giành vẫn còn thửa ruộng hình thoi vàng, tương truyền đó là thửa ruộng mà công chúa Huyền Trân bỏ thoi vàng của vua cha ban tặng mua đất chia cho dân nghèo. Người hầu gái từng đi cùng công chúa sang đất Chăm Pa là Phương Dung cũng theo công chúa về đất Phụ Phượng. Một hôm trời mưa tầm tã, thấy người dân gồng gánh thóc lúa, phân tro bằng thúng, nước mưa đọng trong thúng khiến người gánh còng lưng xuống. Thương người dân lam lũ, Phương Dung nhớ khi còn ở đất Chiêm Thành bà học được cách đan gùi của người Chăm, khi đi chợ, lên rẫy vẫn gùi được trên lưng, khi gặp trời mưa nước róc nhanh. Bà đã tự chế ra chiếc giành và đôi quang giành để tặng người dân. Rồi nghề đan giành được bà truyền dạy cho muôn người trong làng. Làng có nghề đan giành từ đấy. Khi hai bà mất, người dân xót thương đã lấy tên làng là làng Giành để tưởng nhớ công lao của công chúa Huyền Trân và nàng hầu Phương Dung.

Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) là danh sĩ thời Hậu Lê - Tây Sơn đã ngậm ngùi viết lên câu thơ:

Sính lễ hai châu ngàn thuở hưởng

Giai nhân muôn dặm một đời đau.

Từ sự kiện ngoại giao quan trọng của nhà Trần đã dẫn dắt cuộc đời Huyền Trân công chúa đi qua khổ ải để cuối cùng phải đến với thiền môn. Đền và chùa Giành ở làng Giành, thôn An Ninh, xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ được dân làng dựng lên tôn thờ Huyền Trân công chúa là Thánh Mẫu và phối thờ Phương Dung là Đại vương phúc thần của làng vì có công truyền nghề đan giành đem lại ấm no cho người dân nơi đây.

Quang Viện



Ông Lã Duy Khương, làng Giành, thôn An Ninh, xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ

Khi còn nhỏ tôi đã nghe các cụ cao niên trong làng kể câu chuyện về sự tích làng Giành. Lúc ấy làng còn nhiều nhà làm nghề đan giành. Thế rồi cuộc sống thay đổi, người ta chặt hết tre để xây tường giậu, không còn tre làng làm nguyên liệu đan giành, hơn nữa xe cải tiến ra đời thay thế quang giành, các vật dụng bằng nhựa, bằng inox cũng dần thay thế giành tre, người ta bỏ nghề đan giành từ lúc nào không biết. Một phần do các cụ cao niên cứ dần xa khuất bóng nên chúng tôi cũng không biết được bí quyết nghề đan giành từ thượng cổ truyền lại cho dòng họ nào trong các dòng họ sinh sống quần cư trong làng.


Bà Nguyễn Thị Nết, làng Dục Linh, xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ

 Công chúa Huyền Trân là một trang quốc sắc thiên hương, dung nhan đẹp tựa Hằng Nga, phẩm hạnh vẹn toàn. Chẳng may đường đời run rủi bà phải tìm về làng Giành vui cảnh điền viên, xua đi nỗi buồn nhân thế. Bà đã cùng nàng hầu của mình là Phương Dung mua đất ban tặng dân nghèo, dạy dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, canh cửi, dạy nghề đan giành cho dân… Tưởng nhớ công lao của hai bà, dân làng đã lập đền thờ hai bà và lấy tên làng là làng Giành.
 

Bà Nguyễn Thị Hiên, làng Giành, xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ

Tương truyền cả nước có tới 38 làng thờ bà tổ nghề đan giành nhưng chỉ có đền Giành ở làng Giành quê tôi là chính gốc thờ phụng bà. Bởi vì Huyền Trân công chúa đã về đây dựng thực ấp, lánh xa bụi trần sau những chuyện thị phi của cuộc đời. Bà đem theo người hầu gái trung thành từ thuở ở đất Chiêm Thành về đây là Phương Dung, người có công dạy dân nghề đan giành. Một số người dân trong làng đã bỏ làng đi tứ xứ lập nghiệp đem theo cả nghề đan giành và lời nguyền xưa đã hóa giải, người làng Giành đã mất nghề đan giành…