Thứ 3, 26/11/2024, 04:11[GMT+7]

Viết tiếp ước mơ của thầy

Thứ 2, 20/11/2017 | 11:12:44
2,934 lượt xem
Không một ngày đứng trên bục giảng, cả sự nghiệp chỉ đôi lần cầm phấn trắng viết lên bảng đen nhưng trong suốt những năm tháng làm công tác huấn luyện, họ vẫn luôn được các thế hệ vận động viên kính trọng gọi là thầy. Những người thầy trong thể thao ngoài nhiệm vụ đào tạo vận động viên thi đấu, họ còn là những người đồng hành, cùng học trò vươn tới thành công.

Huấn luyện viên Phạm Thị Thủy cùng các học trò.

Người cha, người mẹ thứ hai

Hơn 10 năm nay, Nguyễn Thị Huệ, vận động viên bộ môn bơi, lặn đã coi Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Thái Bình như ngôi nhà thứ hai của mình, nơi đã chứng kiến sự trưởng thành của cô từ khi còn là một cô bé chập chững tiếp cận với thể thao cho đến khi đã trở thành vận động viên chuyên nghiệp. 

Huệ kể: 11 tuổi, em được gọi lên Trung tâm, lúc ấy bố mẹ không đồng ý. Các thầy cô ở Trung tâm đã về thuyết phục bố mẹ, cũng hứa sẽ luôn chăm lo, chỉ bảo em tận tình để bố mẹ yên tâm vì thế mà bố mẹ em mới đồng ý để em đi. 

Và người gắn bó với Huệ sâu sắc nhất trong suốt những năm tháng học tập, rèn luyện tại Trung tâm không thể không nhắc đến huấn luyện viên Phạm Thị Thủy. Cô Thủy đã góp phần không nhỏ trong việc định hướng chuyên môn, giúp Huệ đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp với bộ môn lặn mà Huệ đang theo đuổi. Không chỉ là người hướng dẫn chuyên môn, cô Thủy còn dạy cho Huệ cách sống, cách cư xử với mọi người, mọi chuyện vui, chuyện buồn, thành công hay thất bại Huệ luôn có cô ở bên cạnh san sẻ, động viên.

Còn Nguyễn Thị Mỹ Thương, (22 tuổi), vận động viên bộ môn điền kinh thì nhớ mãi những ngày trốn cô giáo đi chơi điện tử: Em lên Trung tâm từ khi 15 tuổi, hồi ấy đang tuổi mới lớn, tâm lý chúng em có nhiều biến đổi, không còn nhất nhất nghe lời người lớn như xưa nữa. Vậy nên mặc dù thầy cô không cho phép chơi điện tử nhưng hàng ngày, sau giờ đi học về, hội “nghiện game” vẫn trốn đi ngồi quán net. Có lẽ không còn quán net nào trên thành phố này mà thầy cô chưa đến tìm chúng em. Để hạn chế tình trạng này, tiền Trung tâm trả cho vận động viên các thầy cô đều giữ giúp rồi đóng phong bì cẩn thận, đến khi bọn em về quê thầy cô mới đưa cho cầm về và báo cho phụ huynh biết. Nhờ vào sự quản lý chặt chẽ của thầy cô mà chúng em có thể vượt qua giai đoạn khó khăn về lứa tuổi, biết suy nghĩ đúng đắn trước khi hành động và tránh được những cám dỗ nhất thời.

Những hy sinh thầm lặng

Huấn luyện viên Đoàn Thị Thủy, huấn luyện viên bộ môn điền kinh tâm sự: Các vận động viên hầu hết đều lên Trung tâm từ khi còn rất nhỏ, do đó các em vẫn phải bảo đảm thời gian học văn hóa, thời gian dành cho thể thao vì thế cũng trở nên rất đặc thù. Sáng sớm, chiều tối, những khoảng thời gian đáng ra để dành cho gia đình thì chúng tôi lại cùng học trò bước vào giờ luyện tập, chưa kể những ngày cô trò đi thi đấu xa thì mọi công việc ở nhà đều phải gác lại, nhờ người thân hỗ trợ, đôi lúc cũng cảm thấy hơi chạnh lòng nhưng rồi cảm giác ấy cũng qua nhanh thôi, tất cả dành cho các mục tiêu mà cô và trò đang phấn đấu.

Cũng bởi đặc thù của giờ giấc thể thao mà huấn luyện viên Trần Minh Đức, huấn luyện viên đội tuyển trẻ bóng chuyền từng gặp hoàn cảnh khá khó xử khi phải cân bằng giữa tình yêu và công việc. Anh chia sẻ: Ngày ấy tôi quen một cô gái, hai người cũng có ý định tìm hiểu nhau nhưng cứ đến khi cô ấy muốn gặp tôi thì tôi lại “xin tạm hoãn” vì đang trong giờ quản lý vận động viên. Nhiều lần như thế, cô ấy không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục mối quan hệ cùng tôi nữa.

Còn với Nguyễn Thị Huệ, hơn 10 năm làm học trò của cô Thủy, có lẽ Huệ sẽ chẳng bao giờ có thể quên được hình ảnh những ngày hai cô trò cùng nhau luyện tập chuẩn bị đi thi đấu. 

Huệ kể: Nhiều hôm ở bể bơi chỉ có em và cô Thủy. Bể bơi của Trung tâm ở ngoài trời nên cũng khá bất tiện, ngày nắng còn đỡ, có những ngày trời mưa, sấm sét đùng đùng, em ở dưới bể, cô ở trên bờ hướng dẫn, cô lúc nào cũng mang sẵn áo mưa cho em, đợi em tập xong rồi cô trò cùng về. Những lúc ấy cô bảo cô chỉ ước gì có bể bơi trong nhà để em đỡ vất vả.

Viết tiếp ước mơ của thầy

Huấn luyện viên Phạm Thị Thủy tâm sự: Trước đây, khi còn là vận động viên, tôi đã luôn ước mơ mình có thể trở thành một huấn luyện viên giỏi, có thể đào tạo nên những vận động viên xuất sắc, mang thành tích cao về cho tỉnh, cho đất nước. Hiện tại, niềm hy vọng của tôi dành trọn vào hai vận động viên Bùi Đình Khá và Nguyễn Thị Huệ, hai vận động viên tiêu biểu của đội tuyển bơi, lặn Thái Bình đang có tên trong danh sách các vận động viên quốc gia tham gia thi đấu các giải thể thao quan trọng mang tầm châu lục. 

Thầy Trần Minh Đức và những học trò mang theo niềm tin của những người hâm mộ bóng chuyền Thái Bình về một đội trẻ giữ vững top 3 đội mạnh nhất toàn quốc và còn nhiều những ước mơ mà các huấn luyện viên đã và đang chờ các vận động viên viết tiếp.

Các huấn luyện viên, họ đều từng là những vận động viên xuất sắc, giàu kinh nghiệm tập luyện, thi đấu. Ở vị trí huấn luyện viên, những người thầy ấy lại dạy dỗ lớp vận động viên trẻ tuổi nối tiếp những chặng đường chinh phục đỉnh cao. Cũng như quy luật tre già măng mọc, có lớp măng nào vươn lên mạnh mẽ mà không có sự che chở, nâng đỡ của những cụm tre già. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin gửi tới những người thầy thể thao cũng như những người thầy ở mỗi nghề khác nhau sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc.

Thảo Tiên