Thứ 5, 08/08/2024, 04:24[GMT+7]

Tiết kiệm... tưởng dễ mà khó...

Thứ 2, 27/11/2017 | 08:14:31
314 lượt xem
Nếu với công chức chuyện lãng phí nhất là thời gian, thì với người dân lại là tiền bạc.

Một góc quán cà phê internet.

Cán bộ lãng phí thời gian

18 giờ, trên chuyến xe buýt cuối cùng từ thành phố Thái Bình đi khu công nghiệp Tiền Hải mọi người chuyện trò, nói cười vui vẻ. Là những hành khách đã cùng nhau đi xe buýt từ nhiền năm nên họ hiểu khá rõ về nhau, từ hoàn cảnh gia đình, con cái, nơi làm việc... 

Vẫn chủ đề như mọi ngày, người phụ nữ vui vẻ hỏi người đàn ông ngồi ghế trên mình: Hôm nào cũng về chuyến cuối cùng, sáng mai lại đi chuyến đầu tiên, vậy bác ăn uống thế nào, chắc bác gái ở nhà cũng vất vả lắm nhỉ. Gần như không suy nghĩ, người đàn ông nói như thanh minh: Chuyện ăn uống mình đơn giản ấy mà, buổi tối bà ấy nấu cơm, về mình ăn xong thì chó ăn, chó ăn thừa sáng mai mình lại ăn. Vừa nghe xong người phụ nữ đã thốt lên: Khiếp bác cứ nói vậy. Người đàn ông nói như giải thích: Thì ăn xong mình mới lấy cơm cho chó, cho mèo ăn, phần còn lại sáng mai đặt nóng lên ăn có sao đâu. Người phụ nữ nói tiếp: Vâng em biết, nhưng bác tiết kiệm quá. Đã hơn 30 năm nay - từ sau giải bóng đá quốc tế MEXICO 86. Tôi thực hiện ăn sáng ở nhà. Vì thấy ra ngoài ăn nó nhiều bất tiện quá, ăn sáng ở nhà tiện thật, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa tiết kiệm thời gian làm việc, lại bảo đảm sức khỏe.

Nghe câu chuyện giữa hai người, tôi thầm nghĩ. Đúng bây giờ lãng phí thời gian là lãng phí lớn nhất, các viên chức nhà nước gần như có thói quen ăn sáng, cafe, tám giờ mới về cơ quan, tiếp tục trà lá, chín rưỡi, mười giờ mới ngồi vào bàn làm việc, gần mười một giờ lại đi đón con hoặc về sớm nấu cơm, buổi chiều mùa hè cũng như mùa đông cứ hai giờ mới đến cơ quan, lại tiếp tục trà lá. Rồi lại chuyện cánh trẻ trưa đến là rủ nhau rượu chè, gần hai giờ chiều mới về đến cơ quan, mặt đỏ phừng phừng, người thì nói năng linh tinh, người thì nằm lăn ra ghế, nằm úp mặt xuống bàn ngủ, cơ quan văn hóa nhưng tàn thuốc lá rồi rác vứt lung tung, không ít cán bộ năng lực đã hạn chế, lại không chịu nghiên cứu cập nhật thông tin, dẫn đến tham mưu không đúng với chủ trương chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao. Có ông lãnh đạo còn mượn rượu để quát nạt chửi bới quân gia, thật thiếu văn hóa. 

Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác, tháng này, qua tháng khác. Bộ máy công chức ngày càng phình ra mà công việc vẫn không trôi. Ước gì mỗi người, mỗi ngày làm việc chỉn chu thêm một chút, thì sẽ bớt dần đi nhưng tiếng xì xèo về thói quen làm việc chểnh mảng của các công chức, ước gì các cấp lãnh đạo gương mẫu thêm một chút để người dân tin hơn vào các cơ quan công quyền.

Vườn trên phố của gia đình anh Lê Quang Bẩy (số nhà 211, phố Hai Bà Trưng, thành phố Thái Bình).

Dân lãng phí tiền bạc

Nếu với công chức chuyện lãng phí nhất là thời gian, thì với người dân lại là tiền bạc. Chúng ta ai cũng bảo nông dân là người nghèo khó nhất. Chuyện những người nông dân chân lấm tay bùn, bận bịu vất vả quanh năm mà ăn không đủ no, mặc không đủ ấm cứ lưu mãi trong tâm thức mỗi người. Nhưng bây giờ người nông dân thời @ lại có nhiều đổi khác. Khi những người vợ, người chồng đi xuất khẩu lao động, đặc biệt từ khi được nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng từ những con đường mới, những khu, cụm công nghiệp mới mọc lên, từ những khoản tiền đền bù, đời sống và diện mạo nông thôn đã khởi sắc, nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng, diện mạo nông thôn mới cũng đẹp đẽ, khang trang hơn, nhưng phía sau nó cũng tồn tại khá nhiều hệ lụy. Bên cạnh những gia đình dành tiền xây dựng nhà cửa khang trang, mua phương tiện, thiết bị phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt hoặc mua đất xây dựng gia trại, trang trại phát triển kinh tế, thì không ít gia đình chi tiêu tiền không hợp lý như đánh đề, tham gia tín dụng đen, rồi chuyện cờ bạc, nghiện hút còn phát triển hơn thành phố.

Vẫn những câu chuyện kể trên xe buýt, một hành khách đã ở tuổi ngũ tuần kể: Nhà tôi ở ngay đầu con đường vào xóm, hàng ngày chứng kiến những người nông dân buổi sáng phi xe máy ra đầu phố, hôm thì mua xôi, hôm thì mua bánh cuốn, bánh mì về cho con ăn đi học, chở xe máy con đến trường, rồi mới về hàng phở, hoặc hàng canh cá ăn sáng, nhiều người còn thêm chai bia, cốc rượu. Không ít gia đình sáng vợ cắp rổ rau đi bán, đến bữa ăn trưa, ăn tối không chồng thì con lại phóng xe máy đi mua canh, mua dưa muối, cá kho, rau xào... 

Nằm ngay giữa phố Hai Ba Trưng, vợ chồng anh Bẩy có cửa hàng kinh doanh vào loại to nhất phố, hàng bán chạy nên anh phải thuê thêm người bán hàng, công việc bận mải từ sáng sớm đến đêm khuya, ấy vậy mà anh vẫn dành thời gian chăm sóc vườn cây trên nóc nhà, với hàng trăm giò hoa lan cùng trên 30 cái hộp được đổ đất trồng rau, đủ cho gia đình anh có các loại rau sạch ăn quanh năm, anh bảo: Có vườn trên phố đã giúp cho gia đình, nhất là các con thêm yêu thiên nhiên, quý trọng hơn cuộc sống của mình, ăn rau sạch mà lại tiết kiệm kinh phí, tiết kiệm thời gian. 

Cách tính toán của gia đình anh Bẩy thật đơn giản nhưng để học được cũng không phải dễ. Ước gì ngày càng có thêm những mô hình như gia đình anh Bẩy, nó sẽ giúp cho nhiều hộ nông dân chi tiêu hợp lý hơn, tiết kiệm hơn, như thế giá trị cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Tuấn Dung

  • Từ khóa