Thứ 2, 25/11/2024, 18:19[GMT+7]

Lan tỏa mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ 3, 28/11/2017 | 08:23:39
1,784 lượt xem
Sau nhiều năm triển khai, đến nay, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về PCBLGĐ, về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình.

Nguồn: internet

Sát thực tế

Tham gia hội nghị triển khai mô hình PCBLGĐ tại xã Trà Giang (Kiến Xương), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cán bộ và nhân dân đối với công tác gia đình tại địa phương. Hơn 100 thành viên được lựa chọn tham gia ban chỉ đạo, câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững và nhóm PCBLGĐ trên địa bàn xã đã có mặt tại trụ sở UBND xã từ rất sớm để chuẩn bị bước vào hội nghị triển khai mô hình. 

Tại đây, lãnh đạo UBND xã đã công bố quyết định thành lập và tổ chức hoạt động của từng mô hình; cán bộ Phòng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cách triển khai các hoạt động chính của mô hình với các nội dung xây dựng và tổ chức hoạt động của ban chỉ đạo PCBLGĐ cấp xã, CLB gia đình phát triển bền vững và nhóm PCBLGĐ...

Mô hình PCBLGĐ ở Trà Giang không phải là mô hình đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2012 - 2016 toàn tỉnh đã có 713 mô hình PCBLGĐ. Về bản chất, mô hình PCBLGĐ gắn liền với cơ sở, lấy CLB gia đình phát triển bền vững để tập hợp các gia đình trong cộng đồng tham gia sinh hoạt, cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về đời sống gia đình, PCBLGĐ và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. CLB gia đình phát triển bền vững là nơi gần gũi nhất với nhân dân, kịp thời lắng nghe, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân trên địa bàn sinh sống, nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết kịp thời và hiệu quả nhất đối với vấn đề gia đình.

Hình thức sinh hoạt câu lạc bộ sinh động

Việc triển khai mô hình PCBLGĐ không chỉ dừng lại ở phương pháp tuyên truyền các nội dung liên quan đến cách thức xây dựng và tổ chức các hoạt động của ban chỉ đạo cấp xã, CLB gia đình phát triển bền vững và nhóm PCBLGĐ mà còn đi sâu vào các hoạt động tạo nên tính gắn kết, tương tác với các thành viên tham gia mô hình. Điều này được thể hiện thông qua cách thức tổ chức các hoạt động sinh hoạt CLB với các buổi nói chuyện chuyên đề, thảo luận về các chủ đề liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, kỹ năng nhận diện, tư vấn PCBLGĐ… Mô hình cũng khuyến khích các CLB tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng tổ chức đời sống gia đình và tham quan các mô hình PCBLGĐ trên địa bàn khác.

Chị Vũ Thị Kim Oanh, thôn Dục Dương Đông, xã Trà Giang cho biết: Trước đây, khái niệm về BLGĐ đối với tôi còn khá nhiều hạn chế, tôi chỉ nghĩ BLGĐ là bạo lực về thể xác, tham gia mô hình tôi biết được thêm BLGĐ còn có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau và ai cũng có nguy cơ trở thành đối tượng của BLGĐ nếu không có nhận thức đúng và biện pháp khống chế hành vi gây bạo lực.

Những tín hiệu đáng mừng

Thời điểm trước năm 2012, ở xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình), các hành vi BLGĐ còn diễn ra khá phổ biến, một năm mỗi thôn xảy ra từ 3 - 4 vụ bạo hành cần đến sự can thiệp của chính quyền. Đến nay, sau 5 năm triển khai các mô hình PCBLGĐ, công tác PCBLGĐ trên địa bàn xã có những chuyển biến tích cực. 

Trong 2 năm liên tiếp 2015, 2016 trên địa bàn xã không ghi nhận thêm các trường hợp liên quan đến BLGĐ. Cũng tương tự như Đông Thọ, xã Tân Phong (Vũ Thư) chỉ trong 3 năm từ năm 2008 đến năm 2010 trên địa bàn xã đã xảy ra 15 vụ BLGĐ thì những năm gần đây số vụ BLGĐ trên địa bàn xã giảm mạnh, đặc biệt từ năm 2016 đến nay không ghi nhận vụ BLGĐ, không những thế mô hình của xã Tân Phong còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen. Bên cạnh đó, mô hình của nhiều xã như Thụy Dân (Thái Thụy), Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ), Hồng Giang (Đông Hưng), Quang Bình (Kiến Xương), Minh Tân (Hưng Hà)... hoạt động hiệu quả, đem lại những chuyển biến tích cực trong công tác gia đình.

Bà Trần Thị Thanh Phương, Phó Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trực tiếp tham gia hội nghị triển khai mô hình PCBLGĐ, cũng là người truyền giảng, tập huấn cho các thành viên tham gia mô hình PCBLGĐ ở nhiều địa phương, tôi nhận thấy người dân luôn dành sự quan tâm rất đặc biệt cho các vấn đề gia đình, việc triển khai mô hình là hoạt động thiết thực góp phần nâng cao vị thế của gia đình, đặc biệt là vị thế của gia đình trong xã hội hiện đại, khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống của gia đình đứng trước nguy cơ mai một. Đây là một trong những hướng đi đúng đắn vì mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Việc triển khai mô hình PCBLGĐ đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt đối với đời sống xã hội, những mô hình như vậy cần tiếp tục được nhân rộng, phát triển trong cộng đồng.

Thảo Tiên