Chủ nhật, 05/01/2025, 10:56[GMT+7]

Tiền Hải: Hiệu quả xây dựng bể biogas trong chăn nuôi

Thứ 4, 29/11/2017 | 09:08:29
819 lượt xem
Trong những năm qua, mô hình xây dựng và sử dụng bể biogas trong chăn nuôi ở huyện Tiền Hải đã phát huy được hiệu quả trong phòng, chống ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và sinh hoạt tại các địa phương.

Nhiều hộ dân ở Tiền Hải sử dụng khí sinh học để đun nấu.

Nam Hồng là một trong những địa phương của huyện Tiền Hải có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, trong đó đàn lợn trên 5.000 con, đàn gia cầm 63.000 con, trâu, bò 238 con. Những năm trước đây các hộ dân chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chuồng trại không được quy hoạch hợp lý, không có hệ thống xử lý chất thải nên đã gây tác động lớn đến môi trường xung quanh, phát sinh dịch bệnh và gây ảnh hưởng sức khỏe người dân. 

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Nam Hồng đã tích cực tuyên truyền đến nhân dân bảo vệ môi trường, trong đó các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cần có giải pháp thiết thực xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả. Mô hình xây dựng bể biogas đã mang lại hiệu quả tích cực từ khi địa phương phát động đến các hộ chăn nuôi quy mô lớn thực hiện cách xử lý chất thải vật nuôi bằng mô hình xây dựng bể biogas để tận dụng khí sinh học làm chất đốt. Tính tới nay, 100% trang trại tại địa phương thực hiện xây dựng bể biogas, tận dụng được nguồn khí làm chất đốt. 

Ông Nguyễn Văn Hiến, thôn Viên Ngoại cho biết: Thấy nhiều hộ trong thôn sử dụng bể biogas trong chăn nuôi hiệu quả nên gia đình cũng quyết định đầu tư xây dựng. Qua sử dụng nguồn khí sinh học cho thấy hiệu quả tốt, rất sạch sẽ. Chi phí đầu tư xây dựng bể biogas hết khoảng 13 triệu đồng, mặc dù khoản đầu tư ban đầu này khá lớn, nhưng nếu tính tới hiệu quả lâu dài thì rất tốt. Nhờ áp dụng chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường như đầu tư kinh phí xây bể biogas, quy hoạch chuồng chăn nuôi hợp lý, do đó đàn vật nuôi của gia đình ông Hiến không xảy ra dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường khu dân cư. Một năm gia đình còn tiết kiệm tiền mua chất đốt trên 2 triệu đồng. 

Trang trại chăn nuôi của bà Trần Thu Thủy, thôn Hồng Môn, xã Nam Cường được xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng hồ biogas vật liệu là bạt nhựa HPPE có thể tích 2.700m3. Công trình được xây dựng từ năm 2012 với nguồn kinh phí lên đến 170 triệu đồng. Hiệu quả của công trình hồ biogas đã mang lại tính cộng đồng cao khi cung cấp nguồn khí gas sinh học cho trên 30 hộ dân trong thôn cùng sử dụng phục vụ cho việc đun nấu, thắp sáng. Theo tính toán mỗi tháng đã giảm tổng chi phí về kinh tế cho các hộ dân sử dụng khí sinh học khoảng 5 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, việc phát triển mô hình xây dựng bể biogas vào sử dụng trong nhiều năm qua ở các hộ dân trong huyện Tiền Hải là giải pháp cần thiết nhằm quản lý bền vững nguồn chất thải chăn nuôi cũng như chất thải sinh hoạt tại nông thôn. Phát triển bể biogas tận dụng nguồn khí không chỉ giải quyết vấn đề năng lượng mà còn là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng dân cư. 

Hiện nay, toàn huyện Tiền Hải có khoảng trên 300 bể biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi. Ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn sử dụng các công trình bể biogas loại lớn từ 30 - 200mlắp đặt liên hoàn hoặc hồ sinh học bằng bạt nhựa HPPE có thể tích trên 2.000m3

Thời gian tới, Tiền Hải tiếp tục tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả, cách thức sử dụng mô hình bể biogas, qua đó để người dân mạnh dạn xây lắp bể biogas, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, bảo vệ môi trường tại địa phương.

Mạnh Thắng