Thứ 6, 27/12/2024, 13:06[GMT+7]

Nhờ nấm thoát nghèo

Thứ 4, 29/11/2017 | 09:09:57
802 lượt xem
Không đầu tư nhiều vốn, không tốn sức lao động, chăm sóc đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế mang lại lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm - đó là mô hình trồng nấm sạch đang được nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh áp dụng thành công, qua đó vươn lên thoát nghèo.

Anh Trương Đình Sơn, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm sò cho một số gia đình.

Cách đây 10 năm, gia đình anh Trương Đình Sơn là một trong những hộ nghèo của thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương). Cuộc sống của gia đình anh chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng nên mọi sinh hoạt hàng ngày cũng như chi phí học tập cho con cái gặp rất nhiều khó khăn. 

Năm 2007, thông qua các chương trình khuyến nông của tỉnh, anh Sơn nhận thấy nghề trồng nấm chi phí ban đầu ít, đầu ra dễ tiêu thụ, mang lại thu nhập cao nên đã mạnh dạn đầu tư trồng nấm sò. Với số vốn ban đầu chỉ 1,5 triệu đồng, anh dựng tạm một lán nhỏ và mua vài chục bịch nấm sò đóng sẵn trồng thử nghiệm. Sau khoảng thời gian từ 30 - 45 ngày anh đã được thu hoạch những mẻ nấm sò đầu tiên, lợi nhuận thu được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Hai năm sau, có thu nhập, anh mở rộng nhà xưởng, sắm máy sấy và ủ rơm, đóng bịch nấm tại gia đình nên việc trồng nấm rất thuận lợi. 

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm, anh Sơn bộc bạch: Nấm sò dễ trồng nhưng việc xây dựng nhà xưởng, chọn giống, khâu chăm sóc cũng rất tỉ mỉ. Nhà xưởng cần thoáng mát, độ ẩm cao; giống không bị nhiễm bệnh, không già hoặc không non, bảo quản giống ở nơi sạch sẽ… Sau 10 năm trồng nấm, hiện tại bình quân mỗi ngày gia đình anh thu 1 tạ nấm với giá bán tại nhà 25.000 đồng/kg, có những ngày nấm ra rộ lên đến 2 tạ nấm. Bình quân mỗi năm thu nhập từ nấm sò mang lại cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng, qua đó giúp gia đình anh thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Chưa kể, cơ sở trồng nấm của anh còn tạo việc làm cho hơn chục lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh là một trong những đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ người dân, nhất là những hộ nghèo tham gia trồng nấm. Năm 2013, mô hình trồng nấm gắn với bao tiêu sản phẩm được Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai tại Thái Bình. Trung tâm Khuyến nông tỉnh là đơn vị tiếp nhận đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 24 nhóm hộ chuyên trồng nấm tại một số địa phương trong tỉnh. 

Bà Đoàn Thị Kim Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh chia sẻ: Nghề trồng nấm đang trở thành một nghề có tiềm năng lớn không chỉ bởi vốn đầu tư thấp mà nhu cầu tiêu thụ của thị trường khá rộng bởi giá trị dinh dưỡng cao và rất an toàn. Chỉ cần một số vốn đầu từ ban đầu khoảng 5 triệu đồng và 100m2 đất để làm lán trại, trong một năm, trung bình một hộ chuyên trồng nấm ở nông thôn hiện nay có mức thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/tháng.

Để việc trồng nấm mang lại hiệu quả, công tác chuyển giao kỹ thuật rất quan trọng. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức 96 lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt cho lao động nông thôn, trong đó nghề trồng nấm chiếm 50% số lớp với gần 300 người thuộc hộ nghèo. 

Ngoài tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hàng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn phối hợp với một số sở, ngành tổ chức hàng chục buổi học tập kinh nghiệm về mô hình trồng nấm, giới thiệu các gương điển hình thoát nghèo nhờ trồng nấm cho nông dân và khuyến nông viên các địa phương trong tỉnh, từ đó ứng dụng thực tế sản xuất và nhân rộng tại địa phương. 

Năm 2017, qua việc triển khai mô hình trồng nấm gắn với bao tiêu sản phẩm tại xã Đông Hoàng (Tiền Hải), xã Thống Nhất (Hưng Hà) và nhiều địa phương khác trong tỉnh, theo tính toán chi tiết của Trung tâm Khuyến nông tỉnh với lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất 1.000kg rơm, rạ khô với tổng cộng chi phí từ nguyên liệu rơm, túi nilon, bông mút, vôi bột, giống, công lao động khoảng 2,1 triệu đồng. Sau 1 tháng cho giá trị ngày công có thể đạt 45.000 đồng/ngày giúp nhiều gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống. 

Mô hình trồng nấm ngoài mang lại giá trị kinh tế còn góp phần thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong việc đốt bỏ phế phụ phẩm trong sản xuất lúa, qua đó giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không làm ách tắc dòng chảy.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ nấm trong nước và xuất khẩu đang ngày càng được mở rộng. Do vậy, phát triển nghề sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu không chỉ tạo ra loại thực phẩm có giá trị cao mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại nông thôn.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày