Thứ 7, 23/11/2024, 03:41[GMT+7]

Nông dân Hưng Hà thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ 4, 29/11/2017 | 09:10:46
950 lượt xem
Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” được đông đảo cán bộ, hội viên Hội Nông dân huyện Hưng Hà tích cực hưởng ứng. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều hộ nông dân ở thôn An Mai, xã Thống Nhất (Hưng Hà) thu hàng trăm triệu đồng từ sản xuất vụ đông.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thọ ở thôn An Mai (Thống Nhất) là một trong những hộ đầu tiên của thôn mạnh dạn chuyển đổi hơn 6 sào đất bãi sang trồng loại cây mới cho hiệu quả kinh tế cao. 

Trước đây, mảnh đất gồ ghề, cằn cỗi nên trồng cây màu không có hiệu quả. Qua các năm, ông Thọ đưa các loại cây như táo, quýt, vải trồng thay thế nhưng vẫn chưa đạt được giá trị kinh tế như mong muốn. Sau đó, ông có cơ hội được tham quan mô hình trồng nhãn bên Hưng Yên do Hội Làm vườn tỉnh tổ chức. Sau chuyến học hỏi kinh nghiệm, ông quyết định đưa cây nhãn Hương Chi, một trong những giống nhãn nổi tiếng của Hưng Yên về trồng trên mảnh đất bãi. Năm 2002, ông cải tạo lại mảnh đất rồi trồng nhãn, chỉ sau 3 năm đã được thu quả. Thấy được ưu điểm nổi bật của giống nhãn Hương Chi, ông đã mày mò tìm cách ghép giống với cây nhãn địa phương để cung cấp cây giống cho những bà con có nhu cầu. 

Ông Thọ cho biết: Mỗi năm vườn nhãn cho thu hoạch bình quân khoảng 3 tấn quả với trị giá 60 triệu đồng; cung cấp từ 700 - 800 cây nhãn giống cho bà con các địa phương với trị giá từ 20 - 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi tận dụng diện tích đất dưới tán nhãn để trồng cây gừng và thu từ 15 - 20 triệu đồng mỗi năm từ loại cây này.

Khác với ông Thọ, nhiều hội viên nông dân trong thôn lại làm giàu trên mảnh đất hai lúa. Ông Nguyễn Thế Diêm, Bí thư Chi bộ thôn An Mai (Thống Nhất) cho biết: Nông dân trong thôn có truyền thống sản xuất cây màu vụ đông. Trong đó, cây trồng chủ lực là cây ngưu tất, một trong những cây dược liệu quý. Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa mùa, bà con lại tất bật làm đất để sản xuất vụ đông. Bình quân mỗi năm, cả thôn trồng được từ 75 - 85 mẫu cây ngưu tất, có nhiều hộ trồng từ 6 sào đến 1 mẫu ruộng. Chỉ sau ba tháng là được thu hoạch, mỗi sào cho từ 7 - 8 tạ củ, nếu bán tươi sẽ có giá thu mua từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, còn đem phơi khô có giá thu mua từ 35.000 - 80.000 đồng/kg, lá và thân cây được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Chỉ nhờ trồng cây màu vụ đông mà nhiều hộ gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhờ thi đua SXKD giỏi bằng nhiều mô hình khác nhau mà đời sống của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Hưng Hà dần được cải thiện, từng bước làm giàu và giảm nghèo bền vững. 

Ông Hoàng Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” thực sự hiệu quả, hàng năm, các cấp hội nông dân trong huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên hưởng ứng phong trào bằng những mô hình SXKD cụ thể, thiết thực. 100% cơ sở hội và chi hội tổ chức cho hội viên đăng ký phấn đấu thi đua đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Kết quả, tỷ lệ cán bộ, hội viên đăng ký danh hiệu hàng năm đạt trên 80%; qua bình xét có trên 70% trong tổng số hộ đăng ký đạt danh hiệu. Các hộ SXKD giỏi đều là những hộ nông dân tiêu biểu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trên mọi lĩnh vực; nhiều hội viên tiêu biểu được hội nông dân các cấp từ trung ương đến địa phương biểu dương, khen thưởng.

Để giúp hội viên có thêm động lực khắc phục khó khăn, vươn lên SXKD giỏi, các cấp hội nông dân trong huyện đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ như: tổ chức các lớp học nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tổ chức tham quan các mô hình sản xuất điển hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm; tổ chức tốt các hoạt động cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn ưu đãi…

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” trên địa bàn huyện Hưng Hà đã thực sự trở thành phong trào thi đua sâu rộng và đạt hiệu quả tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.

Thanh Huyền