Thứ 6, 27/12/2024, 14:13[GMT+7]

“Một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân”

Thứ 4, 29/11/2017 | 09:11:26
4,036 lượt xem
Câu nói trên đã thể hiện được tầm quan trọng của việc cày ải, phơi đất đối với sinh trưởng của cây trồng. Trong điều kiện lạm dụng phân hóa học như hiện nay, việc cày ải càng cần được chú trọng để cải tạo đất, giảm thiểu sâu bệnh trú ngụ gây hại cho cây trồng.

Nông dân Hưng Hà vệ sinh mương máng.

Từ xa xưa, cày ải, phơi đất là một trong những giải pháp kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích. Ngoài việc cải tạo hệ sinh vật trong đất, tăng lượng ô xi còn có tác dụng giải phóng khí độc có hại cho cây trồng trong đất như H2S, CH4 sản sinh do đất ngập trong nước lâu ngày, cải tạo phèn chua đồng thời tạo điều kiện cho hệ sinh vật hảo khí hoạt động làm tơi xốp đất. Mặt khác, cày ải, phơi đất còn có tác dụng diệt cỏ dại và mầm mống sâu bệnh tồn dư từ vụ mùa chuyển sang. 

Bệnh lùn sọc đen hiện đang là mối quan tâm hàng đầu trong vụ xuân tới bởi những thiệt hại nặng nề mà nó gây ra từ vụ mùa vừa qua. Vi rút truyền bệnh tồn tại trên các ký chủ phụ là cá thể sống như rầy, lúa chét, cỏ lồng vực, cây ngô. Cày ải tuy không diệt được mầm bệnh nhưng lại diệt được ký chủ phụ của bệnh đồng thời hạn chế được sự tồn tại, sinh trưởng và phát triển của côn trùng (rầy nâu, rầy lưng trắng - môi giới truyền bệnh). Do vậy, công tác làm đất, vệ sinh đồng ruộng trước khi bước vào sản xuất vụ xuân cần phải được chú trọng. 

Theo kinh nghiệm dân gian, “trăng mờ ải nỏ, trăng tỏ ải thâm”, căn cứ hình dạng trăng rằm tháng tám, vụ xuân năm nay được đánh giá là vụ được ải vì vậy các địa phương cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương huy động phương tiện, máy móc cày lật đất. Hiện tại, thời tiết đã chuyển sang mùa đông hanh khô, tuy nhiên, việc cày lật đất vẫn chưa được đẩy mạnh do ruộng vẫn còn đọng nước, đất nhão.

Là xã chịu thiệt hại nặng nề do bệnh lùn sọc đen ở vụ mùa vừa qua, vì thế, công tác làm đất, vệ sinh đồng ruộng được cấp ủy, chính quyền và nhân dân Lê Lợi (Kiến Xương) đặc biệt chú trọng. 

Ông Nguyễn Văn Ca, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Vụ mùa vừa qua, toàn bộ 406,7ha lúa của xã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, trong đó có trên 300ha bị thiệt hại từ 30% diện tích trở lên. Để chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ xuân, ngoài việc chỉ đạo bà con trồng cây màu vụ đông, Đảng ủy, UBND xã đã họp với các chủ máy làm đất, quán triệt chủ trương, kế hoạch sản xuất vụ xuân trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cày lật đất sớm; đồng thời, tuyên truyền các thôn làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương để tiêu diệt ký chủ phụ của bệnh lùn sọc đen. Hiện tại, trên đồng ruộng đất vẫn còn rất dẻo, ngay sau khi đất khô HTX sẽ huy động 47 máy làm đất các loại đồng loạt ra quân, trong 1 tuần sẽ hoàn thành cày lật đất.

Phấn đấu hoàn thành cày lật đất cho toàn bộ diện tích không gieo trồng cây màu vụ đông trước ngày 5/12, huyện Hưng Hà đã xây dựng cơ chế khuyến khích các địa phương, hỗ trợ 15 triệu đồng/xã, thị trấn cày lật đất xong trước ngày 30/11; hỗ trợ 10 triệu đồng/xã, thị trấn cày lật đất xong trước ngày 5/12. Tuy nhiên, do thời tiết có mưa những ngày qua khiến đất ướt, dẻo, tiến độ làm đất chậm lại. Đến nay, toàn huyện mới cày lật được khoảng 2.000ha trong tổng số khoảng 4.000ha không gieo trồng cây màu vụ đông, là một trong những địa phương có tiến độ làm đất nhanh của tỉnh.

Theo đề án, thời vụ gieo mạ xuân năm 2018 sẽ xoay quanh tiết Lập xuân (từ ngày 1 - 8/2/2018), kết thúc cấy trước ngày 25/2/2018. Thời gian chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân còn khá dài. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, lơ là, các địa phương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, máy móc tham gia cày đất để ải và bảo đảm cho ruộng cày ải để đất khô, nhất là ở những khu đồng không trồng cây màu vụ đông. Đối với những ruộng đang trồng cây màu vụ đông sau khi thu hoạch xong cũng phải tiến hành cày ải đất luôn. Riêng vùng đất trũng, thường xuyên ngập nước thực hiện làm dầm, cày bừa sớm, ngâm dầm ngấu.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày