Thứ 7, 28/12/2024, 04:09[GMT+7]

Đi đến tận cùng vấn đề đại biểu chất vấn Nóng vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ 4, 29/11/2017 | 15:53:06
1,201 lượt xem
Tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVI, 14 đại biểu chất vấn 18 câu hỏi đối với thủ trưởng 9 ngành, đơn vị. Ngay sau kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các ngành, đơn vị thực hiện lời hứa, các ngành liên quan cùng phối hợp giải quyết vấn đề đại biểu, cử tri nêu; đồng thời giám sát việc thực hiện lời hứa được chất vấn. Đến nay, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc mà đại biểu chất vấn đã được các ngành, đơn vị chủ động rà soát, giải quyết.

Xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Để làm rõ từng vấn đề, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đáp ứng yêu cầu của đại biểu và cử tri.

Nóng vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVI, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cử tri và các đại biểu. Đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất về 5 nội dung thuộc lĩnh vực ngành quản lý; trong đó 3 vấn đề lớn đó là: hỗ trợ các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới; việc hoàn trả 10% vốn đối ứng của các hộ dân đối với các công trình nước sạch thuộc dự án WB chuyển nhượng; chất lượng các tàu 67 đã đóng và việc hỗ trợ ngư dân đóng mới và cải hoán tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVI, đại biểu Đặng Văn Dũng (tổ Đông Hưng) đã chất vấn đồng chí về vai trò tham mưu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với UBND tỉnh để có cơ chế hỗ trợ gì cho các xã khó khăn hoàn thành các tiêu chí cơ bản trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Vậy Sở đã thực hiện nhiệm vụ  đó như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Dụng: Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đôn đốc các địa phương chuẩn bị các điều kiện, làm thủ tục gửi Văn phòng Điều phối xây dựng NTM của tỉnh để Văn phòng tổng hợp trình UBND tỉnh hỗ trợ xi măng thực hiện các công trình nhóm 1 cho các xã chưa về đích theo nhu cầu của các địa phương. Từ đầu năm 2017 đến ngày 20/10/2017 đã cấp xi măng cho các xã chưa về đích là 25.569,3 tấn. Sở cũng đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2135 ngày 9/8/2017 về việc phân bổ chi tiết vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; trong đó hỗ trợ hạ tầng xây dựng phát triển cánh đồng lớn cho 17 xã chưa về đích với 21.495m đường giao thông nội đồng và 7.400m kênh cấp 1 loại 3. Đến ngày 20/10/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định và đang triển khai thực hiện việc hỗ trợ xây dựng hệ thống kênh mương bằng loại kênh đúc sẵn theo danh mục được phê duyệt.

Sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2569 ngày 29/9/2017 quy định Bộ tiêu chí về xã NTM và cách đánh giá Bộ tiêu chí về xã NTM; trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông NTM; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Sở đã ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện Quyết định số 2569 của UBND tỉnh gửi các huyện, thành phố; tham mưu với  UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 363 ngày 10/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương hỗ trợ đầu tư xây dựng NTM năm 2017; theo đó các xã mới được công nhận hoàn thành tiêu chí xã NTM, không có nợ đọng xây dựng cơ bản, mức hỗ trợ là 3 tỷ đồng.

Phóng viên: Thưa đồng chí, với câu hỏi của đại biểu Phạm Minh Kha (tổ Vũ Thư) về việc hoàn trả 10% vốn đối ứng của các hộ dân đối với công trình nước sạch thuộc dự án WB chuyển nhượng cho doanh nghiệp của Công ty Cổ phần (CP) Bitexco Nam Long đến nay đã giải quyết như thế nào?

Đồng chí Phạm Văn Dụng: Ngày 18/8/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp với các xã tham gia dự án WB (52 xã) và Công ty CP Bitexco Nam Long để thống nhất phương án hoàn trả 10% vốn đối ứng của các hộ dân. Theo đó, phương thức hoàn lại vốn đã góp đối ứng cho các hộ dân dưới hình thức khấu trừ thông qua việc chiết giảm giá nước sạch tiêu thụ của các hộ theo đúng quy định của UBND tỉnh.

Sở cũng đã ban hành công văn đề nghị các xã nộp danh sách các hộ dân đã đóng góp vốn đối ứng cho Công ty CP Bitexco Nam Long và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn chậm nhất vào 30/9/2017 để Công ty làm căn cứ xây dựng kế hoạch hoàn trả vốn đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, đến ngày 20/10/2017, Công ty CP Bitexco Nam Long mới chỉ nhận được danh sách của 13 xã; các xã còn lại vẫn đang thực hiện rà soát, đối khớp số liệu trong danh sách.

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đôn đốc các xã còn lại nộp danh sách các hộ đã đóng góp vốn đối ứng cho Công ty CP Bitexco Nam Long và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn để Công ty làm căn cứ hoàn trả vốn đóng góp của nhân dân. Hiện Công ty CP Bitexco Nam Long đã lên phương án hoàn trả vốn đóng góp cho nhân dân đối với những xã đã cung cấp danh sách các hộ dân đã góp vốn đối ứng. Dự kiến bắt đầu từ tháng 12/2017, Công ty sẽ thực hiện việc hoàn trả vốn đóng góp cho nhân dân 13 xã đã cung cấp danh sách, các xã còn lại dự kiến thực hiện từ năm 2018.

Phóng viên: Đại biểu Nguyễn Sỹ Tạo (tổ Thái Thụy) đã chất vấn đồng chí về tình trạng các tàu 67 đã đóng chất lượng, hiệu quả khai thác thế nào; nguyên nhân việc triển khai đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản chậm và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đóng tàu cho ngư dân trong thời gian tới. Đến nay, kết quả giải quyết vấn đề này như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Dụng: Tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVI, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo về chất lượng các tàu 67 đã đóng được bảo đảm, hoạt động của các chủ tàu được đánh giá là có hiệu quả tốt. Nguyên nhân của việc đóng tàu chậm và đạt kết quả thấp chủ yếu là do nhu cầu, năng lực, đặc biệt là năng lực tài chính của ngư dân chưa tốt. Về phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, các ngành có liên quan và các địa phương cần tập trung vào việc tuyên truyền, giới thiệu nội dung cơ chế, chính sách của Nghị định 67, Quyết định 47 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67, tạo điều kiện cho ngư dân đăng ký đóng mới tàu cá; thẩm định nhanh và tạo điều kiện để ngư dân được vay vốn và được hưởng cơ chế, chính sách theo quy định.

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Thái Thụy, Tiền Hải tiếp tục tuyên truyền nội dung của Nghị định 67, Quyết định 47 của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền về khai thác thủy sản đúng vùng tuyến, đặc biệt là tránh việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, xâm phạm vùng biển nước ngoài. Sở cũng tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đóng mới các tàu cá theo Nghị định 67, phê duyệt danh sách chủ tàu đăng ký đóng mới tàu cá; phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh, UBND huyện Thái Thụy thẩm định hồ sơ hỗ trợ một lần tàu cá sau đóng mới. Như vậy, việc triển khai cơ chế hỗ trợ theo Nghị định 67 và Quyết định 47 của Thủ tướng Chính phủ đến nay tỉnh Thái Bình có 14 tàu đã và đang đóng mới thuộc đối tượng được hưởng cơ chế chính sách, trong đó từ tháng 7 đến nay có 2 hộ ngư dân đăng ký đóng mới.

Tàu của ngư dân Thái Bình  được đóng mới theo Nghị định số 67 của Chính phủ.

Liên quan đến việc cho ngư dân đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67, đồng chí Đinh Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết:

Đến tháng 9/2017, các ngân hàng thương mại đã tham gia chương trình cho vay 8 tàu (4 tàu đánh bắt, 4 tàu dịch vụ). Huyện Thái Thụy có 19 tàu được phê duyệt, đã cho vay 4 tàu, 3 chủ tàu xin rút không tham gia, 2 chủ tàu đề nghị lùi thời gian thực hiện, 4 chủ tàu rút hồ sơ vay vốn chưa gửi lại hồ sơ, 6 chủ tàu ngân hàng từ chối cho vay do không đủ điều kiện.Sau kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVI, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tham gia chương trình chủ động rà soát, hướng dẫn các chủ tàu cơ chế, chính sách, nhất là quy định về điều kiện tham gia chương trình, mức cho vay, lãi suất, điều kiện vay vốn, điều kiện được hưởng hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ thuế. Cán bộ các ngân hàng cũng trực tiếp xuống gặp các chủ tàu tư vấn lập phương án đầu tư, huy động nguồn vốn thực hiện; đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định số 67 của tỉnh, 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, đôn đốc các chủ tàu vay vốn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo cam kết.

Đến nay, ngoài 8 chủ tàu đã được vay vốn, hoàn thành đóng mới và đưa vào hoạt động theo Nghị định 67, các ngân hàng thương mại đang thẩm định, hoàn thiện hồ sơ thực hiện đóng mới 2 tàu cá. Tuy nhiên, do chính sách hiện nay quy định thực hiện cho vay theo Nghị định 67 đến hết ngày 31/12/2017 (chỉ phần dư nợ giải ngân đến hết ngày 31/12/2017 mới được hỗ trợ lãi suất, phần dư nợ giải ngân sau ngày 31/12/2017 áp dụng lãi suất thông thường; trong khi việc đóng mới tàu cá thường kéo dài 9-12 tháng, rải ngân vay vốn theo tiến độ), Chính phủ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67 nên các ngân hàng thương mại và chủ tàu đang chờ chính sách mới ban hành để tiếp tục thực hiện.

Để tiếp tục thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị Trung ương sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67; chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ ngành Ngân hàng tuyên truyền, vận động, đôn đốc các chủ tàu đang vay vốn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng theo cam kết, góp phần thực hiện tốt Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh.

(Còn nữa)

Nguyễn Hình – Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày