Thứ 3, 24/12/2024, 08:43[GMT+7]

Thanh toán không dùng tiền mặt: Để mọi người dân cùng sử dụng dịch vụ (Kỳ 2)

Thứ 5, 07/12/2017 | 09:09:10
1,168 lượt xem
Mặc dù có nhiều tính năng tiện ích nhưng việc phát triển TTKDTM trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn chậm, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán còn khá phổ biến, tỷ lệ TTKDTM/tổng doanh số thanh toán năm 2016 qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 76,9% (đứng thứ 8/9 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng) trong khi tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 88,5%.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội chi nhánh Thái Bình.

Kỳ 2: Còn nhiều khó khăn trong phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, dịch vụ TTKDTM trên địa bàn tỉnh mới chỉ được tập trung chủ yếu ở bốn ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước chi phối, chiếm 85,3% doanh số TTKDTM toàn địa bàn. 

Bà Phạm Thị Thùy An, Phó Trưởng phòng Kế toán Vietcombank Chi nhánh Thái Bình cho biết: Để tăng doanh số TTKDTM, Vietcombank Chi nhánh Thái Bình đã phát triển thêm nhiều tính năng sản phẩm, tăng cường quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn trong giao dịch, bảo mật thông tin, đặc biệt là với các giao dịch ngân hàng điện tử. Bên cạnh đó, Chi nhánh còn ký thỏa thuận phối hợp thu ngân sách với Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế thành phố, Chi cục Hải quan trong việc thu nộp thuế hải quan điện tử; thanh toán tiền điện, nước và lương qua tài khoản; tích cực mở rộng và phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhập thẻ rộng khắp tại hầu hết các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn và các cửa hàng lớn trên địa bàn… nhằm tạo điều kiện cho khách hàng trong việc thanh toán các loại hình dịch vụ đã sử dụng. Mặc dù thuộc tốp bốn ngân hàng có doanh số TTKDTM chiếm tỷ lệ cao nhất so với các TCTD khác trên địa bàn tỉnh nhưng đến ngày 31/10, doanh số TTKDTM của Vietcombank Chi nhánh Thái Bình mới chỉ chiếm 74% tổng doanh số thanh toán. Đối với nhóm ngân hàng không có vốn nhà nước chi phối và Ngân hàng Hợp tác xã do quy mô hoạt động còn nhỏ nên dịch vụ TTKDTM đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm hơn 6% tổng doanh số TTKDTM trên địa bàn.

Sở dĩ dịch vụ TTKDTM trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa được phổ biến là do thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch mua bán, thanh toán của đại đa số người dân còn phổ biến, việc thay đổi tập quán, thói quen này đòi hỏi phải có thời gian và sự phát triển đồng bộ của nhiều yếu tố (quy định pháp lý, cơ sở hạ tầng, phí…). Mặt khác, các dịch vụ TTKDTM liên quan đến khoa học kỹ thuật hiện đại, đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ hiểu biết nhất định, dẫn đến tâm lý e ngại của người dân khi sử dụng dịch vụ. Thu nhập của đại bộ phận dân cư còn thấp, nhất là dân cư khu vực nông thôn cũng là một yếu tố gây trở ngại không nhỏ đến việc phát triển dịch vụ TTKDTM trên địa bàn tỉnh. 

Anh Hà Văn Hoàng (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình) cho biết: Hàng tháng, tôi chỉ ra máy ATM rút tiền một lần sau khi có tin nhắn báo lương đã được “đổ” về tài khoản. Ngoài rút tiền lương tôi chưa từng thực hiện một giao dịch nào khác bởi lương công nhân của tôi không đáng là bao, các khoản chi tiêu của gia đình tập trung chủ yếu vào các nhu cầu thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày chứ không phải là mua sắm tại trung tâm thương mại, siêu thị và các cửa hàng kinh doanh lớn - nơi phần lớn máy POS được các ngân hàng lắp đặt để thanh toán qua thẻ. 

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, các TCTD đã lắp đặt 140 máy ATM, 422 máy POS nhưng đa phần các máy đều được lắp đặt ở trung tâm thành phố và các thị trấn, thị tứ còn đối với các xã ở vùng sâu, vùng xa thì hầu như không có. 

Ngay như huyện Đông Hưng gần kề với thành phố, toàn huyện cũng chỉ có 13 máy ATM và 13 máy POS - là huyện có số lượng máy ATM cao nhất tỉnh; còn đối với huyện  xa trung tâm như Quỳnh Phụ thì cả huyện chỉ có 5 máy ATM và 3 máy POS. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế việc sử dụng dịch vụ TTKDTM trong nhân dân.

Bên cạnh những khó khăn do thói quen người sử dụng và mạng lưới cung cấp máy ATM, máy POS còn chưa đồng đều, việc phát triển dịch vụ TTKDTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều hạn chế như: các ngân hàng thương mại phải đầu tư chi phí lớn để phát triển dịch vụ TTKDTM (máy móc, thiết bị, công nghệ, hệ thống điện, đường truyền viễn thông, chi phí nhân sự, vận hành, bảo dưỡng…) trong khi nguồn thu từ các dịch vụ này còn rất thấp, thậm chí ngân hàng phải miễn, giảm phí để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ; các đơn vị ký hợp đồng triển khai dịch vụ TTKDTM chưa quan tâm triển khai thực hiện, không thực hiện thanh toán qua thẻ do phải chịu phí và kê khai thuế, thậm chí có đơn vị còn yêu cầu người mua hàng phải trả phí dịch vụ trong khi đó quy định người mua hàng không phải trả bất kỳ một loại phí nào khi sử dụng hình thức thanh toán qua POS. 

Bên cạnh đó, việc tra soát, giải quyết khiếu nại của khách hàng có lúc còn chậm, nhất là tra soát các giao dịch không cùng hệ thống; đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành các điểm cung ứng dịch vụ thanh toán còn mỏng, có lúc, có nơi xảy ra tình trạng quá tải vào giờ cao điểm, dịp lễ, tết; giải quyết khiếu nại của khách hàng, tiếp quỹ, xử lý, khắc phục sự cố chưa kịp thời (do địa bàn đặt máy xa trụ sở ngân hàng)… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ TTKDTM, từ đó chưa khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ. 

Công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền, quảng bá dịch vụ TTKDTM cũng còn hạn chế, đa số người dân chưa nắm rõ thông tin về cơ chế, chính sách, các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM. Việc phối hợp với các sở, ngành cung cấp dịch vụ công, đơn vị cung ứng dịch vụ sinh hoạt có thu phí trên địa bàn (điện, nước, điện thoại, viễn thông, bảo hiểm…) phần lớn không thực hiện được do không đạt được thỏa thuận giữa hai bên.

Minh Hương


Ông Đào Viết Thuận, Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Thụy Văn (Thái Thụy)

Mặc dù hoạt động rất gần dân, sát dân nhưng từ khi thành lập đến nay lượng khách hàng giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Thụy Văn (Thái Thụy) có sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt rất ít, chủ yếu là một bộ phận doanh nghiệp và các hộ kinh doanh thanh toán hóa đơn mua hàng với nhà sản xuất và phân phối. Doanh thu từ dịch vụ này chỉ đạt trung bình từ 1,5 - 2 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, Quỹ còn làm đại lý của Western Union tại Việt Nam qua Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh Thái Bình với trung bình từ 50 - 60 giao dịch/tháng.

Ông Đào Quang Phục, xã Điệp Nông (Hưng Hà)  

Là gia đình thuần nông, thu nhập rất thấp nên tôi không có nhu cầu mở tài khoản tại ngân hàng. Mỗi lần chuyển tiền cho con đi học, tôi đều ra Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Hưng Hà bởi thủ tục rất đơn giản, cán bộ hướng dẫn tận tình. Đối với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tôi lại càng không sử dụng bởi những người nông dân như tôi chủ yếu là sản xuất tự cung, tự cấp; chỉ mua sắm một số vật dụng khi cần thiết nhưng không đáng kể.