Thứ 3, 24/12/2024, 08:41[GMT+7]

Thanh toán không dùng tiền mặt: Để mọi người dân cùng sử dụng dịch vụ (Tiếp theo và hết)

Thứ 6, 08/12/2017 | 08:39:00
640 lượt xem
Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của việc phát triển TTKDTM đối với toàn bộ nền kinh tế cũng như với hệ thống ngân hàng và với từng người dân. Khi TTKDTM được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ tạo ra sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần có sự vào cuộc tích cực và đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn tỉnh.

Kỳ 3: Giải pháp căn cơ và đồng bộ

Để huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2453/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 phê duyệt đề án đẩy mạnh TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 và Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 trong đó đặt ra các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ cao hơn nhằm phát triển TTKDTM trong giai đoạn 2016 - 2020. 

Hiện thực hóa chỉ đạo của cấp trên, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã  xây dựng kế hoạch triển khai toàn địa bàn, trong đó tập trung chỉ đạo từng đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là các sản phẩm TTKDTM thông qua tài khoản ngân hàng, chuyển khoản qua thẻ ATM, thanh toán qua POS, các dịch vụ thu hộ, chi hộ cho các tổ chức kinh tế và cá nhân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh còn chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện rà soát dịch vụ trả lương qua tài khoản đối với tất cả các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trên địa bàn; tăng cường đầu tư, lắp đặt các thiết bị giám sát, nâng cao tính bảo mật cho khách hàng; nâng cao chất lượng hoạt động máy ATM, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán liên thông qua máy ATM giữa các ngân hàng; đồng thời, thành lập ban chỉ đạo phát triển thanh toán POS trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các TCTD trên địa bàn tỉnh còn chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu cơ chế, chính sách, chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh TTKDTM trong nền kinh tế; hướng dẫn khách hàng thực hiện giao dịch qua máy ATM, máy POS một cách an toàn, thuận tiện.

Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian tới, ngành Ngân hàng cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và sự phối hợp tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; thí điểm quy định thu tiền sử dụng điện qua thẻ ATM đối với khách hàng là cán bộ, công chức sinh sống và làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Bình sau đó sẽ triển khai thực hiện trên toàn tỉnh, đồng thời mở rộng triển khai đối với tiền nước, học phí, viện phí…
         Ông Đinh Ngọc Thạch
 (Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh) 
      


Từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu tỷ trọng TTKDTM/tổng doanh số thanh toán chiếm khoảng 90%; doanh số TTKDTM giai đoạn 2017 - 2020 tăng bình quân 20%/năm; các TCTD lắp đặt 200 máy ATM (tăng 65 máy so với năm 2016), 750 máy POS (tăng 415 máy so với năm 2016); 100% cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước và 500 doanh nghiệp thực hiện trả lương qua tài khoản; 80% trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn và cơ sở phân phối hiện đại tại thành phố Thái Bình có thiết bị chấp nhận thẻ; 80% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền hình, giáo dục, y tế (công lập) khu vực thành phố Thái Bình thu phí dịch vụ bằng hình thức TTKDTM. 

Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, các TCTD tập trung nghiên cứu, lựa chọn và triển khai các dịch vụ thanh toán ngân hàng hiện đại phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu của khách hàng trên địa bàn, đẩy mạnh phát hành các loại thẻ thanh toán, giúp khách hàng quen dần với việc thanh toán qua thẻ, qua internet; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, trung tâm cung ứng dịch vụ, hàng hóa phục vụ tiêu dùng để ký kết, lắp đặt POS. 

Bên cạnh đó, các TCTD cũng đầu tư, lắp đặt các máy ATM theo hướng ưu tiên địa bàn các huyện và khu vực nông thôn, điều hòa mạng lưới ATM để tận dụng nguồn lực của toàn hệ thống, khai thác hiệu quả máy ATM, tăng cường cử cán bộ, nhân viên tiếp cận các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp để giới thiệu, triển khai dịch vụ TTKDTM, từ đó thu hút ngày các đông các tổ chức và cá nhân sử dụng dịch vụ. 

Về phí dịch vụ, các TCTD nghiên cứu loại bỏ các thủ tục không cần thiết, tiết giảm chi phí nghiệp vụ, tạo điều kiện để giảm phí giao dịch TTKDTM, đồng thời tăng phí rút tiền mặt nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân thực hiện TTKDTM. Ngoài ra, các TCTD cũng tăng cường sự phối hợp với các sở, ngành chức năng và các huyện, thành phố trong việc lồng ghép nội dung phát triển TTKDTM vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương…


  • Tổng doanh số thanh toán qua hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 - 2017 ước đạt 2.718.484 tỷ đồng, bình quân ước đạt 388.355 tỷ đồng/năm; trong đó thanh toán không dùng tiền mặt ước đạt 2.021.171 tỷ đồng
  • Đến cuối năm 2017, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã ký hợp đồng thực hiện trả lương qua tài khoản cho gần 1.600 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp (trong đó có 1.359 cơ quan hành chính sự nghiệp) với gần 278.000 lao động nhận lương qua tài khoản.

Tại buổi làm việc của UBND tỉnh với ngành Ngân hàng, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: TTKDTM là hình thức thanh toán phổ biến trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng, rửa tiền. Do đó, các ngành, các địa phương và các tổ chức, cá nhân cần nghiêm túc triển khai thực hiện; trong đó, tập trung cao cho công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách, quy định về hoạt động thanh toán, TTKDTM, thanh toán bằng tiền mặt đến doanh nghiệp và nhân dân; cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc tích cực nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc thanh toán các khoản chi phí giao dịch cơ bản phải thông qua giao dịch của ngân hàng. 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động nâng cao khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, tăng cường tiện ích và bảo đảm an ninh tiền tệ; có chính sách hỗ trợ công bằng, quan tâm đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch qua ngân hàng.

Minh Hương