Chủ nhật, 24/11/2024, 16:29[GMT+7]

Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI: Chất vấn nhiều vấn đề nóng

Thứ 6, 08/12/2017 | 18:43:16
769 lượt xem
Sáng ngày 8/12, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVI đã tổ chức phiên chất vấn – đây là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri toàn tỉnh tại kỳ họp. 20 vấn đề được đại biểu đăng ký chất vấn, 8 vấn đề chất vấn tại hội trường đều là những vấn đề nóng liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề dân sinh.

Đại biểu tham dự phiên chất vấn.

Cần có giải pháp quyết liệt giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản

Đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hường (tổ thành phố Thái Bình) đã chất vấn đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính về nguyên nhân, các giải pháp, kế hoạch cụ thể của ngành giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản. 

Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính thông tin: Đến ngày 30/9/2017, nợ đọng xây dựng cơ bản cấp tỉnh là 3.362.648 triệu đồng, cấp huyện là 348.648 triệu đồng (trung bình 43,5 tỷ đồng/huyện), cấp xã là 1.240.179 triệu đồng. Nguyên nhân phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản cấp tỉnh là do khi triển khai thực hiện dự án, số vốn ngân sách trung ương được các bộ, ngành thẩm định chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, số vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu giảm 1.709.072 triệu đồng so với thông báo đầu năm 2016; do đó, thanh toán nợ xây dựng cơ bản của ngân sách cấp tỉnh giảm, dẫn đến phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Năm 2017, các dự án BT (trả bằng tiền) của tỉnh đã hoàn thành và được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán giá trị công trình hoàn thành, theo quy định của Bộ Tài chính, khi Dự án BT hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng thì sẽ phát sinh nghĩa vụ thanh toán hợp đồng. Sau khi cân đối với kế hoạch vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 bố trí cho các dự án giai đoạn 2018 - 2020 thì cả 2 dự toán BT đều đã hết hạn mức vốn bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ. Do đó, nợ xây dựng cơ bản của 2 dự án được tổng hợp vào nợ xây dựng cơ bản của ngân sách tỉnh, làm tăng đột biến nợ xây dựng cơ bản ngân sách cấp tỉnh tính đến thời điểm 30/9/2017 với giá trị nợ xây dựng cơ bản tăng thêm 2.302.318 triệu đồng.


Đại biểu Nguyễn Thị Hường (tổ thành phố Thái Bình)

Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính đã thông tin cụ thể về phương án, kế hoạch xử lý nợ xây dựng cơ bản cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Dự kiến đến hết năm 2018 sẽ cơ bản xử lý được nợ đọng xây dựng cơ bản của cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với cấp xã trong thời gian tới, cần tăng cường công tác quản lý đầu tư công của cấp xã, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng nông thôn mới, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản thì dự kiến đến hết năm 2018 cơ bản kiểm soát được nợ đọng xây dựng cơ bản của cấp xã.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhu cầu vốn xây dựng cơ bản liên tục tăng cao, để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, đòi hỏi có nhiều biện pháp quyết liệt hơn từ các ngành và cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đó là: Lập lại trật tự kỷ cương trong xây dựng cơ bản; thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý nợ đọng; thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công và các quy định  của trung ương, của tỉnh không để phát sinh nợ đọng; nâng cao trách nhiệm của các ngành chức năng trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư  theo hình thức đối tác công tư…

Việc mua sắm tập trung thực hiện đúng quy định


Đại biểu Nguyễn Thị Lụa (tổ Vũ Thư)

Đối với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lụa (tổ Vũ Thư) về những bất cập trong thực hiện mua sắm tập trung theo chủ trương của tỉnh, giá đấu thầu, chất lượng hàng hóa,?, đồng chí Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Mỗi năm Thái Bình tổ chức mua sắm tập trung 1 lần. Sở Tài chính đã có hướng dẫn mua sắm tập trung, tổ chức cho các đơn vị đăng ký 2 lần/năm. Ngoài ra, Sở cũng tham mưu với UBND tỉnh cho phép các đơn vị được mua sắm theo các thỏa thuận khung mua sắm tập trung đã ký giữa Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính thuộc Sở Tài chính với nhà thầu cung cấp.

Về danh mục mua sắm tập trung: Chỉ thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức tập trung đối với các tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung đúng theo các quyết định của Chính phủ và của UBND tỉnh. Việc tổ chức đấu thầu được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Năm 2016-2017 đã tổ chức thực hiện mua sắm tập trung 12 gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa; về giá đã giảm 8,43% so với giá trị dự toán các đơn vị đề nghị, giảm 2,21% so với giá trị dự toán gói thầu được phê duyệt. Về chất lượng hàng hóa: Qua kiểm tra tại 176 đơn vị, các đơn vị đều tiếp nhận tài sản đúng hợp đồng đã ký kết. Đến nay, Sở Tài chính chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào của đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản về chất lượng của các sản phẩm mua sắm là không bảo đảm.

Sẽ bổ sung các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp để nuôi trồng thủy sản

Đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Tô Quý Bôn (tổ Tiền Hải) khi thành lập Khu Kinh tế Thái Bình thì việc quy hoạch lại các phân khu kinh tế của hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy có ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy, hải sản hiện nay không? Ý kiến của ngành về vấn đề này? Đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Khu Kinh tế Thái Bình được thành lập theo Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg ngày 29/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích trên 30.583ha là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành với 7 phân khu khác nhau, trong đó có kết hợp lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2602/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó ưu tiên cho phát triển công nghiệp. Về nuôi trồng thủy sản mặn, lợ: mục tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi thủy sản nước mặn 4.100ha, nước lợ 3.120ha, đến năm 2025 diện tích nuôi thủy sản nước mặn là 4.100ha, nước lợ 2.890ha; đến năm 2030, diện tích nuôi thủy sản nước mặn là 4.100ha, nước lợ 2.640ha. Như vậy việc thành lập Khu Kinh tế Thái Bình với quy hoạch phân khu chức năng và tổ chức thực hiện sẽ ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, hải sản hiện nay, đặc biệt là các vùng nuôi tôm. Với định hướng ưu tiên phát triển công nghiệp để tận dụng lợi thế, tiềm năng về nguồn khí thiên nhiên, nguồn nguyên liệu liên kết các khu công nghiệp trong vùng thì các quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt nói trên đã nghiên cứu tính toán đến vấn đề đó. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chung khu kinh tế, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới tiến đến bước xây dựng Đồ án quy hoạch chi tiết quy hoạch phân khu. Để khắc phục vấn đề trên, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu trong giai đoạn phân khu chức năng sao cho giảm thiểu ảnh hưởng đến các vùng nuôi trồng thủy, hải sản và rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm.

Đại biểu Tô Quý Bôn (tổ Tiền Hải).

Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án giết mổ tập trung

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Huy Đông (tổ Hưng Hà) việc thực hiện Đề án giết mổ tập trung, đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm qua, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức 45 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ cho 2.300 lượt người, in ấn, cấp phát 24.000 tờ rơi tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ; thường xuyên kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ; kiểm tra và cấp giấy xác nhận kiến thức cho 35 người là chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia giết mổ. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe tiến độ, đề xuất giải pháp để triển khai đề án quy hoạch và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu các năm 2017-2018 hình thành 01 khu giết mổ tập trung quy mô  lớn và xây dựng được từ 2-3 điểm giết mổ quy mô xã. Thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư, Sở đã giới thiệu và trình UBND tỉnh ký giấy chấp thuận nghiên cứu đầu tư nhà máy giết mổ tập trung gia súc, gia cầm với quy mô đầu tư 30 tỷ đồng của liên doanh Công ty Lam Sơn và Công ty Xuất nhập khẩu Thực phẩm Thái Bình, thí điểm tại thành phố Thái Bình sau đó mở rộng ra tất cả các huyện. Đến nay, toàn tỉnh đã nâng cấp được 15 cơ sở giết mổ đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, dự kiến năm 2018 sẽ hỗ trợ nâng cấp thêm cho 18 cơ sở giết mổ.

Đại biểu Vũ Huy Đông (tổ Hưng Hà)

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở giết mổ và trách nhiệm của chính quyền cơ sở, cơ quan thực thi pháp luật bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đôn đốc các địa phương khẩn trương bố trí đất xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ hợp lý theo từng dự án và ban hành quy định quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn; thực hiện đồng bộ các đề án trong chăn nuôi; chỉ đạo sản xuất chăn nuôi theo chuỗi, có liên kết hình thành các vùng nguyên liệu cung cấp cho giết mổ tập trung.

Hỗ trợ người chăn nuôi lợn giảm bớt khó khăn

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Tâm (tổ Kiến Xương)

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thanh Tâm (tổ Kiến Xương) về giải pháp tham mưu của ngành cho UBND tỉnh để giúp người chăn nuôi lợn giảm khó khăn, đồng thời đạt tăng trưởng năm 2018, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tình hình chăn nuôi lợn năm 2017 người chăn nuôi bị thua lỗ nặng đúng như đại biểu phản ánh. Nguyên nhân do giá lợn hơi ở mức thấp, mất cân bằng cung-cầu, không chủ động được thị trường, người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn lợn... Với giá bán thịt lợn tháng 4 - tháng 5/2017, người chăn nuôi lợn lỗ khoảng 1 triệu đồng/con. Để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi lợn, tháng 4/2017, Sở đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình và đề ra một số biện pháp như: tuyên truyền người dân tăng cường sử dụng thịt lợn; ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ đối với chủ chăn nuôi với số vốn 30 tỷ đồng; ngành Công Thương tăng cường thông tin về thị trường; ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ theo quy định, định hướng quản lý chặt không để tăng quy mô đàn lợn, tham mưu cho UBND tỉnh chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư chăn nuôi mới, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Khuyến khích hỗ trợ thực hiện liên kết nông dân với nông dân thông qua HTX, tổ hợp tác, các hội, kết nối người sản xuất với doanh nghiệp cung cấp đầu vào của chuỗi sản xuất để giảm giá thành. Chú trọng phát triển chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi hữu cơ; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang trang trại, gia trại... Thực hiện kết nối thông tin thị trường với Cục Chế biến - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để năm 2018, chăn nuôi tăng 3,4% so với năm 2017, ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo các giải pháp thực hiện quy mô đàn lợn đạt khoảng 980,5 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 204 nghìn tấn, tăng 1,2% so với năm 2017; tổng đàn trâu bò ước đạt 55,7 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 7.613 tấn, tăng 7,6% so với năm 2017; tổng đàn gia cầm ước đạt 12,3 triệu con tăng 4,2% so với năm 2017, giá trị sản phẩm gia cầm ước đạt 2.808 tỷ đồng. Tổng giá trị ngành chăn nuôi năm 2018 ước đạt 9.685 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2017.

Cần làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với các dự án BOT, BT

Đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Mạnh Hà (tổ Kiến Xương) quan điểm của ngành về công tác quản lý nhà nước, cơ chế chính sách, tính hiệu quả của một số dự án BOT, BT và giải pháp thực hiện tốt hơn các dự án đầu tư theo hình thức này, đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để thực hiện chủ trương xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhu cầu vốn đăng ký đầu tư cho giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh là rất lớn (khoảng 166.500 tỷ đồng), trong đó khả năng cân đối từ nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 11.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 6,6% nhu cầu về vốn đầu tư. Trong điều kiện ngân sách nhà nước rất khó khăn, việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo hình thức hợp đồng BOT, BT là cần thiết, phù hợp với quy định của Chính phủ.

Đại biểu Bùi Mạnh Hà (tổ Kiến Xương)

Theo đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai 27 dự án đầu tư theo hình thức BOT và BT với tổng vốn đầu tư 17.976,6 tỷ đồng và 7 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương cho nghiên cứu lập đề xuất dự án. Khi các dự án này triển khai thực hiện sẽ huy động được một nguồn vốn rất lớn (khoảng 17.976,6 tỷ đồng) để đầu tư phát triển, giảm gánh nặng đầu tư công, đồng thời góp phần tạo một hệ thống hạ tầng kết cấu đồng bộ, hiện đại, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Về cơ chế thực hiện dự án được thực hiện đúng theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị định số 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Nghị định số 35 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu. Về quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ quy trình đầu tư từ khâu lựa chọn danh mục dự án để giao đơn vị lập đề xuất dự án.

Để triển khai thực hiện hiệu quả đối với các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT trong thời gian tới, các ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu từng ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị phải chủ động rà soát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đề xuất danh mục đầu tư công, danh mục công trình huy động vốn theo hình thức đối tác công tư. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng khẩn trương rà soát quy hoạch và công khai danh mục quỹ đất các địa phương để đối ứng cho nhà đầu tư, điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp. Giao Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu thí điểm xác định giá sàn của các khu đất đối ứng là cơ sở để tổ chức đấu giá. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh mục dự án. Các huyện, thành phố chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị rà soát kế hoạch, quy hoạch phát triển phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để đề xuất dự án và đề xuất các quỹ đất đối ứng thanh toán cho dự án.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Huy Đông (tổ Hưng Hà) về lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, BOT, đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định lợi ích đối với nhà nước rất lớn, sẽ huy động nguồn lực chủ yếu trong xã hội giúp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Còn đối với các nhà đầu tư khi tham gia thực hiện các dự án cũng đã tính toán rất kỹ về lợi nhuận thu được, đồng thời se tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Giải quyết tình trạng thiếu biên chế trong các trường mầm non công lập

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Giám đốc Sở Nội vụ

Đại biểu Đào Đức Hưng (tổ Vũ Thư) đã chất vấn đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Giám đốc Sở Nội vụ về việc hiện nay định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng theo quy định của Thông tư số 06 năm 2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, ngành có giải pháp nào để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non công lập như hiện nay. Đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Năm 2011, Thái Bình đã  chuyển 287 trường mầm non bán công trên địa bàn tỉnh thành trường công lập; đồng thời giao biên chế, định suất giao viên mầm non hợp đồng, việc thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non. Tính đến năm 2015, tổng người làm việc tại các trường mầm non công lập được giao là 6.789, trong đó biên chế viên chức là 2.638 người, giáo viên hợp đồng là 4.120 người; số người làm việc tại các trường mầm non công lập được giao ổn định từ đó đến nay.

Đại biểu Đào Đức Hưng (tổ Vũ Thư)

Vói số lượng giáo viên được giao là 6.789 người (bao gồm 4.120 định suất hợp đồng) thiếu so với định mức quy định tại Thông tư số 06 và hướng dẫn liên ngành của Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo và cụ thể theo báo cáo của các huyện thành phố đến ngày 30/10/2017 1à 1.744 người. Nguyên nhân chính của việc thiếu  giáo viên mầm non, theo đồng chí Nguyễn Khắc Thận là khi các trường mầm non chuyển thành công lập, chất lượng giáo dục được nâng lên và cơ sở vật chất được đầu tư, kinh tế phát triển, tỷ lệ trẻ huy động đến trường nhiều hơn vì vậy số nhóm lớp tăng lên. Lý do hiện nay Sở Nội vụ chưa tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh giao đủ hoặc giao bổ sung một phần số lượng giáo viên còn thiếu cho các huyện, thành phố vì tỉnh đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước nên không thể thực hiện được. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh khi phê duyệt Kế hoạch tinh giản biên chế không  tinh giản tỷ lệ 10% đến năm 2021 đối với các trường mầm non công lập. Cho các huyện, thành phố tuyển đủ số giáo viên trong biên chế còn thiếu không trừ để tinh giản; hướng dẫn các huyên, thành phố tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng trong định suất còn thiếu trong các trường mầm non công lập.

Để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới, theo đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố phải khẩn trương chỉ đạo và thực hiện tuyển dụng đủ số giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng còn thiếu theo định suất (số biên chế viên chức mầm non còn thiếu 227 người, số định suất giáo viên hợp đồng còn thiếu là 256 người). Chủ động và quyết liệt thực hiện các giải pháp để tổ chức sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn theo Nghị quyết số  19  Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). UBND tỉnh tiếp tục có chính sách ưu đãi để đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục mầm non ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao. Chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát việc bố trí giáo viên mầm non theo đúng vị trí việc làm và xây dựng đề án vị trí việc làm trong các trường mầm non theo quy định của Thông tư liên tịch số 06. Trong điều kiện chưa xin được Bộ Nội vụ, Chính phủ giao tăng biên chế, đề nghị HĐND tỉnh quyết định giao tăng một lượng hợp lý số định suất giáo viên mầm non hợp đồng để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong các trường mầm non hiện nay.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở

Đồng chí Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Tô Quý Bôn (tổ Tiền Hải) về giải pháp của ngành để sớm khắc phục tình trạng một số bệnh viện tuyến huyện trình độ y bác sĩ và trang thiết bị còn hạn chế nhưng thường giữ bệnh nhân lại để điều trị, chưa tạo điều kiện cho bệnh nhân được tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh ở tuyến trên dẫn đến tình trạng bệnh nhân vượt tuyến để điều trị và không được thanh toán bảo hiểm y tế gây bức xúc cho người bệnh, đồng chí Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thái Bình có 12 bệnh viện đa khoa huyện, thành phố trong đó có 8 bệnh viện hạng II, 4 bệnh viện hạng III. Qua kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, nhân lực, trình độ cán bộ, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện có của các đơn vị, kết quả thực hiện công tác khám, chữa bệnh hàng năm, Sở đánh giá cơ bản các bệnh viện đa khoa huyện, thành phố đủ khả năng thực hiện các kỹ thuật theo phân cấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế về phân tuyến, phân cấp kỹ thuật với mục tiêu đưa các dịch vụ kỹ thuật đến gần với người dân, nhất là kỹ thuật chuyên sâu; từ ngày 1/1/2016, thực hiện chính sách thông tuyến huyện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người bệnh có quyền được lựa chọn và tăng cơ hội lựa chọn các bệnh viện cùng tuyến để điều trị mà không cần giấy chuyển viện. Đồng chí Giám đốc Sở Y tế khẳng định không có tình trạng giữ người bệnh ở lại điều trị tại tuyến huyện, những bệnh nhân nặng, vượt khả năng điều trị của tuyến dưới đều được tạo điều kiện để chuyển tuyến điều trị. Tuy nhiên, có một số người bệnh yêu cầu được chăm sóc toàn diện, tiếp cận các dịch vụ cao hơn ở tuyến trên hoặc người bệnh mắc các bệnh mãn tính muốn chuyển tuyến để được hưởng chế độ, chính sách cao hơn ở tuyến trên. Đây cũng là những bất cập, Sở Y tế đã có văn bản kiến ngị Bộ Y tế điều chỉnh cho phù hợp để người bệnh không phải chuyển tuyến.

Đại biểu Tô Quý Bôn (tổ Tiền Hải)

Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Sở Y tế xác định tập trung đầu tư và phát triển hệ thống y tế cơ sở nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Để thực hiện được, Sở sẽ tiếp tục phát triển chuyên môn kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao và thực hiện các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, khuyến khích các bệnh viện tuyến huyện thực hiện các kỹ thuật tuyến trên; tiếp tục rà soát, phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các bệnh viện tuyến huyện; phát huy tối đa hiệu quả của các trang thiết bị được đầu tư từ các dự án y tế; giám sát chặt chẽ việc quản lý nguồn thu dịch vụ y tế của các bệnh viện, tăng tỷ lệ trích lập quỹ phát triển sự nghiệp để tái đầu tư cho các bệnh viện; tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn, quảng bá hình ảnh, thương hiệu bệnh viện...

Qua phần trả lời chất vấn cho thấy thủ trưởng các sở, ngành đã nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm, trả lời chất vấn đúng, trúng vấn đề đại biểu chất vấn, chỉ rõ mặt được, chưa được, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, đề ra được giải pháp, lộ trình khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lĩnh vực ngành quản lý, góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm công bằng xã hội.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã bổ sung, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu chất vấn, thủ trưởng sở, ngành trả lời. Đồng chí ghi nhận các ý kiến chất vấn của các đại biểu và phần trả lời chất vấn của thủ trưởng các sở, ngành; 12 câu hỏi chất vấn đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được chất vấn tại hội trường, HĐND tỉnh sẽ chuyển tới các sở, ngành liên quan trả lời. Đồng chí đề nghị thời gian tới, thủ trưởng các sở, ngành thực hiện lời hứa của mình, tập trung giải quyết những vấn đề mà đại biểu đã chất vấn. Thường trực HĐND tỉnh sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa của thủ trưởng các sở ngành tại phiên chất vấn, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

TBĐT

  • Từ khóa