Thứ 6, 22/11/2024, 23:55[GMT+7]

Thái Phương phát triển nghề gắn với tiết kiệm năng lượng

Thứ 4, 13/12/2017 | 08:19:12
1,282 lượt xem
Thái Phương (Hưng Hà) có 11.264 nhân khẩu với hơn 3.200 hộ dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 31 triệu đồng/người/năm. Kết quả đó là do địa phương đã phát triển mạnh nghề và làng nghề, tạo việc làm cho nhiều người dân ở trong và ngoài xã.

Hệ thống chiếu sáng bảo đảm cho việc kiểm tra hàng hóa ở Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc (cụm công nghiệp Thái Phương, Hưng Hà).

Ông Trần Bá Cao, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định việc duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống là nhiệm vụ quan trọng nên Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề khuyến khích người dân phát triển nghề. Vì thế, từ 4 làng nghề dệt, Thái Phương đã nhanh chóng phát triển lên 6 làng nghề và đến năm 2011 được UBND tỉnh công nhận xã nghề. Một trong những thôn phát triển nghề mạnh nhất là Nhân Xá. Mặc dù ngày đó chưa có cơ chế hỗ trợ nhưng người dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư máy móc để làm nghề. Với đầu tư bình quân trên 200 triệu đồng một máy dệt công nghiệp, 28 triệu đồng một máy bán công nghiệp, nhiều người trong thôn đã đầu tư 4 - 5 máy dệt về làm. Vì thế, chỉ chưa đầy một năm Nhân Xá đã phấn đấu được công nhận làng nghề. Kết quả đó đã góp phần đưa số máy dệt công nghiệp trong toàn xã chiếm khoảng 50%, tương đương với gần 1.000 máy dệt công nghiệp, còn lại là máy bán công nghiệp. Các sản phẩm của làng nghề hầu hết xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo ông Cao, nhờ có nghề dệt nên đời sống người dân Thái Phương rất cao. Toàn xã hiện có trên 70 doanh nghiệp, trên 60 biệt thự, không có nhà dột nát. Điều đặc biệt hơn, từ làng nghề dệt đã có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp phát triển ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điển hình như ở Thành phố Hồ Chí Minh đến nay có “làng Mẹo thứ hai” sinh sống ở đó với khoảng 200 hộ làm nghề. Đây cũng là nơi được đánh giá là con em làng Mẹo đi làm ăn xa thành đạt nhất cả nước. Cũng từ phát triển nghề mà nhiều đại gia đã đầu tư tài trợ về cho địa phương hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi. Vì thế, hiện nay, Thái Phương là một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng khang trang nhất, nhì huyện Hưng Hà. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã thường chiếm trên 75% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp trong làng nghề đạt trên 400 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng đạt 9,25%/năm.

Ông Cao cho biết thêm: Với tính chất đặc thù của nghề dệt là sử dụng năng lượng điện vào hoạt động máy móc nên sản lượng tiêu thụ điện năng ở Thái Phương luôn nằm trong tốp dẫn đầu huyện với số tiền chi trả mỗi tháng trên 2 tỷ đồng. Vì thế, việc tuyên truyền về sử dụng tiết kiệm năng lượng là rất quan trọng và cần thiết đối với các làng nghề nói chung và xã Thái Phương nói riêng. Bởi đơn cử mỗi tháng xã tiết kiệm được 10% sản lượng điện thì số tiền tiết kiệm trong dân sẽ là 200 triệu đồng/tháng để phục vụ cho chi phí sản xuất và sinh hoạt của người dân. 

Bà Vũ Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc cho biết: Trong điều kiện kinh doanh ngày càng khó khăn, lợi nhuận thấp, doanh nghiệp buộc phải tìm các biện pháp để tiết giảm chi phí. Do đó, từ năm 2014 Công ty đã tiên phong liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản ứng dụng máy móc sử dụng công nghệ bằng năng lượng mặt trời và các thiết bị tiết kiệm điện. Tuy nhiên, do chưa hiểu hết thực trạng hệ thống đường điện đang sử dụng nên doanh nghiệp mới chỉ ứng dụng được vào hệ thống chiếu sáng, đầu tư lại toàn bộ hệ thống đèn led trong các nhà xưởng. Kết quả, từ chỗ mỗi tháng doanh nghiệp phải chi trả 190 triệu đồng tiền điện thì nay chỉ còn khoảng 170 triệu đồng, tiết kiệm được 20 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn là độ sáng của đèn led rất cao giúp bộ phận kiểm tra sản phẩm làm việc dễ dàng hơn, chất lượng sản phẩm được bảo đảm. Ngoài ra, Công ty sẽ tính tới phương án đầu tư cải tiến máy may dùng điện bằng dùng năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện.

Thời gian tới, Thái Phương sẽ tuyên truyền phát động nhân dân sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng bằng đèn led và bình nước nóng năng lượng mặt trời. Ngoài ra còn phát động trong các hộ chăn nuôi tiết kiệm năng lượng bằng tái tạo sử dụng bể biogas. Trong cụm công nghiệp sẽ động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mua sắm trang thiết bị máy móc có dán nhãn năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương nhằm hạn chế tối đa năng lượng dư thừa, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng và hiệu quả.

Thu Thủy