Thứ 6, 10/05/2024, 16:35[GMT+7]

Hải Triều lưu hậu

Thứ 2, 18/12/2017 | 08:50:14
2,520 lượt xem
Không mấy ai biết làng Hải Triều thời tiền Ngô Vương chính là căn cứ quân sự trọng yếu giúp nhà Ngô bình định quân Nam Hán. Trong những trận chiến chống quân xâm lược, Phó soái (Đại tướng) Ngô Tôn Tư vào sinh ra tử chinh chiến dọc ngang, hồn cốt Đại tướng đã gửi lại nơi đây…

Hải Triều Quốc tế điện, nơi thờ Phó soái Ngô Tôn Tư và Ngô Vương Quyền.

Các bậc cao niên ở làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà vẫn truyền cho cháu con nghe câu chuyện về một vị đại tướng thời tiền Ngô Vương là Phó soái Ngô Tôn Tư, chú ruột Ngô Quyền, người anh hùng tuấn kiệt đã đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt một thiên niên kỷ đô hộ của Bắc phương, mở ra kỷ nguyên thịnh trị của nước Nam. Nhưng không mấy ai biết làng Hải Triều thời tiền Ngô Vương chính là căn cứ quân sự trọng yếu giúp nhà Ngô bình định quân Nam Hán. Trong những trận chiến chống quân xâm lược, Phó soái (Đại tướng) Ngô Tôn Tư vào sinh ra tử chinh chiến dọc ngang, hồn cốt Đại tướng đã gửi lại nơi đây…

Vào khoảng năm 930 - 931, quân Nam Hán mở đợt tấn công xâm lược nước ta lần thứ nhất, dù bị quân và dân ta đánh cho tơi tả nhưng vương triều Nam Hán vẫn không từ bỏ dã tâm thôn tính nước ta. Nhân cơ hội Kiều Công Tiễn phản loạn cầu cứu vua Nam Hán giúp đỡ, chúng liền phát động chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Đoán trước được ý đồ “nội công, ngoại kích” của giặc, Ngô Quyền đã tập hợp các tướng tài binh giỏi trong đó có Phó soái Ngô Tôn Tư và các hào kiệt, kéo quân từ Ái Châu (Thanh Hóa) ra Bắc diệt trừ những tên phản loạn, đánh tan quân Nam Hán. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt một nghìn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, lập nên quốc gia tự trị. Ấp Hải Triều (nay là thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) có đóng góp to lớn sức người, sức của cho cuộc đại chiến.

Hơn một nghìn năm trôi qua kể từ chiến thắng Bạch Đằng năm 938, đất và người Hải Triều vẫn tưởng nhớ công lao Phó soái Ngô Tôn Tư. Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, ông vô cùng thương nhớ Phó soái Ngô Tôn Tư liền ban sắc phong xây dựng Điện quốc tế ở ấp Hải Triều, lấy hiệu là “Hải Triều Quốc tế điện” thờ phụng Ngô Tôn Tư, đồng thời ban nhiều vàng bạc, châu báu cùng ruộng đất để người dân cúng tế hàng năm. Các vương triều phong kiến đời sau đều có sắc phong nhưng đáng tiếc chiến tranh, giặc dã tàn phá đã lưu lạc mất nhiều sắc phong, hiện tại dân làng còn lưu giữ được một số sắc phong triều Nguyễn cho Ngô Tôn Tư như thời Tự Đức (năm 1853), Đồng Khánh (năm 1888), Khải Định (năm 1925)… Sắc phong của vua Thiệu Trị (1874) viết: “Từ lâu xã Hải Triều đã phụng thờ Tiền Ngô Vương, nay chuẩn cho xã tiếp tục phụng thờ…”. Điện quốc tế (nơi cử hành nghi lễ quốc gia thờ Ngô Tôn Tư và phối thờ Ngô Quyền) còn giữ được một số bức hoành phi, câu đối, trong đó có bức hoành phi ghi: “Nam quốc nhất thống tiền Ngô Vương hoàng đế vị tiền” và bức đại tự treo trang trọng giữa tòa đại bái: “Kinh thiên vĩ địa”, dịch và hiểu là: “Công lao ân huệ cao rộng như trời đất”. Nội dung bức hoành phi có ý ngợi ca công đức của Ngô Vương Quyền với đất và người Hải Triều và Điện quốc tế được coi là linh từ, vì thế trước điện có bức bình phong đắp nổi bốn chữ “Quốc tế linh từ”. 

Theo các bậc cao niên làng Hải Triều, từ xưa, Điện quốc tế được xây dựng trên một khoảng đất rất rộng có tường bao vây quanh, cây cối um tùm, có bãi thả ngựa. Sân đền rộng lát gạch bát đủ chỗ cho cả nghìn người dự lễ tế. Trước cửa điện có đường “quan cấm” dài hàng trăm thước, rộng mấy hàng xe ngựa. Đường này khi vua hoặc quan lại về dự tế lễ nghi thức quốc gia thì cấm mọi người dân qua lại. Hải Triều quốc tế điện nằm ở khu gò cao, rộng xung quanh cây cối um tùm, phía trước có dòng nước uốn lượn làm tăng thêm vẻ trầm u, linh ứng. 

Giờ đây không gian điện đã bị thu hẹp nhưng những cái tên “bãi ngựa”, đường “quan cấm”, bia “cấm chỉ”… vẫn còn được gọi cho đến ngày nay chứng tỏ xa xưa một thời đất Hải Triều thường xuyên đón vua quan võng lọng, ngựa xe về hành lễ ở Hải Triều Quốc tế điện. Ngôi điện thờ Phó soái Ngô Tôn Tư và phối thờ Ngô Vương Quyền có một không hai ở đất Thái Bình trải qua nghìn năm thăng trầm, binh biến, phong hóa của thời gian đã nhiều lần phải trùng tu nên vẻ uy nghi, lẫm liệt không còn như xưa. Mới đây, bằng nguồn vốn xã hội hóa, Hải Triều Quốc tế điện được tu bổ lại, tuy nhỏ bé nhưng vẫn có sân khá rộng có thể tiến hành nghi lễ, trong điện vẫn còn giữ được đồ tế khí, hoành phi, câu đối cổ và đặc biệt là tượng Phó soái Ngô Tôn Tư. Hai bên cột hiên Điện quốc tế có đôi câu đối:


Vũ Dũng tiền triều ban Quốc tế

Văn minh tư thế hộ dân an.

Dịch là:

Vũ dũng triều xưa ban Quốc lễ

Văn minh đương đại giúp yên dân.

Hậu cung thờ thần vị và thần tượng Phó soái Ngô Tôn Tư, bài vị bằng chữ Hán ghi: “Cung duy, quảng uyên ứng tế, hiển linh vũ, tán hóa điều nguyên bản triều sắc phong Đại tướng Ngô Tôn Tư quang uy vũ tôn thần”. Các tài liệu khảo cứu và sử sách rất ít ghi chép về Phó soái Ngô Tôn Tư. 

Theo tư liệu của dòng họ Ngô (làng Đường Lâm, Sơn Tây) thì Đại tướng Ngô Tôn Tư là chú ruột Ngô Quyền. Trong trận chiến đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, đoán trước được đường đi và thế trận cùng thực binh của giặc, Ngô Quyền đã sai quân sĩ đốn gỗ, đẽo nhọn làm cọc đóng xuống lòng sông Bạch Đằng, một mặt bố trí phòng tuyến quân sự trọng yếu ở cửa Luộc (Hải Triều) cử Phó soái Ngô Tôn Tư trấn giữ. Khi quân Nam Hán tiến hành cuộc xâm lăng đất nước ta, tướng giặc là Lưu Hoằng Tháo còn rất trẻ, dẫn đại quân hung hăng tràn vào cửa biển, các chiến thuyền lớn của giặc theo cửa sông Bạch Đằng kéo quân vào đất Việt. Lợi dụng thủy triều lên, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến. Quân giặc khinh thường tiến sâu hơn, đợi khi thủy triều xuống, Ngô Quyền lệnh cho thủy quân từ các vị trí ở thượng lưu phản công quyết liệt, dọc sông đánh xuống chặn đầu kết hợp với quân thủy, quân bộ mai phục hai bên bờ sông đánh vào sườn đội hình quân giặc. Phó soái Ngô Tôn Tư dẫn đại quân từ cửa Luộc đến ứng chiến kịp thời. Bị đòn đánh mạnh bất ngờ, quân giặc không kịp trở tay, hoảng loạn tháo chạy hòng thoát ra biển nhưng đâm vào trận địa cọc ngầm của quân ta. Trong thời gian ngắn, toàn bộ chiến thuyền của giặc bị nhấn chìm, hầu hết quân giặc bị tiêu diệt, tướng giặc Lưu Hoằng Tháo bị chém đầu.

Trận huyết chiến Bạch Đằng năm 938 mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta. Trong cuộc binh đao Phó soái Ngô Tôn Tư đã tử chiến, góp công đánh tan quân Nam Hán. Trận chiến để lại cho hậu thế bài học quý báu về nghệ thuật đánh bại quân địch ngay từ trận đầu, tuyến đầu ở môi trường sông nước, nhanh chóng kết thúc chiến trận và giành thắng lợi rực rỡ.


Ông Nguyễn Văn Thái, Bí thư Chi bộ thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà

Theo dân gian truyền lại, phía sau Hải Triều Quốc tế điện có khoảng đất rộng chừng một trăm thước vuông (đơn vị tính sào Bắc Bộ) được gọi là gò Sơn Cao. Nơi đây có ngôi mộ cổ chưa xác định được niên đại, nghi là mộ của Phó soái Ngô Tôn Tư. Năm 1976, kẻ gian đào mộ tìm báu vật nên Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Thái Bình tổ chức khai quật nhằm bảo vệ di vật. Sau đó, những mẫu vật thu được từ ngôi mộ cổ được đưa về Bảo tàng Thái Bình. Chưa thấy có cuộc hội thảo khoa học nào về ngôi mộ cổ ở gò Sơn Cao và cũng chưa có hội thảo về thân thế, sự nghiệp Đại tướng Ngô Tôn Tư, chỉ biết rằng người dân làng Hải Triều trải nghìn năm vẫn hương khói phụng thờ vị tướng của triều Ngô.

Ông Vũ Văn Toản, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, trưởng ban khánh tiết Quốc tế điện, thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà

Năm 2014, chúng tôi nhận được thông báo của UBND tỉnh về việc tiến hành hoàn táng ngôi mộ cổ ở gò Sơn Cao phía sau Quốc tế điện nhưng từ đó đến nay công việc hoàn táng vẫn chưa được triển khai. Người dân làng Hải Triều chúng tôi kính mong các cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sớm hoàn thiện thủ tục để hoàn táng ngôi mộ cổ.

Ông Vũ Văn Khai, thủ từ Điện quốc tế linh từ, thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà

Đức Ngô Tôn Tư là Phó soái tài đức, anh minh thao lược, công lao của Ngô Tôn Tư được ca ngợi trong văn khấn, đọc trong ngày giỗ ngài hàng năm ở Điện quốc tế linh từ. Những cổ tự, cổ vật, đồ thờ có giá trị của Điện quốc tế linh từ như thần vị, ngai thờ và tượng Ngô Tôn Tư mang phong cách thời hậu Lê cùng một số hoành phi, câu đối thời Nguyễn… Tất cả nhằm tôn vinh Phó soái, Đại tướng Ngô Tôn Tư thời tiền Ngô. Ngài đã tham gia chiến trận Bạch Đằng năm 938, lập công oanh liệt, anh dũng tử chiến vì độc lập, tự do của dân tộc.


Quang Viện

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày