Thứ 3, 24/12/2024, 02:20[GMT+7]

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp

Thứ 2, 18/12/2017 | 09:18:54
1,138 lượt xem
Chủ trương thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp là bước đi đúng hướng trong điều kiện thực tế của tỉnh hiện nay.

Công ty TNHH Điện cơ Aidi đầu tư vào khu công nghiệp Gia Lễ từ năm 2015 với tổng nguồn vốn 125 tỷ đồng.

Kết quả ở hầu hết các khu, cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng đều có nhà đầu tư thứ cấp vừa thuận lợi cho công tác quản lý của Nhà nước vừa tránh được tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai. Tuy nhiên, để biến nhiệt huyết của các nhà đầu tư trở thành hiện thực vẫn rất cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư.

Theo số liệu của Sở Công Thương, trong tổng số quy hoạch 11 khu công nghiệp (KCN), 50 cụm công nghiệp (CCN) đến nay có 5 KCN, 13 CCN có nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng và 3 CCN có nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn gặp phải một số khó khăn do công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều phức tạp nên một số dự án chậm tiến độ và khó triển khai thực hiện. Các khu, cụm công nghiệp chủ yếu là đất lúa nên khi triển khai thực hiện chưa có kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Nhà đầu tư hạ tầng chưa kêu gọi được nhiều nhà đầu tư thứ cấp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài vì cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Một số nhà đầu tư hạ tầng còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong triển khai thực hiện...

Đại diện Công ty Idico - nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Cầu Nghìn cho biết: Hiện tại nhà đầu tư đã hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn I là 43ha và đã triển khai san lấp mặt bằng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải đã cơ bản hoàn thành phần thô, đang chuẩn bị lắp đặt thiết bị, phấn đấu đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thiện để phục vụ việc đấu nối cho các nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên hiện tại Idico còn đang vướng về quy hoạch nút giao KCN do đó mong muốn các sở, ngành của tỉnh tạo điều kiện cho công tác quy hoạch vị trí nút giao phù hợp nhất với KCN. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng mong nhận được sự hỗ trợ trong việc san lấp mặt bằng ở diện tích đã đền bù, đặc biệt đối với phần đền bù giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 là 139ha cũng mong tỉnh sớm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất để nhà đầu tư triển khai thực hiện. 

Chủ đầu tư CCN thị trấn Vũ Thư chia sẻ: Hiện tại đơn vị đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng 97,25% diện tích, đồng thời tiến hành đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN để thu hút đầu tư. Nhà đầu tư cũng đã hoàn thành công việc san lấp của toàn dự án, hoàn thành hệ thống thoát nước mưa, nước thải, hệ thống điện, giải phóng mặt bằng đường điện, đường giao thông và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, theo nhà đầu tư, để gỡ khó trong lĩnh vực đầu tư, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng giải phóng mặt bằng tới đâu cấp đến đó để vừa tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư hạ tầng vừa gỡ khó cho nhà đầu tư thứ cấp trong việc đầu tư, vay vốn. Ngoài ra cũng cần giúp doanh nghiệp thuận lợi khi tiếp cận các nguồn vốn, được hưởng chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh.

Để tháo gỡ những khó khăn trong triển khai xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng ưu tiên số một cho những những khu, cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, đồng thời hỗ trợ các nhà đầu tư về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng và đề xuất các cơ chế hỗ trợ... Tuy nhiên, các nhà đầu tư hạ tầng cũng cần phải thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước và của tỉnh, nhất là quy định về việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung trước khi thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Điển hình như đối với KCN Sông Trà do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp TBS Sông Trà làm chủ đầu tư đã cam kết nhiều lần về xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung song từ năm 2013 tới nay vẫn chưa triển khai. Trong khi đó ở KCN này đã có một số nhà máy đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động với lượng nước thải rất lớn. Điều này không chỉ gây bức xúc cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn gây khó khăn cho nhà đầu tư thứ cấp vào KCN. Do đó, bên cạnh việc khuyến khích thu hút đầu tư, tỉnh cần mạnh tay hơn đối với những nhà đầu tư không thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước và cam kết với tỉnh.


Ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương

Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Bộ Công Thương có thông tư quy định, hướng dẫn về quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp cũng như chế độ báo cáo, cơ sở dữ liệu và các mẫu văn bản, quy chế quản lý về cụm công nghiệp. Dựa trên cơ sở đó, Sở Công Thương sẽ đề xuất, tham mưu cho tỉnh ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp cũng như trình tự thành lập, mở rộng, đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần phải nghiên cứu Nghị định số 68 để nắm bắt được các quy định cũng như các cơ chế ưu đãi để thực hiện.

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan, chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng CCN An Ninh (Tiền Hải)

Theo tôi, bên cạnh sự tiến bộ, thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, tỉnh nên tạo điều kiện cho những nhà đầu tư có đủ điều kiện, khả năng về tài chính, trình độ, năng lực được thực hiện đầu tư song song với làm thủ tục hành chính. Có như thế mới giúp các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai các dự án, vừa đỡ mất thời gian chờ đợi vừa không lãng phí thời gian và tài nguyên đất đai. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn tỉnh tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư hơn nữa trong việc san lấp, giải phóng mặt bằng, đồng thời tỉnh cũng nên yêu cầu các nhà đầu tư phải thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản và thu lại giấy phép đối với những đơn vị “ăn xổi”.


Thu Thủy