Thứ 7, 23/11/2024, 07:42[GMT+7]

Thái Thụy: Tiến độ cày lật đất chậm

Thứ 6, 22/12/2017 | 14:44:19
703 lượt xem
Mặc dù đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các xã, HTX nhưng đến nay tiến độ cày lật đất chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân năm 2018 trên địa bàn huyện Thái Thụy còn rất chậm.

Cày lật đất tại xã Thái Thọ (Thái Thụy).

Vụ xuân năm 2018, xã Thụy Trình phấn đấu gieo cấy 370ha lúa. Tuy nhiên, đến nay tiến độ cày lật đất của địa phương mới chỉ đạt khoảng 10% - là một trong những xã có tiến độ cày lật đất chậm nhất huyện. Hiện nay, xã đang tích cực huy động máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ làm đất phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2018. 

Theo ông Nguyễn Đức Dự, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã: Mặc dù người dân rất muốn xuống đồng cày lật, phơi ải nhưng thực tế đồng ruộng không thể đáp ứng. Năm nay, lúa mùa thu hoạch bằng máy, đúng thời điểm thời tiết mưa lũ kéo dài nhiều ngày gây ngập úng, nền đất yếu, mặt bằng ruộng bị phá vỡ làm cho các máy làm đất hoạt động rất khó khăn, kể cả các máy công suất lớn. Ngoài ra, trong những ngày gần đây thời tiết liên tục có mưa phùn lại càng làm cho nền đất ruộng bị ngấm nước gây nhiều khó khăn cho việc cày ải. Đây đều là những nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ cày lật đất năm nay của địa phương chậm hơn so với mọi năm.

Hiện nay, bệnh lùn sọc đen đang xuất hiện trên cây ngô đông tại một số địa phương trong tỉnh; trên gốc rạ, lúa héo xuất hiện rầy khoảng từ 500 - 700 con/m2, nơi cao từ 2.000 - 3.000 con /m2, đây là nguồn môi giới bệnh lùn sọc đen cho vụ xuân năm 2018 và những năm tiếp theo. Trước tình hình trên, ngày 29/11/2017, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 29/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa, yêu cầu các huyện, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện cày lật đất và vệ sinh đồng ruộng xong trước ngày 10/12/2017. Tuy nhiên, đến ngày 14/12 tiến độ cày lật đất của Thái Thụy mới đạt khoảng 40%. Một số xã có tiến độ cày lật đất chậm như Thụy Trình, Thụy Lương, Thái Thượng… 

Việc chậm tiến độ cày lật đất đang trực tiếp ảnh hưởng tới công tác phòng ngừa, hạn chế sự phát sinh của sâu bệnh chuyển vụ, đặc biệt là rầy lưng trắng nguồn môi giới bệnh lùn sọc đen trên địa bàn huyện. Đồng thời, làm tăng nguy cơ gây ra hiện tượng ngộ độc cho cây lúa sau gieo cấy khi đất không được phơi ải để cải tạo chế độ khí trong đất, phân hủy các chất hữu cơ...

Những năm gần đây, huyện Thái Thụy đã đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó 100% diện tích đất được làm bằng cơ giới hóa với các loại máy có công suất lớn. Toàn huyện hiện có 180 máy làm đất đa năng công suất trên 24CV, 18 máy cấy. 

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trước tiến độ cày lật đất tại các địa phương chậm, ngành Nông nghiệp huyện đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn huy động tối đa máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ cày lật đất đồng thời tổ chức tốt công tác diệt chuột, triển khai làm thủy lợi đông xuân theo đúng kế hoạch. Theo kế hoạch, đầu tháng 1/2018, huyện bắt đầu lấy nước tự chảy thực hiện việc thau chua, rửa mặn sau đó sẽ vận hành các trạm bơm đổ ải cho các xứ đồng phục vụ công tác làm đất vụ xuân năm 2018. Vụ xuân năm 2018, toàn huyện phấn đấu gieo cấy trên 12.000ha lúa bằng các giống ngắn ngày, thời vụ gieo cấy trong tháng 2 năm 2018.

Trần Tuấn