Chủ nhật, 05/01/2025, 08:12[GMT+7]

Trách nhiệm người làm báo với mạng internet

Thứ 2, 25/12/2017 | 09:54:04
15,818 lượt xem
Sáng ngày 23/12, Hội Nhà báo Thái Bình tổ chức hội thảo “Báo chí tuyên truyền, đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc hại trên mạng internet”. Qua hội thảo, nhiều vấn đề đã được các hội viên Hội Nhà báo Thái Bình trao đổi, thảo luận. Cần phải thể hiện rõ vai trò của báo chí và nâng cao trách nhiệm nhà báo trong đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc hại trên mạng internet, đó là khẳng định của các hội viên Hội Nhà báo Thái Bình trong cuộc hội thảo.

Ảnh minh họa.

Thông tin xấu, thông tin độc hại tràn lan trên mạng internet

Trong thời đại công nghệ số, chỉ cần chúng ta ngồi ở nhà với một máy tính kết nối mạng internet hoặc một điện thoại thông minh là chúng ta có thể nhận được vô vàn các thông tin từ các báo, trang thông tin điện tử, facebook, blog cá nhân… Trong vô vàn các thông tin, chúng ta sẽ dừng lại và chọn đọc những gì? Những thông tin ấy tác động vào chúng ta như thế nào, tích cực hay tiêu cực?

Sự ra đời và phát triển như vũ bão của internet đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho con người và cho quá trình phát triển tất yếu của xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng mang đến nhiều hệ lụy khó lường, trong đó nguyên nhân từ việc xuất hiện các thông tin xấu, độc hại. Việc phản ánh không đầy đủ, sai lệch, phiến diện, một chiều, thiếu khách quan, trung thực, chỉ ở phạm vi hẹp suy diễn ra trên bình diện rộng đều dễ biến thành các thông tin xấu, độc hại cho mỗi cá nhân, tổ chức, xã hội gây nên những hậu quả khó lường. Trên thực tế, những thông tin xấu lại có sức lan tỏa mạnh mẽ. Sự lan tỏa thông tin xấu, độc hại không chỉ dẫn đến rối loạn thị trường thông tin, còn gây nên sự mất ổn định chính trị, thiệt hại về kinh tế thậm chí là sinh mạng con người.

Ở Thái Bình, một ví dụ điển hình, đầu tháng 12 vừa qua, trên một số báo điện tử đăng tải một số bài viết phản ánh về việc tỉnh Thái Bình hỗ trợ khoai tây giống kém chất lượng cho nông dân sau đợt ngập lụt. Với các tít bài như “Thái Bình: Bỗng dưng khốn đốn vì trồng giống khoai tây tỉnh hỗ trợ”; “Thái Bình: Lo mất vụ khoai tây vì giống kém”. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phản ánh trong các bài viết là chưa đầy đủ. Điều này đã gây nên không ít hiểu lầm và dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến tư tưởng, hoạt động sản xuất của nhân dân một số địa phương. Cùng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, tháng 9/2015, trên một số tờ báo cũng phản ánh về việc nông dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) mất mùa do được hướng dẫn sử dụng thuốc trừ sâu kém chất lượng. Nhưng trên thực tế, sự phản ánh của bài báo cũng không toàn diện, việc mất mùa chỉ ở một số hộ cá biệt vì nguyên nhân hộ nông nghiệp bỏ ruộng, không chăm sóc nhưng qua bài báo làm người đọc hiểu cả xã Quỳnh Hải mất mùa vì được HTX hướng dẫn mua thuốc trừ sâu kém chất lượng.

Ảnh: Thành Tâm

Báo chí làm gì để đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc hại

Báo chí có vai trò gì trong tuyên truyền, đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc hại trên mạng internet hiện nay?

Trở lại với ví dụ về câu chuyện mất mùa tại Quỳnh Hải. Ngay sau khi có thông tin đăng tải ở một số báo, Báo Thái Bình đã cử nhóm phóng viên về địa phương Quỳnh Hải để nắm thông tin. Qua gặp gỡ nhiều người dân, trao đổi với lãnh đạo địa phương, cơ quan chức năng, những thông tin thu nhận được đầy đủ lại hoàn toàn khác với những gì một số báo đã phản ánh. “Có phải Quỳnh Hải mất mùa?”. Bài báo được đăng tải trên Báo Thái Bình ngay sau đó đã cho người đọc một cái nhìn tổng quát, đầy đủ, trung thực, khách quan về sự thật “mất mùa” tại Quỳnh Hải. Bài báo đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc. Với thông tin từ một số bài báo về việc Thái Bình hỗ trợ giống khoai tây kém chất lượng cho nông dân sau ngập lụt, Báo Thái Bình cũng có bài khẳng định “An Đồng: Không phải khoai tây phát triển kém” để cho bạn đọc một cái nhìn khách quan hơn, trung thực và đầy đủ hơn về chất lượng khoai tây giống do tỉnh hỗ trợ.

Qua hội thảo, với hơn 20 lượt tham luận, phát biểu ý kiến, các hội viên, phóng viên khẳng định thực tiễn cho thấy chỉ khi nào người dân được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác thì khi đó họ mới có nhận thức đúng và “miễn dịch”, “tự đề kháng” trước những quan điểm sai trái, những thông tin thất thiệt, độc hại từ đó chủ động đấu tranh loại bỏ những thông tin này một cách hiệu quả nhất. Để có những thông tin đầy đủ, chính xác thì việc cần thiết là các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc cơ chế cung cấp thông tin đối với báo chí truyền thông. Điều cần thiết hơn nữa, các cơ quan báo chí phải chủ động, kiên quyết, tích cực, có quan điểm đúng đắn, vững vàng đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc hại. Việc đấu tranh với các thông tin xấu, độc hại là việc làm thường xuyên nhưng không hề đơn giản. Để làm được điều này, các cơ quan báo chí cần xây dựng được đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có trình độ lý luận sắc bén, nhiệt huyết và chuyên môn, nghiệp vụ cao.

Trần Hương

Tiến sĩ Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam

Việc Hội Nhà báo Thái Bình tổ chức hội thảo “Báo chí tuyên truyền, đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc hại trên mạng internet” tôi thấy vô cùng ý nghĩa. Nội dung này các báo đã viết nhiều nhưng Hội Nhà Báo Thái Bình là đơn vị đầu tiên tổ chức hội thảo về nội dung này. Qua hội thảo, tôi thấy sự đổi mới trong hoạt động của Hội Nhà báo Thái Bình đồng thời cũng thấy được sự tâm huyết, trách nhiệm của các hội viên trong thể hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của người làm báo trong hoạt động thông tin, tuyên truyền trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Ông Phí Văn Thành, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thái Bình

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, hội viên là nhiệm vụ được Hội Nhà báo Thái Bình chú trọng. Tổ chức hội thảo “Báo chí tuyên truyền, đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc hại trên mạng internet”, Hội Nhà báo Thái Bình mong muốn mỗi hội viên sẽ hiểu rõ hơn thực trạng, tiện ích to lớn đi kèm với đó là những hệ lụy khó lường của mạng internet trong thời đại số hóa. Đồng thời, có nhận thức đầy đủ hơn vị trí, vai trò của báo chí cũng như trách nhiệm của người làm báo trong việc tuyên truyền, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc hại trên mạng internet hiện nay.
Phóng viên Ninh Thanh, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình

Trước sự đa chiều của thông tin hiện nay, là một phóng viên tôi cũng luôn trăn trở phải làm gì để có thể viết đúng hơn, hiệu quả hơn. Qua hội thảo, tôi đã nhận được những thông tin, chia sẻ rất hữu ích và đã hiểu rõ hơn trách nhiệm của người làm báo trong việc tuyên truyền, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc hại trên mạng internet hiện nay.
Phóng viên Trịnh Cường, Báo Thái Bình
Tôi là một phóng viên trẻ, chưa có nhiều năm công tác, chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm về viết điều tra, phản bác các thông tin sai lệch, thông tin không đúng sự thật. Qua hội thảo, tôi đã nhận được nhiều thông tin bổ ích về vấn đề này. Đội ngũ phóng viên trẻ chúng tôi rất cần được bồi dưỡng nghiệp vụ qua những hội thảo như thế.