Thứ 7, 23/11/2024, 12:04[GMT+7]

Dấu ấn công nghiệp

Chủ nhật, 31/12/2017 | 09:17:44
883 lượt xem
Thời gian qua, ngành Công nghiệp của tỉnh đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm tỷ trọng khoảng 95% trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình tại xã Mỹ Lộc (Thái Thụy).

Ông Phạm Ngọc Kế, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Những năm gần đây lĩnh vực công nghiệp của tỉnh có nhiều đột phá, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế cũng như nguồn thu ngân sách của tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp 5 năm (2012 - 2016) đạt 56.705 tỷ đồng, trong đó năm 2016 là 18.152 tỷ đồng, tăng 2,65 lần so với năm 2012. Nhiều nhà máy sản xuất quy mô nhỏ, manh mún không hiệu quả đã giải thể hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất. Đến năm 2017 toàn tỉnh có 935 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tăng 254 doanh nghiệp so với năm 2012, tập trung tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Cùng với đó đã hình thành một số ngành công nghiệp quy mô lớn như công nghiệp dệt may đã trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực phát triển mạnh qua các năm. Hết năm 2016, toàn tỉnh có 335 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, đóng góp 75% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đạt 13.138 tỷ đồng, chiếm 32,2% trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đạt 2.500 tỷ đồng, sản xuất đồ uống đạt 1.950 tỷ đồng, sản xuất hóa chất đạt 1.917 tỷ đồng và khai thác khí tự nhiên đạt 398 tỷ đồng. Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp ở các năm trước đây (2011 - 2015) chỉ tăng ở mức một con số thì từ năm 2016 đến nay đều tăng trưởng ở mức hai con số. Điểm nhấn là năm 2017 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 48.581 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2016, tăng 74% so với năm 2012.

Điểm nổi bật nữa là các dự án quy mô đầu tư lớn đã hoàn thành đầu tư, từng bước đi vào sản xuất ổn định, phát huy được công suất đề ra như: hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình lô 102&106, giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 1.938 tỷ đồng, công suất 200 triệu m3/năm; hệ thống phân phối khí thấp áp cho các hộ tiêu thụ trong khu công nghiệp Tiền Hải có tổng vốn đầu tư 62 triệu USD; nhà máy sản xuất Amon Nitrat của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam có tổng mức đầu tư 5.762 tỷ đồng... Trong ngành công nghiệp dệt may tiếp tục có nhiều nhà máy sợi quy mô lớn phụ trợ cho ngành dệt may với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng tiếp tục hoàn thành đi vào sản xuất hiệu quả như nhà máy sợi III của Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý, nhà máy sợi Eiffel của Công ty Cổ phần Damsan, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân... Hay trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như sứ vệ sinh và gạch ốp lát ở khu công nghiệp Tiền Hải đã có nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động hiệu quả với dây chuyền sản xuất hiện đại, đẩy công suất cao gấp nhiều lần so với trước đó như Công ty TNHH Sứ Hảo Cảnh, nhà máy gạch men Mikado, Công ty Cổ phần Gạch ốp lát Thái Bình...  

Xí nghiệp phân phối khí thấp áp miền Bắc tại Tiền Hải.

Ông Phạm Ngọc Kế cho rằng, có được kết quả trên là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhất là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp. Ngành cũng đã thực hiện sắp xếp lại sản xuất, từng bước loại bỏ ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kém hiệu quả, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển ngành nghề, lĩnh vực sản xuất hiệu quả, thu hút dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó 100% thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực công thương đều được giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, giảm trên 50% về thời gian và đơn giản hóa thành phần hồ sơ cho 100% thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ Công Thương đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực công thương ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Do đó đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư về địa bàn. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 5.616 doanh nghiệp và 701 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với vốn đăng ký hơn 51,6 nghìn tỷ đồng.

Ngành công nghiệp dệt may tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động của tỉnh.

Định hướng thời gian tới của ngành Công Thương sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với chính sách của tỉnh và với các ngành đang có ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng. Khuyến khích thu hút dự án công nghệ cao, sản xuất điện tử và phần mềm điện tử, tin học, cơ khí chế tạo, sản xuất khí hóa lỏng, năng lượng, khai khoáng, chế biến nông, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo máy nông nghiệp, các dự án quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Một trong những giải pháp về ngành nghề được quan tâm nhất là sẽ ưu tiên, chuyển dịch đầu tư từ công nghiệp dệt may sang phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất máy nông nghiệp; công nghiệp điện - điện tử, cơ khí chế tạo công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, công nghiệp hóa chất, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sạch sử dụng ít năng lượng... Khuyến khích đầu tư chiều sâu, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng sản phẩm cho các ngành lĩnh vực quy mô khá như công nghiệp dệt may, sản xuất đồ uống, chế biến thực phẩm, khai thác khí tự nhiên.

Thu Thủy