Thứ 4, 27/11/2024, 13:43[GMT+7]

Du ngoạn ở ngôi chùa có loài sen khổng lồ

Thứ 4, 03/01/2018 | 08:20:26
983 lượt xem
So với nhiều ngôi chùa ở ĐBSCL thì Phước Kiển tự (xã Hòa Tân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) không phải là ngôi chùa đẹp mà là ngôi chùa lạ. Lạ là vì ở đây có một loài sen khổng lồ, đẹp, và được cho là độc nhất đồng bằng. Chính vì có lá sen này, nên nhiều người thường không nhớ tên chùa là Phước Kiển, mà gọi là chùa Lá Sen.

Từ cầu Mỹ Thuận, men theo quốc lộ 80 khoảng 15 km sẽ đến chợ Nha Mân. Từ đây, du khách rẽ trái, đi thêm khoảng 10 km nữa, qua một cây cầu bê tông là đến chùa Phước Kiển, một ngôi chùa nhỏ được cho là xây dựng vào thời vua Thiệu Trị, khoảng năm 1845.

Nhiều du khách ở khắp nơi thích thú khám phá ngôi chùa có lá sen to phủ dầy trên mặt ao.

Theo sư trụ trì Thích Huệ Từ thì trước đây ngôi chùa rất lớn, uy nghiêm. Tuy nhiên không may là vào năm 1966, bom đạn chiến tranh đã làm sập hoàn toàn ngôi chùa. Sau năm 1975, chùa được xây lại. Hiện về kiến trúc thì ngôi chùa khá bình thường, cột bê tông, mái tôn màu nâu đỏ. Về cơ bản thì ngôi chùa này sẽ không có gì ấn tượng nếu không có lá sen vua và những câu chuyện thú vị về Phật.

Cũng theo sư trụ trì, bom đạn chiến tranh tuy đã làm sập ngôi chùa, nhưng trong những hố bom chung quanh chùa đã mọc lên một loài thực vật hiếm, lá rất to mà sau này nhiều người gọi là sen vua.

Không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng thích thú với loài thực vật ngộ nghĩnh này.

Theo tìm hiểu qua bách khoa toàn thư mở Wikipedia, tên khoa học của loài này là Victoria amazonica, là một loài thực vật có hoa, kích thước lớn nhất thuộc họ súng. Ngoài ra còn có thể gọi là nong tằm, hay súng nia, có nguồn gốc ở lưu vực Amazon, được phát hiện vào năm 1837 và được đặt theo tên của nữ hoàng Victoria.

Do lá sen khá giòn, nên để đứng được trên lá sen, 

người ta phải đặt lên đó một mảnh ván gỗ, hoặc chiếc mâm như thế này.

Đối với người Việt Nam thì sen vua trông khá lạ mắt. Vào mùa nước nổi, sen phát triển rất tốt, lá có thể đạt đường kính khoảng hơn 2m, thậm chí 3m. Mép lá uốn cong lên khoảng 2cm, trông giống như một cái nia. Chính vì điểm này mà du khách người miền nam thì hay gọi là súng nia, còn du khách đến từ các tỉnh thành phía bắc thì ví von như là chiếc nón quai thao của các cô gái miền quê Kinh Bắc.

Mặt trên lá sen nhẵn bóng, màu xanh nhạt. Mặt dưới màu đỏ tươi khi còn non và đỏ sậm khi lá già với những đường gân to vững chắc và có rất nhiều gai nhọn. Hoa sen vua to và đẹp, màu trắng vào buổi sáng và ngả sang hồng nhạt khi chiều tà. Điều khiến nhiều du khách thích thú là lá sen này có thể chịu được sức nặng của người lớn đứng lên, còn sư trụ trì Thích Huệ Từ cho biết, đã từng thử nghiệm với một người nặng tới 120kg đứng được tới 3 phút.

Hiện ở chùa Phước Kiển có hai ao sen, ao nhỏ ở ngay lối vào chùa, còn ao lớn nằm bên trái chùa. Ao lớn hiện có hàng trăm lá sen đang phát triển rất tốt, tạo cho không gian chùa sự thú vị đối với khách thập phương.

Không chỉ thu hút du khách bởi loài sen lạ, chùa Phước Kiển còn lưu truyền câu chuyện về cụ quy chăm chỉ nghe kinh và chim hạc hiểu tiếng người. Ngồi với sư trụ trì bên chái hiên chùa, cạnh ao sen vua, sư kể vào khoảng năm 1950, có người tặng cho nhà chùa con quy. Con quy suốt ngày quanh quẩn trong chính điện, ăn trái cây, rau quả. Đến giờ tụng kinh, quy nằm im chăm chú nghe. Đến năm 1966, khi chùa bị bom đạn oanh tạc, quy lạc mất và hàng chục năm sau đó, quy xuất hiện trở lại trong không gian chùa.

Màu của hoa sen vua buổi sáng.

Đến năm 1999, trong một lần đi trong xóm, sư phát hiện người dân bắt được con chim hạc (có thể là loài sếu đầu đỏ), nên sư mua về với ý định phóng sinh. Tuy nhiên, khi sư cắt dây thả đi thì chim hạc không bay đi mà cứ quanh quẩn tại chùa, hết đậu trên lá sen lại đùa cùng cụ quy trong chánh điện. Mấy lần sư bảo chim hạc bay lên thì chim liền bay, bảo đến đậu trên lá sen thì chim lập tức bay lên lá sen đậu. Sư bảo rằng chim hạc có thể hiểu được tiếng nói của sư, nên sư bảo gì chim hạc cũng đều làm theo. Tiếng nhà chùa có một cá thể chim hạc thông tin rất nhanh, không lâu sau đó rất nhiều du khách đã đến tham quan nhà chùa, và không ngoài mục đích được xem chim hạc cũng như cụ quy. Song điều đó vừa may mắn cho nhà chùa, mà cũng vừa không may. Chính quyền địa phương yêu cầu thu giữ chim hạc để đưa về khu bảo tồn thiên nhiên vì đây là loài động vật hoang dã quý hiếm có tên trong sách đỏ. Sư tâm sự, không biết số phận chim hạc sẽ ra sao nếu bị bắt đưa đi, nên sư bảo chim hãy bay về nơi mà nó đã đến. Thế là từ đó, chim hạc vắng bóng ở chùa Phước Kiển, cụ quy già cũng qua đời sau đó không lâu. Tiếc thương cụ quy già có tâm Phật, sư đã cho tẩm ướp xác và giữ trong tủ kính cho đến ngày nay.

Hoa sen vua buổi chiều.

Câu chuyện về cụ quy già cùng chim hạc giờ chỉ còn được kể qua lời sư trụ trì Thích Huệ Từ. Và cùng với lá sen vua độc đáo là những câu chuyện góp phần đưa du khách tìm đến để khám phá những điều thú vị ở ngôi chùa vốn khiêm tốn và nằm lặng lẽ giữa đồng nước Cửu Long.

Theo: nhandan.com.vn